Bất động sản thương mại đô thị có phải 'vàng ròng' tại thủ phủ công nghiệp?
TP. Sông Công đang là 'miền đất hứa' giàu triển vọng sinh lời cho nhà đầu tư bất động sản công nghiệp với lợi thế vị trí, quỹ đất, hạ tầng…
Cùng với việc phát triển bất động sản công nghiệp, việc xây dựng các khu đô thị, thương mại bên trong khu vực này cũng mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường và hướng tới phát triển bền vững.
TP. Sông Công hội tụ nhiều lợi thế
Thị trường bất động sản công nghiệp trong chu kỳ mới vẫn giữ nhịp tăng trưởng mạnh mẽ, các khu công nghiệp với quy mô lớn tiếp tục được thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Theo Tổng cục Thống kê, tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 ước đạt 9.450 tỷ đồng, bằng 85,7% kế hoạch, tăng 14,4 % so với năm 2020. Sự phát triển của ngành công nghiệp đã thúc đẩy bất động sản công nghiệp khởi sắc. Báo cáo Industrial Insider do Savills Việt Nam công bố mới đây cho thấy, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cả nước đạt bình quân 70,9%, tương đương cuối năm 2020. Tuy nhiên, các khu công nghiệp giờ đây không chỉ dừng lại ở việc cho thuê đất hay nhà xưởng, mà còn đẩy mạnh các loại hình bất động sản công nghiệp, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú, giải trí của người lao động, chuyên gia đến sinh sống, làm việc tại các khu công nghiệp.
Là đô thị vệ tinh nằm trong quy hoạch Vùng Thủ đô, TP. Sông Công (Thái Nguyên) là một trong những “thành phố trẻ” ghi nhận sự chuyển mình rõ rệt bậc nhất tại Thái Nguyên trong đó sự xuất hiện của các KCN, CCN chính là lực đẩy quan trọng. Với kế hoạch thăng hạng lên đô thị loại II, trong giai đoạn 2020-2025, thành phố đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 17%/năm trở lên. Trong đó công nghiệp, xây dựng 17% trở lên. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn bình quân tăng 15%/năm. Thu ngân sách nhà nước bình quân tăng 15%/năm trở lên. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 110 triệu đồng; …
Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, năm 2021, dân số Sông Công là 109.409 người. Mật độ dân số tại Sông Công cao gấp 3 lần mật độ dân số toàn tỉnh Thái Nguyên (376 người/km2).
Giàu tiềm năng, nhưng bất động sản có giá trị thương mại dịch vụ tại thủ phủ công nghiệp TP. Sông Công chưa phát triển xứng tầm. Thành phố vẫn thiếu vắng các loại hình vui chơi, ăn uống, giải trí… để đáp ứng nhu cầu của chuyên gia cấp cao, người dân đến địa bàn để sinh sống. Trong khi đó, thế hệ chuyên gia, trí thức ưa chuộng không gian sống có đầy đủ tiện ích. Thị trường bất động sản tại TP. Sông Công nếu bỏ quên việc phát triển bất động sản có giá trị thương mại, dịch vụ sẽ có nguy cơ “bỏ lỡ” dòng khách này. Việc hình thành các khu đô thị dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích cho khu công nghiệp, giải quyết nhu cầu nhà ở, xây dựng công trình văn hóa, thể thao và các tiện ích xã hội khác là điều cần được quan tâm tại địa phương.
Cửa sáng cho phát triển khu thương mại dịch vụ tại Sông Công
Với lợi thế về quỹ đất rộng, mặt bằng giá còn tương đối "mềm", sự đầu tư chỉn chu về hạ tầng và các chính sách thu hút đầu tư, là động lực giúp khu đô thị dịch vụ bên trong khu công nghiệp tại TP. Sông Công phát triển. Cùng với đó, việc các ông lớn rót tiền vào bất động sản công nghiệp, kéo theo các nhà máy, công xưởng, người lao động đổ về làm việc. Nhu cầu về an cư, kinh doanh tăng mạnh, làn sóng đầu tư vào khu thương mại, dịch vụ trở thành xu hướng, phát triển mạnh trong thời gian tới. Nhiều nhà đầu tư nếu biết nắm bắt cơ hội sẽ thắng lớn khi chọn được sản phẩm tốt tại đây.
Triển vọng phát triển của khu thương mại, dịch vụ tại thủ phủ công nghiệp còn được “tiếp sức” bởi chính sách của nhà nước. Nghị định số 82/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 22/5/2018 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế đã mở ra cơ hội cho nhà đầu tư bất động sản khi cho phép quy hoạch và phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Việc phát triển mô hình này góp phần giải quyết vấn đề về nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa đảm bảo cuộc sống của người lao động trong khu công nghiệp, tiến tới xây dựng môi trường làm việc, sinh sống đẳng cấp quốc tế với các ngành sản xuất công nghệ cao, hiện đại. Đồng thời, theo dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, thời gian tới dành khoảng 205,8 nghìn ha làm KCN. Trong đó, có khoảng 60% là đất trực tiếp sản xuất công nghiệp, còn 40% diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng trong KCN, đây chính là lợi thế để bất động sản thương mại, dịch vụ gia tăng lợi thế.
“Sự phát triển của bất động sản công nghiệp cần có sự tham gia của nhiều lĩnh vực kinh doanh khác mới có thể tạo động lực phát triển kinh tế của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đây là cơ hội để các khu thương mại, dịch vụ có quy mô, được quy hoạch, đầu tư bài bản thu hút cư dân đến sinh sống, trải nghiệm từ đó tạo nên sự sầm uất và góp phần thay đổi diện mạo kinh tế tại địa phương", bà Trần Thị Phương Hiền - Tổng giám đốc NewstarHomes phân tích.
Bà Hiền cũng nhấn mạnh thêm, việc phát triển khu thương mại, dịch vụ tại các thủ phủ công nghiệp cần căn cứ vào văn hóa, trình độ lao động, nhu cầu hội nhập, công nghệ sản xuất, và trình độ phát triển về cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, tại Việt Nam, mô hình khu thương mại, dịch vụ bên trong khu công nghiệp vẫn còn rất mới, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các chủ đầu tư khi phát triển dự án tại TP. Sông Công.
Phát triển bất động sản thương mại, dịch vụ trong thủ phủ công nghiệp là xu thế tất yếu và giúp khu công nghiệp nói riêng, bất động sản công nghiệp nói chung phát triển bền vững. Vì thế, hội tụ nhiều tiềm năng, đây là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp địa ốc có thể đầu tư, mang đến giải pháp về nhà ở cho chuyên gia và người lao động tại TP. Sông Công.