Bật mí loạt bài học kinh doanh đắt giá ít người biết ẩn sau siêu kinh điển Tam Quốc Diễn Nghĩa
Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung không chỉ là một bộ phim xem để giải trí mà ẩn sâu trong đó là những bài học kinh doanh đắt giá khó ngờ
Khi nói đến Tam Quốc chắc ai cũng nghĩ ngay đến các chiến lược chiến tranh bậc thầy của các vị tướng tài thời Tam Quốc. Thế chiến thuật trong chiến tranh có liên quan gì đến quản lí kinh doanh không? Dựa trên những bài học về chiến tranh của các tướng tài thời Tam Quốc như Gia Cát Lượng, Quan Công, Lưu Bị , Tào Tháo... có thể rút ra được 5 bài học kinh doanh dưới đây.
Kết nghĩa đào viên: Một mục tiêu, một lý tưởng
Hoàn cảnh của một Tây Thục có phần chắp vá trong Tam Quốc khi đó không khác là mấy so với những gì mà một startup sẽ phải trải qua trước khi đạt được thành công: Xuất phát điểm ban đầu chỉ là ý tưởng. Trong khi Ngụy hay Ngô sở hữu đầy đủ mọi nguồn tài nguyên cần thiết và cả một đế chế “chống lưng” phía sau thì tài sản duy nhất của Tây Thục là một ước mơ chung, một lý tưởng chung và một mục tiêu chung.
Bài học rút ra để khởi nghiệp thành công là các nhà sáng lập có thể không có xuất phát điểm cao nhưng nhất thiết phải có chung một mục tiêu và lý tưởng. Bởi vì, khi đi lên từ hai bàn tay trắng, chông gai và khó khăn sẽ là điều khó tránh khỏi. Việc sở hữu một mục tiêu chung cũng như một lý tưởng chung sẽ giúp cho các thành viên sáng lập đoàn kết hơn trước những tình huống khó khăn hay mâu thuẫn, vốn xuất phát từ sự khác biệt trong suy nghĩ và cách thức làm việc. Nếu không thể chia sẻ cùng một mục tiêu và lý tưởng, thì chắc chắn những thành viên sáng lập – hạt nhân của startup – không thể đi cùng nhau đến thành công
Tam cố thảo lư: Lòng nhẫn nại và khiêm tốn
Hành trình Lưu Bị tới tìm sự giúp đỡ của Gia Cát Lượng là bài học xương máu về lòng nhẫn nại và khiêm tốn trong kinh doanh. Lưu Bị đã không kể tới thân phận mà nôn nóng đi tìm Gia Cát Lượng nhờ ông giúp sức sau khi nghe danh tiếng được thiên hạ đồn đại.
Vậy nhưng năm lần bảy lượt tìm tới ba anh em đều không gặp Gia Cát Lượng. Trong đó, lần thứ 2, cả ba gặp phải trận tuyết lớn song vẫn cố đến nơi, vì Lưu Bị cho rằng đội gió tuyết mà đi mới tỏ được lòng thành.
Đến lần thứ 3, cả Quan Vũ cũng không vui, ngỏ ý không muốn đến. Vậy nhưng Lưu Bị nhất định muốn đi và kiên nhẫn đứng đợi Gia Cát Lượng ngủ một giấc rồi mới kính cẩn bàn việc lớn. Sau khi nghe Gia Cát Lượng phân tích tình hình khi ấy, Lưu Bị liền quỳ xuống mà khẩn cầu ông giúp đỡ. Cảm động bởi sự chân thành, khiêm tốn của Lưu Bị, Gia Cát Lượng đã nhận lời và sau này giúp Thục đạt được nhiều thành tựu lớn.
Có thể thấy trên con đường kinh doanh hay khởi nghiệp, lòng nhẫn nại và sự khiêm tốn là 2 yếu tố cực kỳ quan trọng. Con đường lập thân, lập nghiệp vốn không trải hoa hồng, song không phải là bất khả thi. Sẽ có lúc, thậm chí cả những người đồng sáng lập công ty cũng sẽ khuyên bạn từ bỏ một điều gì đó. Nhưng, hãy kiên nhẫn, vì mỗi một thất bại là mỗi một bước đệm đưa ta đến gần hơn với mục tiêu.
Và không ai có thể giỏi tất cả mọi thứ nên việc khiêm tốn tiếp thu những lời khen chê, khuyên bảo với tấm lòng cầu thị là yếu tố then chốt để ngày càng phát triển lớn mạnh.
Lựa chọn Hoàng Trung: Dùng người chính xác
Lão tướng Hoàng Trung một trong “ngũ hổ tướng” của Thục dù tuổi tác đã cao nhưng nhờ tài năng và sự trung thành nên vẫn được Lưu Bị phong làm Hậu tướng quân, vị trí ngang hàng với Quan Vũ (Tiền tướng quân).
Điều quan trọng rút ra cho mọi nhà quản lý doanh nghiệp là nên sử dụng nhân viên là thực lực chứ không nên xem trọng các yếu tố bên ngoài. Không nên xem thường nhân viên lớn tuổi bởi đôi khi kinh nghiệm sẽ là yếu tố đánh bật sức trẻ nhưng bồng bột.
Trên cương vị một người lèo lái doanh nghiệp, nếu doanh nhân không thể vượt trên những định kiến của bản thân, thì có thể sẽ đánh mất đi một nhân tài hiếm có. Và, tệ hơn nữa là nhân tài ấy rất có thể sẽ đầu quân cho đối thủ của bạn. Cả Gia Cát Lượng lẫn Lưu Bị đều hiểu rằng, để có thể tiếp tục con đường chinh phạt, thì một tướng quân dày dạn kinh nghiệm như Hoàng Trung là vô cùng quan trọng.
Tiến chiếm Thành Đô: Xác định đúng thị trường
Không phải tự nhiên Thành Đô được Lưu Bị và Gia Cát Lượng lựa chọn làm kinh đô của Thục. Chính địa thế hiểm trở, dễ giữ, khó đánh, lại có đất đai màu mỡ, sản vật phong phú và giao thông thuận lợi đã khiến Thành Đô trở thành nơi hoàn hảo để phát triển kinh tế cũng như xây dựng quân đội.
Từ đó có thể thấy xác định đúng thị trường mục tiêu là chìa khóa cho kinh doanh thành công. Liệu doanh nghiệp của bạn đã xác định được "Thành Đô" cho riêng mình?
Trận Xích Bích: Hợp tác chiến lược
Trước trận Xích Bích, Ngụy là quốc gia có thực lực mạnh nhất trong 3 nước và Tào Tháo đang dẫn quân bình định phương Nam với số lượng áp đảo. Trước tình thế đó, Thục nhận ra bản thân quá yếu để có thể chiến đấu một mình. Trong khi đó, Đông Ngô lại là quốc gia sở hữu vị trí then chốt, vì họ vốn quen thuộc với thủy chiến. Thế nên, để đẩy lùi Ngụy, Gia Cát Lượng, bằng tài ngoại giao của mình, đã thuyết phục Đông Ngô liên minh để kháng quân Tào.
Trong kinh doanh cũng vậy. Sẽ có lúc, bạn buộc phải chấp nhận sự thật rằng không thể đương đầu trực diện với một đối thủ lớn mà cần thiết phải có kế hoạch liên minh chiến lược. Dù việc thuyết phục một ông chủ như “Đông Ngô” thiết lập quan hệ đối tác là không dễ dàng, song đó là điều cần thiết để đảm bảo sự sống sót của doanh nghiệp trong cuộc chiến giành thị phần.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/bai-hoc-kinh-doanh-trong-tam-quoc-dien-nghia-24094.html