Bất ngờ trước lý do lớn nhất khiến trẻ em Nhật Bản bỏ học

Mối quan hệ với bạn bè là lý do hàng đầu khiến học sinh tiểu học và THCS ở tỉnh Tochigi (Nhật Bản) muốn nghỉ học.

 Tỷ lệ trẻ em Nhật Bản không muốn đến trường ngày càng tăng. Ảnh: Pexels.

Tỷ lệ trẻ em Nhật Bản không muốn đến trường ngày càng tăng. Ảnh: Pexels.

Theo Mainichi, Sở Giáo dục tỉnh Tochigi đã tiến hành một cuộc khảo sát để tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến việc học sinh bỏ học và các dữ liệu liên quan khác, trong bối cảnh tình hình bỏ học ngày càng gia tăng.

Lý do trẻ trốn học

Không riêng những học sinh thường xuyên bỏ học, tổng cộng 40.000 học sinh tiểu học, THCS và THPT tại các trường công của tỉnh đã tham gia khảo sát. Từ tháng 7 đến tháng 8, các em được yêu cầu trả lời thông qua các thiết bị giáo dục và các phương tiện khác. Tỷ lệ phản hồi là 72,8%.

Khi được hỏi nếu không bị ốm, các em có muốn đến trường không, 22,8% học sinh lớp 6 (bậc tiểu học) trả lời là "có" hoặc "đôi khi". Con số này ở học sinh năm hai THCS (lớp 8) và năm hai THPT (lớp 11) lần lượt là 28,1% và 37,7%.

Trong số này, lần lượt 6,2%, 8,6% và 10% học sinh trong các nhóm thực sự nghỉ học.

Về lý do muốn bỏ học, "mối quan hệ với bạn bè" là câu trả lời phổ biến nhất trong số các học sinh tiểu học và THCS, ở mức gần 40% đối với cả hai nhóm.

Trong khi đó, 30% học sinh tiểu học nêu lý do nghỉ học là "tình trạng thể chất kém". Con số này ở học sinh THCS là 10%.

Khi được hỏi các em đã tham khảo ý kiến của ai khi muốn bỏ học hoặc khi thực sự làm như vậy, câu trả lời phổ biến nhất đối với tất cả cấp học là gia đình. Tuy nhiên, 36,2% học sinh lớp 6, 45,1% học sinh THCS và 48,4% học sinh THPT trả lời rằng các em không hỏi ý kiến ai.

Khi được yêu cầu đưa ra lý do không chia sẻ với ai, gần 40% học sinh tiểu học và THCS chọn "Em không biết phải nói gì và nói như thế nào", "Em nghĩ rằng nó sẽ làm phiền người mà em nói chuyện", và "Em lo lắng về phản ứng của người đó nếu em nói chuyện". Khoảng 20% chọn "Em không có ai để nói chuyện".

Dựa trên kết quả khảo sát, Sở Giáo dục tỉnh Tochigi cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này tại một ủy ban chuyên về từ chối đi học và xây dựng các biện pháp phòng ngừa, phản ứng ban đầu và hỗ trợ cho trẻ em không đến trường.

 Mối quan hệ với bạn bè là lý do hàng đầu khiến học sinh tiểu học và THCS ở tỉnh Tochigi không muốn đến trường. Ảnh: Shutterstock.

Mối quan hệ với bạn bè là lý do hàng đầu khiến học sinh tiểu học và THCS ở tỉnh Tochigi không muốn đến trường. Ảnh: Shutterstock.

Phụ huynh của trẻ thường xuyên trốn học nói gì?

Sở Giáo dục cũng tiến hành một cuộc khảo sát đối với phụ huynh và người giám hộ của những học sinh thường xuyên vắng mặt ở các cấp học từ tiểu học tới THPT và trường đặc biệt. Mục đích của cuộc khảo sát là để xác định nhu cầu hỗ trợ của nhóm học sinh này.

Khảo sát được thực hiện vào tháng 9, nhận được phản hồi từ 2.001 phụ huynh. Trong số này, 1.009 phụ huynh có con đã nghỉ học hơn một tháng.

Lý do phổ biến nhất khiến con cái họ từ chối đến trường là "mối quan hệ với giáo viên" (45,8% đối với học sinh tiểu học) và "không khí ở trường hoặc trong lớp" (42,5% đối với học sinh THCS). Đối với học sinh THPT, "tình trạng thể chất kém" là yếu tố phổ biến nhất, ở mức 41,7%.

Về việc sử dụng các cơ sở hỗ trợ học tập cho học sinh vắng mặt, phụ huynh cho biết một nửa số học sinh tiểu học và THCS đã nghỉ học hơn một tháng chọn sử dụng các trung tâm hỗ trợ giáo dục thành phố. Trong khi đó, 20% học sinh THPT chọn các phòng học riêng.

Một số phụ huynh không biết về các cơ sở hỗ trợ này, vốn có thể giúp con cái họ học tập và phát triển tốt hơn.

Tỷ lệ sử dụng tư vấn viên trường học khác nhau giữa các cấp học. Phụ huynh của học sinh tiểu học và THCS thường sử dụng tư vấn viên nhiều hơn so với học sinh THPT.

Khi được hỏi phụ huynh mong đợi điều gì từ trường học và giáo viên, họ chọn "Tôi muốn tất cả trường học cung cấp môi trường học tập riêng biệt", "Tôi muốn các trường tham khảo ý kiến của học sinh và phụ huynh về việc thông báo sự vắng mặt và các vấn đề khác" và "Tôi muốn giáo viên lắng nghe và thấu hiểu những lo lắng và cảm xúc của trẻ".

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bat-ngo-truoc-ly-do-lon-nhat-khien-tre-em-nhat-ban-bo-hoc-post1513760.html