Bất ổn ở Bolivia đã thúc đẩy nỗ lực lật đổ Tổng thống Arce như thế nào?

Tổng thống Bolivia Luis Arce tuyên bố đất nước ông đang phải đối mặt với âm mưu đảo chính rõ ràng khi binh lính và các xe bọc thép của quân đội bao vây tòa nhà chính phủ ở thủ đô La Paz vào ngày 26/6.

Cuộc nổi dậy dường như là đỉnh điểm của những căng thẳng đã âm ỉ ở Bolivia trong nhiều tháng, khi người biểu tình đổ về thủ đô của quốc gia này trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và hai lãnh đạo chính trị tranh giành quyền lãnh đạo đảng cầm quyền.

 Một cuộc tuần hành chống chính phủ ở La Paz, Bolivia, ngày 17/6. Ảnh: AP

Một cuộc tuần hành chống chính phủ ở La Paz, Bolivia, ngày 17/6. Ảnh: AP

Điều gì là nguyên nhân gây ra đảo chính?

Cuộc nổi dậy hôm 26/6 dường như được lãnh đạo bởi Tổng Tư lệnh quân đội Juan José Zúnĩga, người đã nói với các nhà báo tập trung tại quảng trường bên ngoài cung điện rằng: "Chắc chắn sẽ sớm có Nội các bộ trưởng mới; đất nước của chúng ta, nhà nước của chúng ta không thể tiếp tục như thế này". Tuy nhiên, ông vẫn nói rằng ông công nhận Tổng thống Arce là tổng tư lệnh "hiện tại".

Ông Zúnĩga không nói rõ ràng liệu ông có phải là người lãnh đạo cuộc nổi dậy hay không, nhưng trong cung điện, với những tiếng nổ vang vọng sau lưng, ông nói rằng quân đội đang cố gắng "khôi phục nền dân chủ và giải phóng các tù nhân chính trị của chúng tôi".

Tổng thống Arce ra lệnh cho ông Zúnĩga rút quân, nói rằng sự bất hợp tác sẽ không được cho phép. Sau đó, ông chính thức cách chức Zúnĩga.

Điều gì đằng sau những căng thẳng gần đây?

Người dân Bolivia ngày càng phải chịu đựng nỗi đau của tình trạng tăng trưởng chậm, lạm phát gia tăng và khan hiếm đồng đô la, một sự thay đổi rõ rệt so với thập kỷ trước được mô tả là "phép màu kinh tế".

Nền kinh tế của Bolivia gần như tăng trưởng hơn 4% mỗi năm trong những năm 2010 cho đến khi rơi xuống vực thẳm vì đại dịch COVID-19. Nhưng rắc rối đã bắt đầu từ trước đó, vào năm 2014, khi giá hàng hóa sụt giảm và chính phủ phải dùng dự trữ tiền tệ để duy trì chi tiêu. Sau đó, họ sử dụng lượng vàng dự trữ và thậm chí bán trái phiếu bằng đồng đô la tại địa phương.

Ông Arce đã giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong suốt gần 10 năm tăng trưởng mạnh mẽ, dưới thời Tổng thống Evo Morales. Khi đảm nhận chức vụ Tổng thống vào năm 2020, ông đã phải đối mặt với tình hình kinh tế ảm đạm do đại dịch. Sản lượng khí đốt giảm đã đặt dấu chấm hết cho mô hình kinh tế thâm hụt ngân sách của Bolivia.

Với bối cảnh là sự tuyệt vọng về kinh tế, Tổng thống Arce và cựu lãnh đạo Morales đã xung đột trong một cuộc chiến chính trị, làm ảnh hưởng đến hoạt động của chính phủ. Ví dụ, các đồng minh của ông Morales trong Quốc hội đã liên tục ngăn cản nỗ lực của ông Arce trong việc gánh nợ để giảm bớt áp lực.

Cuộc đảo chính có gì đặc biệt?

Theo thống kê, Bolivia đã chứng kiến hơn 190 cuộc đảo chính và cách mạng kể từ khi giành được độc lập vào năm 1825.

Đây thậm chí không phải là nỗ lực đảo chính đầu tiên trong những năm gần đây. Năm 2019, ông Morales, khi đó là Tổng thống bản địa đầu tiên của Bolivia, đã tranh cử nhiệm kỳ thứ ba vi hiến. Ông đã giành chiến thắng trước những cáo buộc gian lận, gây ra các cuộc biểu tình rầm rộ khiến 36 người thiệt mạng, buộc ông phải từ chức và rời khỏi đất nước.

Ông Arce, người kế nhiệm được ông Morales lựa chọn, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với lời cam kết khôi phục sự thịnh vượng cho Bolivia, nơi từng là nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên chính của Mỹ Latinh.

Ngọc Ánh (theo AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bat-on-o-bolivia-da-thuc-day-no-luc-lat-do-tong-thong-arce-nhu-the-nao-post301091.html