Bầu cử Mỹ năm 2024: Những ẩn số ở phía trước

Cuộc tổng tuyển cử để bầu ra Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025-2029 dự kiến diễn ra ngày 5/11. Song từ tháng Giêng, nước Mỹ đã chính thức bước vào 'mùa bầu cử' khi bang Iowa và New Hampshire mở màn cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 liệu có những bất ngờ ngoài dự kiến? Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 liệu có những bất ngờ ngoài dự kiến? Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Sau giai đoạn bầu cử sơ bộ từ tháng 1-5, Đại hội toàn quốc của các đảng vào tháng 7-8 sẽ chính thức công bố các ứng viên đại diện đảng và thông qua cương lĩnh tranh cử. Sau đó, các ứng cử viên Tổng thống sẽ tiến hành các phiên tranh luận vào tháng 9-10, trước khi bước vào ngày tổng tuyển cử.

Cuộc bầu cử nhiều hệ lụy

Năm 2024 được coi là một trong những năm bầu cử lớn nhất khi các cuộc bỏ phiếu sẽ xuất hiện tại hơn 30 quốc gia. Trong số đó, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm hàng đầu của dư luận không chỉ tại Mỹ, mà còn trên toàn thế giới. Kết quả bầu cử sẽ có nhiều hệ lụy đến chính sách đối nội, đối ngoại của Mỹ cũng như cách thức Mỹ can dự vào hàng loạt vấn đề nóng trên thế giới hiện nay.

Sâu xa hơn, cuộc bầu cử này có thể tác động đến những đặc điểm của bối cảnh thế giới hiện nay khi đang trải qua thời kỳ “quá độ”, khép lại giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh và hình thành một trật tự quốc tế mới, ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới.

Các vấn đề cử tri Mỹ quan tâm hàng đầu hiện nay vẫn là tiến triển của nền kinh tế, nhất là tình hình lạm phát, nhập cư và an ninh biên giới, y tế và an sinh xã hội. Vấn đề đối ngoại được cử tri quan tâm hơn trong năm 2024, nhất là liên quan đến mức độ cam kết và viện trợ của Mỹ cho Ukraine, Israel trong các cuộc xung đột, cũng như chiều hướng chính sách với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, những diễn biến chính trị trong nội bộ, nhất là các vướng mắc về pháp lý cũng tác động đến quá trình vận động tranh cử của các ứng cử viên và tâm lý của cử tri Mỹ. Ông Donald Trump đang phải đối mặt với tổng cộng 91 cáo buộc hình sự được nêu trong bốn vụ truy tố. Các cơ quan tư pháp cân nhắc xem liệu một số bang có thể cấm cựu Tổng thống Donald Trump tham gia bầu cử sơ bộ vì vai trò của ông trong cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 tại tòa nhà Quốc hội Mỹ hay không. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden cũng phải đối mặt với cuộc “điều tra kép” của Bộ Tư pháp và Hạ viện Mỹ liên quan đến vai trò trong hoạt động kinh doanh của gia đình với nước ngoài.

Những gương mặt nổi bật

Đến thời điểm này, phần lớn truyền thông, học giả Mỹ cho rằng nếu không có biến cố lớn xảy ra, nhất là về sức khỏe hay kết quả các cuộc điều tra nhắm vào hai ứng cử viên hàng đầu, cuộc bầu cử Tổng thống 2024 sẽ là cuộc “tái đấu” tương tự năm 2020 giữa đương kim Tổng thống Biden và cựu Tổng thống Trump.

Trong Đảng Cộng hòa, với số phiếu cao nhất tại 98/99 hạt và cách biệt lớn nhất trong lịch sử (30%), chiến thắng trong bầu cử sơ bộ bang Iowa ngày 15/1 đã giúp củng cố vị thế dẫn đầu của cựu Tổng thống Trump trong đảng Cộng hòa. Sau khi Thống đốc bang Florida DeSantis tuyên bố rút lui, cựu Đại sứ Mỹ Nikki Haley trở thành ứng cử viên nặng ký “thứ hai” cạnh tranh với cựu Tổng thống Trump.

Tại Đảng Dân chủ, Tổng thống Biden duy trì tỷ lệ ủng hộ vượt trội trong thăm dò dư luận và dẫn đầu trong nội bộ Đảng. Hiện chỉ có Hạ nghị sĩ bang Minnesota Dean Philipps và nhà văn Marianne Williamson công khai cạnh tranh với ông.

Triển vọng bầu cử

Tổng thống Biden tuy đạt được một số thành tích từ đầu nhiệm kỳ như nỗ lực lèo lái đất nước vượt qua dịch bệnh Covid-19, ban hành các đạo luật đầu tư lịch sử cho các ngành bán dẫn, năng lượng sạch, hạ tầng, song ông đang gặp một số khó khăn.

Một bộ phận cử tri Mỹ lo ngại về vấn đề tuổi tác, tình trạng lạm phát ảnh hưởng đến người lao động và tầng lớp trung lưu tại Mỹ, dẫn đến tỷ lệ ủng hộ ở mức thấp kỷ lục (36-39%). Nội bộ Đảng Dân chủ còn chia rẽ về lập trường ủng hộ cuộc chiến chống Hamas của Israel; trong khi các thành viên đảng Cộng hòa ở Quốc hội Mỹ đã chặn đề xuất viện trợ bổ sung cho Ukraine của ông Biden. Còn Tổng thống Trump dù đang chiếm ưu thế trong các thăm dò dư luận, nhất là tại các bang “chiến trường” quan trọng song cũng phải đối mặt với nhiều vướng mắc nghiêm trọng về pháp lý.

Nước Mỹ bước vào năm 2024 khi môi trường chính trị nội bộ phức tạp, khó lường, với nhiều biến số tác động đến kết quả bầu cử. Do đó, hiện còn tương đối sớm để đánh giá cơ hội đắc cử của mỗi ứng cử viên.

Ông Biden với ưu thế Tổng thống đương nhiệm sẽ dồn nhiều nguồn lực tạo thành tích tranh cử, trong đó, nếu kinh tế Mỹ tiếp tục duy trì tăng trưởng cao, thất nghiệp thấp và an ninh biên giới được kiểm soát, có thể sẽ thay đổi được tình hình.

Tổng thống Biden sẽ nhấn mạnh thông điệp tranh cử theo hướng chỉ trích các chính sách, đường lối cực đoan, cực hữu của Tổng thống Trump, phong trào MAGA và đảng Cộng hòa đối với nền dân chủ của Mỹ, thể hiện là sự lựa chọn phù hợp hơn Tổng thống Trump. Bên cạnh đó, các cuộc điều tra nhắm vào cả hai ứng viên sẽ bước vào giai đoạn cao trào trong những tháng tới, có thể có những bất ngờ ngoài dự kiến.

Thời gian tới, các ứng cử viên sẽ tập trung giành ưu thế trong các cuộc bầu cử sớm, sau đó trọng tâm sẽ là sự kiện “Siêu thứ ba - Super Tuesday” ngày 5/3 khi 15 bang đồng loạt tổ chức bầu cử sơ bộ. Sang giai đoạn tổng tuyển cử, chiến dịch tranh cử mạnh sẽ tập trung vào các chuyến đi vận động tới bảy bang “chiến trường” bao gồm Arizona, Georgia, Pennsylvania, Michigan, Nevada, North Caronlina và Wisconsin.

Nguyễn Thị Quỳnh Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-my-nam-2024-nhung-an-so-o-phia-truoc-258708.html