Bầu cử Mỹ và Đông Nam Á

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày càng đến gần, các quốc gia Đông Nam Á đang theo dõi kỹ lưỡng. Bởi bất cứ ai trở thành chủ nhân Nhà Trắng đều sẽ mang lại những thách thức và cơ hội cho khu vực theo những chiều hướng khác nhau.

 Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. (Nguồn: Reuters)

Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (trái) và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. (Nguồn: Reuters)

Theo khảo sát ngày 20/8 trên trang Five Thirty Eight, khoảng 46,6% người dân Mỹ có xu hướng ủng hộ bà Harris trở thành Tổng thống, trong khi con số của ông Trump là 43,8%. Cách biệt sát nút cho thấy cuộc đua vào Nhà Trắng hứa hẹn nhiều bất ngờ phía trước. Nhưng dù ai trở thành Tổng thống thứ 49 của xứ cờ hoa, cũng sẽ có những tác động nhất định đến khu vực Đông Nam Á, nhất là trong các lĩnh vực như chính trị - an ninh, kinh tế, thương mại.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong nhiều năm nay được xem là trọng tâm chiến lược hàng đầu của Mỹ. Tại đây, chính quyền Tổng thống Biden đang muốn thúc đẩy các cơ chế đối thoại đa phương về an ninh như ARF, ADMM+, EAS, v.v., trong đó ASEAN giữ vai trò trung tâm. Tuy nhiên, không gì đảm bảo rằng nếu ứng viên Cộng hòa Donald Trump trúng cử, ông sẽ duy trì cách tiếp cận này.

Cựu Tổng thống cho rằng Mỹ đang chi quá nhiều nguồn lực vào các liên minh và cơ chế liên kết không hiệu quả. Do đó, ông có thể dồn sự chú ý nhiều hơn vào các liên kết tiểu đa phương như QUAD (Bộ tứ an ninh, gồm Ấn Độ, Australia, Mỹ và Nhật Bản) và AUKUS (liên minh Anh - Mỹ - Australia) để thúc đẩy lợi ích của Washington trong khu vực này.

Trong khi đó, nếu đắc cử, bà Harris được cho là sẽ cơ bản kế thừa đường lối của Tổng thống Biden, tiếp tục củng cố mạng lưới đồng minh tại khu vực, khuyến khích hợp tác đa phương và thúc đẩy đối thoại. Chính sách này có thể giúp ASEAN duy trì vai trò trung tâm của mình mà không bị cuốn sâu vào cạnh tranh giữa các cường quốc.

Biển Đông luôn là điểm nóng trong quan hệ quốc tế. Dưới nhiệm kỳ của ông Trump trước đây, Washing ton đã tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực nhằm gia tăng đối trọng trước sự can dự của Trung Quốc. Nếu tái đắc cử, không loại trừ khả năng ứng cử viên đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục chính sách can dự mạnh mẽ tại khu vực thông qua các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) và hợp tác quốc phòng với các nước Đông Nam Á. Điều này có thể khiến các thành viên ASEAN phải điều chỉnh chiến lược để tránh bị “mắc kẹt” giữa hai cường quốc.

Bà Harris, tương tự như Tổng thống Biden, nhiều khả năng sẽ tiếp tục nỗ lực làm sâu sắc quan hệ với các đối tác an ninh trong khu vực có liên quan đến vấn đề Biển Đông như Australia và Philippines. Trong chuyến thăm Philippines năm 2022, bà Harris đã lên án hành vi “đe dọa và ép buộc” của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp này. Trong bối cảnh hiện tại, bà Harris có thể sẽ tiếp tục chiến lược kết hợp hợp tác và đấu tranh, giữ vững hiện trạng tại Biển Đông, trong khi gia tăng gắn kết chặt chẽ hơn với ASEAN.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, nguyên tắc "Nước Mỹ trên hết" chi phối chính sách thương mại với Đông Nam Á, thể hiện qua việc gây sức ép thương mại và áp dụng biện pháp bảo hộ, điều tra chống bán phá giá và áp thuế đối với các sản phẩm nằm trong “danh sách đen” của Mỹ. Nếu tái đắc cử, ông Trump có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách này, tạo thêm thách thức kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á. Tuy vậy, khu vực này có thể hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư mới và cơ hội xuất khẩu gia tăng nếu Washington dịch chuyển thêm chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước lân cận.

Đối với Phó Tổng thống Kamala Harris, chưa có dấu hiệu nào cho thấy bà sẽ đảo ngược chính sách thuế quan dưới thời ông Trump và Tổng thống Biden. Trong bài phát biểu về chính sách kinh tế vào ngày 16/8, ứng viên Harris đã chỉ trích kế hoạch tăng thuế của ông Trump nhưng lại tán thành các chính sách hỗ trợ tầng lớp trung lưu - động cơ cho các biện pháp bảo hộ của chính quyền Biden. Bà Harris có thể đưa ra các chính sách thương mại mới với yêu cầu tiêu chuẩn lao động và môi trường cao hơn, đặt ra thách thức cho các nền kinh tế ASEAN do chi phí sản xuất sẽ tăng lên khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn này.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới sẽ có tác động lớn đến Đông Nam Á, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và an ninh. Đối với ông Trump, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ vẫn được chú trọng, nhưng ông sẽ đẩy mạnh các liên kết tiểu đa phương như QUAD và AUKUS. Ông Trump cũng có khả năng sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông nhằm gia tăng đối trọng với Trung Quốc.

Nhưng dù ai thắng cử và với chính sách đối với khu vực ra sao, cũng sẽ có những tác động nhất định đến ASEAN và các quốc gia Đông Nam Á, mang lại cả những thách thức và cơ hội cho khu vực này. Tuy nhiên, ở cả hai kịch bản đều đòi hỏi một ASEAN linh hoạt và chủ động, gia tăng "tự chủ chiến lược" để tối đa hóa lợi ích của mình trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động.

Lục Sứ

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-my-va-dong-nam-a-284263.html