Bầu cử Nghị viện châu Âu: lãnh đạo Pháp, Đức nhận thất bại nặng nề

EU đang đứng trước những thách thức mới với sự trỗi dậy của phe cực hữu trong Nghị viện châu Âu.

Những ưu thế của phe cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào Chủ nhật khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải giải tán quốc hội và kêu gọi một cuộc bầu cử quốc gia sớm, dấy lên nguy cơ ảnh hưởng đến các định hướng chính trị trong tương lai của EU.

Dù các đảng trung dung, tự do và xã hội chủ nghĩa dự kiến sẽ giữ được đa số trong nghị viện gồm 720 ghế, kết quả của cuộc bỏ phiếu đã giáng một đòn mạnh vào các nhà lãnh đạo của cả Pháp và Đức, đặt ra câu hỏi về cách hai cường quốc này có thể thúc đẩy chính sách của Liên minh châu Âu trong những năm tới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử quốc hội mới. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử quốc hội mới. Ảnh: Reuters

Chấp nhận một canh bạc mạo hiểm nhằm tái lập quyền lực, ông Macron kêu gọi tổ chức bầu cử quốc hội, với vòng đầu tiên diễn ra vào ngày 30/6.

Tương tự với Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đang rơi vào tình thế khó khăn khi Đảng Dân chủ Xã hội nhận kết quả tồi tệ nhất từ trước đến nay, chấp nhận lép vế trước phe bảo thủ chính thống AfD.

Ngược lại, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã củng cố vị thế nhờ ưu thế vượt trội của nhóm Anh em Ý – theo các cuộc thăm dò ý kiến .

Cuộc thăm dò ý kiến cho thấy các nhóm theo chủ nghĩa hoài nghi dân tộc Eurosceptic ECR, nhóm Bản sắc và Dân chủ (ID) và các nhà lập pháp cực hữu từ AfD của Đức đã giành được 146 ghế, tăng 19 ghế.

Theo các nhà chính trị, phe cực hữu thu được kết quả có lợi là do đã nắm bắt được tâm lý cử tri và nêu ra phương hướng cụ thể giải quyết trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, lo ngại về vấn đề nhập cư, thách thức từ quá trình chuyển đổi xanh hay xung đột ở Ukraine.

Việc các nhóm cánh hữu đang dần chiếm ưu thế trong Nghị viện Châu Âu có thể cản trở việc thông qua luật mới nhằm ứng phó với các thách thức an ninh, tác động của biến đổi khí hậu hoặc ảnh hưởng từ cạnh tranh công nghiệp Trung –Mỹ.

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của các đảng theo chủ nghĩa dân tộc hoài nghi về đồng euro sẽ phụ thuộc vào khả năng vượt qua những khác biệt và cùng nhau hợp tác làm việc.

Một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy Đảng Nhân dân Châu Âu (EPP) trung hữu sẽ là nhóm chính trị lớn nhất trong cơ quan lập pháp mới, với việc đã giành được 5 ghế cho 189 đại biểu. Trong khi đó, Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ trung tả sẽ là nhóm chính trị đứng thứ hai trong nghị viện với 135 ghế đại biểu.

Tại Ba Lan, Liên minh dân sự trung dung của Thủ tướng Donald Tusk, một thành viên của EPP, đã giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu. Ở Tây Ban Nha cũng vậy, Đảng Nhân dân trung hữu, cũng thuộc EPP, đứng đầu, vượt trội so với Thủ tướng Pedro Sanchez.

Những kết quả trên là tín hiệu tích cực đối với bà Ursula von der Leyen, một thành viên của EPP và là người đang tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa với tư cách là Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

Tuy vậy, bà Von der Leyen vẫn cần nhận sự trợ giúp từ các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu, chẳng hạn như Anh em Ý của bà Meloni để đảm bảo đa số trong nghị viện, mang lại cho bà Meloni và phe Bảo thủ và Cải cách Châu Âu (ECR) nhiều lợi thế hơn.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bau-cu-nghi-vien-chau-au-lanh-dao-phap-duc-nhan-that-bai-nang-ne.html