'Bầu' Đệ dùng danh xưng 'GS, TS' trong các văn bản: Cần động thái xử lý

Theo phụ lục 1 ban hành kèm NĐ 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư nêu: 'Trước họ tên của người ký, không ghi học hàm, học vị và các danh hiệu danh dự khác'.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có các bài viết đề cập về các buổi lễ "sắc phong" giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ danh dự của nhiều trường đại học ở nước ngoài được thực hiện thông qua sự kiện của của tổ chức có tên Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ.

1. Lãnh đạo doanh nghiệp rầm rộ nhận "sắc phong" GS, TS danh dự từ ĐH nước ngoài

2. Dự "sắc phong" GS, TS danh dự: Doanh nhân tiết lộ chi phí, ngộ ra chỉ là tờ giấy

3. Cẩn thận "tiền mất, danh mất" từ chào mời nhận "sắc phong" GS, TS danh dự

Sau khi các bài viết trên được đăng tải, nhiều độc giả là lãnh đạo doanh nghiệp gửi thông tin về Tạp chí cho biết, có lãnh đạo doanh nghiệp sau khi nhận "sắc phong" GS, TS, Viện sĩ danh dự của các trường nước ngoài đã ghi cụm từ "GS, TS, Viện sĩ" vào tên của họ giống như các giáo sư, tiến sĩ phải qua đào tạo, xét công nhận chức danh. Điều này gây rất nhiều băn khoăn, nghi ngại.

Trong đó có đề cập đến trường hợp của ông Nguyễn Văn Đệ (hiện là Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Hợp lực; Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam) sử dụng danh xưng "GS,TS, Viện sĩ" (viết tắt của giáo sư, tiến sĩ - PV) cùng với chữ ký và con dấu trong các văn bản của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam mà vị này hiện đang làm lãnh đạo để gửi đến cơ quan nhà nước và một số cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

 Văn bản gửi đi có tên của ông Nguyễn Văn Đệ cùng danh xưng "GS, TS danh dự" và con dấu của Hiệp Hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam. Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Văn bản gửi đi có tên của ông Nguyễn Văn Đệ cùng danh xưng "GS, TS danh dự" và con dấu của Hiệp Hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam. Ảnh: Bạn đọc cung cấp

Trong bài viết "Dùng danh xưng 'GS, TS, Viện sĩ' nhưng không thêm từ 'danh dự': 'Bầu' Đệ nói gì?, ông Nguyễn Văn Đệ xác nhận với phóng viên: ""Đây không phải phải là học hàm, học vấn gì cả mà nó là các "công trình" thực tế của tôi. Nghĩa là tôi có cống hiến cho cộng đồng, xã hội mà thế giới người ta công nhận là thành quả và tôn vinh. Đó đều là bằng danh dự hết".

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Đệ cũng cho rằng, việc ông sử dụng danh xưng "giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ danh dự" đó trong các văn bản hành chính gửi đi là "hoàn toàn hợp lệ".

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên về hướng dẫn trình bày chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền trong văn bản hành chính tại phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư có nêu rõ như sau:

"Họ và tên người ký văn bản bao gồm họ, tên đệm (nếu có) và tên của người ký văn bản. Trước họ tên của người ký, không ghi học hàm, học vị và các danh hiệu danh dự khác". (1)

Việc không rõ ràng khi sử dụng danh xưng "GS, TS danh dự" gây nhầm lẫn cho người tiếp nhận

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, đối với việc cá nhân sử dụng các danh xưng "GS, TS" trong văn bản hành chính nhưng không ghi rõ từ "danh dự" dễ gây nhầm lần cho người tiếp nhận.

 Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

Vị Luật sư này nêu ví dụ, có thể xảy ra trường hợp có người nhầm lẫn rằng người ký văn bản đó có những học hàm, học vị cao quý như vậy nên sẽ tin tưởng để tham gia các chương trình hoặc mua những đồ được giới thiệu quảng cáo,…

"Các tổ chức có cá nhân sử dụng danh hiệu danh dự như nêu trên cần có biện pháp xử lý, kiểm soát các văn bản của cơ quan mình ban hành theo đúng các bước quy định để không ban hành các văn bản sai kỹ thuật. Đồng thời, cần đưa ra các biện pháp xử lý kỷ luật kịp thời đối với những cá nhân cố tình vi phạm", Luật sư Long cho biết thêm.

Ngoài ra, Giám đốc Công ty Luật Dragon nhận định, việc sử dụng danh xưng không đúng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP chỉ là sai kỹ thuật trình bày văn bản mà không làm thay đổi nội dung, thẩm quyền ban hành văn bản do đó chưa đủ căn cứ để xử lý sai phạm này. Bên cạnh đó, đối với việc sử dụng danh xưng “GS, TS danh dự” sai quy định như trên thì hiện cũng chưa có quy định về chế tài xử phạt cụ thể.

Phóng viên đề cập, với mức độ như vậy thì liệu có phải áp dụng hình thức thu hồi văn bản hay không? Về việc này, Luật sư Long cho hay: "Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 30/2020/NĐ-CP thì việc ghi phần danh xưng sai quy định tại Phụ lục I thuộc phần kỹ thuật trình bày văn bản do đó không nhất thiết phải thực hiện việc thu hồi văn bản mà có thể ban hành công văn của cơ quan, tổ chức để đính chính phần sai sót này".

Thiếu công bằng với người làm khoa học chân chính

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, việc phong giáo sư, tiến sĩ hay viện sĩ danh dự ở các trường đại học nước ngoài đã có từ lâu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên theo vị này, các trường hợp được tặng bằng danh dự theo đúng ý nghĩa ngoại giao, chính trị thường là không có nhiều.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Nam chia sẻ thêm: "Việc một trường đại học nào đó ở nước ngoài muốn trao bằng danh dự thường phải trải qua quá trình bình xét, lựa chọn và chỉ để chọn ra một vài cá nhân xứng đáng. Thậm chí là trong hàng chục năm mới có một cá nhân được trường đại học nước ngoài trao tặng bằng danh dự. Qua đó, việc trao bằng giáo sư, tiến sĩ hay viện sĩ danh dự "ồ ạt" như thời gian vừa qua cũng là điều không khỏi khiến dư luận quan tâm.

Vì ý nghĩa của bằng danh dự chỉ là tính ngoại giao, trao tặng nên có người sử dụng bằng giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ danh dự từ các trường nước ngoài phong tặng và "cố tình mập mờ" khi bỏ đi từ “danh dự” đang gây ra sự nhầm lẫn với các học hàm, học vị trong nước. Điều này là thiếu khách quan và không công bằng với những người làm khoa học chân chính".

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cũng theo chia sẻ của nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), ở nước ngoài, những người được cấp bằng giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ danh dự phải từ những ngôi trường lâu năm, có danh tiếng, có như vậy thì tấm bằng giáo sư, tiến sĩ danh dự đó mới danh giá và đáng tự hào.

Theo đó, tại một số quốc gia có thể có những tổ chức gắn tên "trường đại học" để đứng ra trao bằng danh dự nhưng không phải cơ quan giảng dạy hoặc Viện nghiên cứu khoa học. Vì thế, cũng là tấm bằng danh dự nhưng tùy vào đơn vị trao tặng thì giá trị và ý nghĩa của các tấm bằng đó là hoàn toàn khác nhau.

Qua đó vị này lưu ý với các cá nhân muốn nhận được bằng giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ danh dự từ các trường ở nước ngoài, cần tra cứu thật kỹ xem cơ sở trao bằng có phải là trường đại học danh tiếng tại đất nước đó không?. Ngoài ra cũng cần xem xét kỹ đó có đúng là một trường đại học thực sự hay chỉ là một tổ chức hoặc công ty có gắn chữ "trường đại học".

"Việc một số cá nhân hiện đang sử dụng danh xưng "giáo sư, tiến sĩ" trong các văn bản hành chính nhưng không thể hiện rõ cụm từ "danh dự" dễ gây nhầm lẫn giữa danh xưng danh dự với chức danh có được bằng học tập, nghiên cứu và qua quy trình xem xét nghiêm ngặt. Điều này có ảnh hưởng rất lớn và có thể làm mất tính trang trọng, cao quý của học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ trong nước.

Qua đó, cơ quan quản lý cũng nên sớm có những phương án để quản lý chặt chẽ đối với việc các cá nhân sử dụng danh xưng "giáo sư, tiến sĩ danh dự" trong các văn bản, giấy tờ để không tạo ra sự nhầm lẫn và hỗn loạn học hàm, học vị trong nước", Phó Giáo sư Nguyễn Văn Nam bày tỏ.

Cần quản lý chặt việc sử dụng danh xưng "giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ danh dự"

Cùng chung quan điểm khi đề cập về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Dụ - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, khi luật pháp đã có các quy định cụ thể đối với việc sử dụng "danh hiệu danh dự" thì các cá nhân có bằng giáo sư, tiến sĩ hoặc viện sĩ danh dự nên nghiêm túc thực hiện.

"Nếu cá nhân nào "cố tình mập mờ" thì cơ quan quản lý nên có "động thái" xử lý để tránh tạo ra sự hỗn loạn danh xưng giáo sư, tiến sĩ danh dự từ trường nước ngoài với các học hàm, học vị cao quý trong nước", Giáo sư Trương Đình Dụ chia sẻ thêm.

Cũng theo vị này, người sử dụng các danh xưng danh dự nhưng không ghi rõ hoặc kèm cụm từ danh dự thì phải xem mình có "xứng đáng" với việc ghi các danh hiệu đó trên văn bản hay không.

Giáo sư Trương Đình Dụ cho rằng, dù đơn vị trong nước hay nước ngoài phong cho các cá nhân là danh xưng "giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ danh dự" thì cũng không được "đánh đồng" danh xưng đó với các học hàm, học vị mà cần phải qua nhiều cấp xét duyệt của Nhà nước và phải rất nhiều vất vả, khó khăn mới có được.

Vị nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nhấn mạnh: "Nếu không kiểm soát tốt tình trạng sử dụng các danh hiệu "giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ danh dự" thì sẽ rất dễ dẫn tới việc thiếu công bằng trong danh xưng khoa học. Thậm chí còn dẫn tới tình trạng thật giả lẫn lộn trong giới giới nghiên cứu khoa học.

Qua các thông tin được báo chí phản ánh vừa qua cho thấy, việc một cá nhân người Việt có được tấm bằng "giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ danh dự" từ trường nước ngoài thời gian qua là không quá khó. Vì vậy, nếu cơ quan quản lý không tính đến các phương án siết chặt việc sử dụng các danh xưng giáo sư, tiến sĩ hay viện sĩ danh dự ngay từ bây giờ, trong tương lai khi trong nước bùng nổ về số lượng cá nhân có các tấm bằng danh dự này thì việc quản lý sẽ càng khó khăn hơn".

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Sinh – nguyên Chủ nhiệm khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Sinh – nguyên Chủ nhiệm khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nêu lên một số quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Sinh – nguyên Chủ nhiệm khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh rằng: "Tính chính danh của bằng cấp là rất quan trọng. Vì thế, không nên để một cá nhân nào đó tạo ra sự "nhập nhằng" giữa danh xưng "giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ danh dự" với các học hàm, học vị cao quý được Nhà nước phong tặng.

Vì thế, khi đề ra các quy định về sử dụng chức danh trong văn bản hành chính, các cơ quan quản lý cũng đã có quy định rõ ràng khi yêu cầu không được sử dụng đối với các danh hiệu danh dự. Cũng vì thế mà các học hàm, học vị phải trải qua quá trình đào tạo, nghiên cứu và được Nhà nước công nhận thì mới được sử dụng hợp lệ trong các văn bản đó.

Qua đó, khi có các thông tin về việc một số cá nhân "cố tình" lờ đi hai chữ “danh dự” để đánh đồng với người có học hàm, học vị theo quy chuẩn Nhà nước thì các cơ quan chức năng phải vào cuộc và có ý kiến, tránh những hệ lụy có thể xảy ra nếu chúng ta buông lỏng với hoạt động này".

Tư liệu tham khảo:

(1) https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/ho-tro-phap-luat/huong-dan-trinh-bay-chuc-vu-ho-ten-va-chu-ky-trong-van-ban-hanh-chinh-chuan-theo-nghi-dinh-30-619235-123849.html?

Phúc Khang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bau-de-dung-danh-xung-gs-ts-trong-cac-van-ban-can-dong-thai-xu-ly-post243578.gd