Bầu trời Tổ quốc mãi trong tim

Trong đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025, môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở mục II: Viết, câu 2 có một chủ đề được đặt ra cho thi sinh: 'Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc'. Không lâu sau đó chủ đề này được cộng đồng mạng nhắc đến rất nhiều. Nếu search những từ khóa này trên thanh công cụ Google sẽ có khoảng 6.590.000 kết quả.

Vẫn biết, đề thi quốc gia môn Ngữ văn luôn là chủ đề nóng từ khi xuất hiện những câu hỏi “mở” nhưng để có một chủ đề mang tính thời sự, cập nhật, đòi hỏi suy tư từ phía những chủ nhân tương lai của đất nước thật sự là một điều đáng quan tâm. Từ vùng trời (quê hương) đến bầu trời (Tổ quốc) không chỉ là sự mở rộng biên độ, hay đi từ suối nhỏ, sông dài ra biển lớn mà là một sự nhận thức mới mẻ.

Với biểu tượng nghệ thuật ấy, không chỉ đặt ra yêu cầu phải hoàn thành bài thi tự luận với tối đa 4 điểm mà sẽ còn đọng lại trong tâm hồn mỗi bạn trẻ một sứ mệnh: nghĩ về quê hương và đất nước như thế nào?

Bầu trời Tổ quốc mãi trong tim.

Bầu trời Tổ quốc mãi trong tim.

Ngày trước, khi đọc mấy dòng thơ trong bài "Quê hương" của nhà thơ Giang Nam, người viết chỉ nghĩ đó là một cảm xúc văn chương: “Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn, roi.../ Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi”. Thế nhưng, khi đã đủ nếm trải để ngẫm về văn hóa, lịch sử dân tộc mới thấm thía một điều: đó là tầm nhận thức mới.

Nếu chúng ta có cái nhìn rộng hơn sẽ thấy người “em” đó không chỉ là một cô du kích cụ thể mà là biểu tượng cho tuổi trẻ Việt Nam đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. “Từng nắm đất” cũng là mọi vùng đất, mang một tầm phổ quát ứng với khái niệm đất nước. Hơn 60 năm về trước chúng ta đã có một thế hệ cầm súng và cầm bút yêu bầu trời Tổ quốc bằng một tình cảm lớn lao như thế. Hôm nay, thế hệ trẻ lại tiếp tục nghĩ về đất nước bằng tầm nhìn của thời đại mới.

Người viết cho rằng, đề thi của các môn Ngữ văn, Lịch sử luôn gắn với tư duy nhận thức xã hội, là bài test khả năng nhận thức và tích lũy của người dự thi. Tương tự, các khái niệm như “carbon-neutral” (trung hòa carbon), “net-zero” (phát thải ròng bằng 0), hay “greenwashing” (tẩy xanh) được đưa vào nội dung câu hỏi môn tiếng Anh cũng khiến người trẻ phải thể hiện sự hiểu biết của mình về những vấn đề mới như bảo vệ môi trường và cách sống khoa học.

Điều đó cho thấy giáo dục và cuộc sống đang có độ tiệm cận lớn. Trang báo và trang sách đang cận kề từ góc độ cập nhật thông tin và giáo dục ý thức về trách nhiệm công dân. Khi nhận thức khoa học hay nghệ thuật cũng cần đặt trong mối tương quan với văn hóa, lịch sử và môi trường sống.

Thí sinh hào hứng với đề thi Ngữ văn mang đậm tính thời sự

Thí sinh hào hứng với đề thi Ngữ văn mang đậm tính thời sự

Nhưng, những người trẻ nghĩ gì? Điều mà người viết quan tâm ở đây không hẳn là một câu trả lời trùng khít với các đơn vị kiến thức trong đáp án mà ở tình cảm của họ với đất nước. Hãy lắng nghe một bạn trẻ như thí sinh Minh Hằng (Hà Nội) chia sẻ: “Chính tình yêu vùng trời là khởi nguồn cho tình yêu Tổ quốc. Và, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Việt cũng hướng về cội nguồn, gìn giữ lòng tự tôn của dân tộc với tinh thần không ngừng học hỏi, cầu tiến để đưa đất nước phát triển, hội nhập quốc tế".

Cũng như Hằng, bạn Vũ Đan Lê cho rằng: "Em đã lấy dẫn chứng từ sự việc bão Yagi từng gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc nước ta vào năm 2024. Cơn bão ấy đã khiến làng Nủ vốn bình yên chìm trong mất mát. Thời điểm đó, cả nước ta đã cùng hướng về 'vùng trời' Lào Cai, nơi có làng Nủ. Và, cùng chung sức hồi sinh ngôi làng này sau cơn bão dữ" (theo: Ngọc Khánh - Báo Nhân dân).

Có thể câu trả lời đầy đủ nhất của từng thí sinh sẽ được họ ấp ủ, suy ngẫm và thể hiện bằng chính những đóng góp của mình cho quê hương, đất nước, bằng chính trang sử mới mà họ được có mặt, được góp phần tạo ra những dấu mốc. Karl Heinrich Marx (1818-1883) từng nói: “Lịch sử không làm gì cả, nó không tạo ra vô vàn của cải, nó không chiến đấu. Chính con người, con người thật sự đang sống, đã làm tất cả những điều đó”.

Thật sự thú vị với cụm từ “con người thật sự đang sống” mà nhà tư tưởng lớn như Karl Marx đã chỉ ra. Đang sống không chỉ là sự tận hiến của mỗi cá nhân mà còn là sự vận động của một xã hội, đang sống là sự phát huy tối đa sức mạnh của một đơn vị hành chính được tổ chức lại nhằm nâng cao hiệu quả về các mặt, mở ra những hướng phát triển cho các doanh nghiệp, để mỗi công dân có thể phát huy được tiềm năng của mình.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, trong bài báo có tên: "Sáp nhập tỉnh: Chương mới của lịch sử địa phương và khơi thông động lực quốc gia", đã viết: “Sáp nhập tỉnh còn là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy phát triển cân bằng giữa các vùng. Việc kết nối các tỉnh miền núi như Kon Tum, Gia Lai với các tỉnh ven biển như Quảng Ngãi, Bình Định sẽ mở ra cơ hội phát triển các tuyến logistics xuyên vùng, các vành đai du lịch xanh - văn hóa - sinh thái, cũng như công nghiệp chế biến nông - lâm sản có giá trị gia tăng cao. Điều này không chỉ tăng cường liên kết vùng, mà còn thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các khu vực trong cả nước - một trong những mục tiêu cốt lõi của chính sách phát triển bền vững và bao trùm”.

Thiết nghĩ, từ một ý tưởng mang khát vọng xây dựng đất nước đến thực tế gắn kết giữa các miền đất đòi hỏi sự thấu hiểu, đồng lòng của từng người dân trong tâm hồn chứ không chỉ dừng ở sự sáp nhập mang tính cơ học. Trước đây, các thế hệ thanh niên Việt Nam từng thể hiện khát vọng tuổi trẻ khi lên xây dựng vùng kinh tế mới Tây Bắc thập niên 1960, hay đi theo “tiếng gọi sông Đà” lên Công trường Thanh niên cộng sản xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình đầu thập niên 1980, thế kỉ XX... đó cũng là sự hưởng ứng, sự gắn kết những “vùng trời quê hương”. Để rồi hôm nay có nhiều địa danh mang tên hai miền đất (quê cũ và quê mới) và dòng điện được đưa về thắp sáng quê hương. Họ đã từ biệt quê hương, lên đường để có thêm nhiều quê hương trong tâm hồn.

Sáp nhập mở ra hướng đi khơi thông động lực quốc gia.

Sáp nhập mở ra hướng đi khơi thông động lực quốc gia.

Có lẽ, để nhận diện một khái niệm mới cần sự trải nghiệm qua thời gian, để cảm nhận vẻ đẹp của một áng văn cần sự chiêm nghiệm sâu lắng trong tâm hồn. Người viết luôn cho rằng, dù ở lứa tuổi nào, thời điểm nào trong cuộc đời thì tình yêu vẫn luôn có trong ta. Tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương, đất nước là sự gắn bó hữu cơ, là mối quan hệ sâu sắc và chặt chẽ.

Còn nhớ, có lần đọc một bài viết có trích những câu nói thật xúc động của tác giả Lan Đức trong bài viết "Trời quê là trời Tổ quốc", trong đó có đoạn viết: “Tôi từng có dịp ngồi bên bà cụ người Mường ở vùng cao. Cụ chẳng cần bản đồ để nói về đất nước, cụ chỉ tay lên trời và nói: “Chỗ nào có mây bay, có sấm chớp, có người mình sống, chỗ đó là quê hương”.

Tôi từng nghe bác nông dân miền Tây bảo: “Tôi chẳng biết đi xa, nhưng trời trên đầu tôi mỗi ngày vẫn xanh vậy, nghĩa là Tổ quốc vẫn còn yên”. Và, tôi từng thấy một chiến sĩ hải quân trẻ nhìn về đất liền trong chiều buông gió, khẽ nói: “Mỗi lần nhìn trời, tôi thấy mình gần nhà hơn một chút” (theo: Báo Tuyên Quang).

Đơn giản là thế, tình yêu Tổ quốc luôn trong trái tim ta..

Lương Việt

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/bau-troi-to-quoc-mai-trong-tim-i774311/