Nhạc sĩ Xuân Trí và ca khúc mới về quê hương Ninh Bình
Giới sáng tác chuyên nghiệp cũng như đông đảo người yêu âm nhạc trong và ngoài tỉnh biết đến nhạc sĩ trẻ Xuân Trí bởi hàng loạt những ca khúc không chỉ mang đậm chất liệu dân ca vùng Đồng bằng Bắc Bộ mà còn sâu lắng tha thiết tình cảm của một người con quê hương luôn gửi gắm niềm tin yêu đằm nặng về dải đất thuộc miền Trấn Sơn Nam giàu truyền thống văn hiến, anh hùng và cách mạng.

Ca khúc "Tự hào Ninh Bình ơi".
Mới đây, ngay sau thời điểm vô cùng đáng nhớ - hợp nhất ba vùng đất: “Núi Đọi, Sông Châu” - “Non Côi, Sông Vị” - “Sông Vân, Núi Thúy”, nhạc sĩ Xuân Trí(*) bằng nguồn cảm xúc mãnh liệt và năng lực sáng tạo nhạy bén đã kịp cho ra mắt công chúng yêu âm nhạc ca khúc “Tự hào Ninh Bình ơi” với giai điệu và những ca từ thật đẹp mang âm hưởng tự hào quyện hòa say mê cùng những náo nức, kỳ vọng về tương lai phía trước của miền quê địa linh nhân kiệt từ nay chính thức mang danh xưng thân thương: “Ninh Bình”.
Câu chuyện âm nhạc của Xuân Trí tỏ bày trong “Tự hào Ninh Bình ơi” được mở đầu bằng một lời tự sự, một lời tâm tình rất “người nhà”, rất thân tình, gần gũi - “Quê mình đón ngày về…” đã dường như ngay lập tức cuốn chúng ta bắt nhịp, hòa đồng theo dòng xúc cảm chộn rộn, hân hoan cùng tác giả về sự kiện “ngày về…” vô cùng đặc biệt, vô cùng đáng nhớ. Với tiết tấu nhanh, tự hào, câu chuyện âm nhạc mang tên “Tự hào Ninh Bình ơi” của Xuân Trí trở thành điểm hội tụ đủ mặt những sắc màu rực rỡ, những cung bậc thanh âm rộn ràng được trải mở trong một không gian địa lý khoáng đạt, rộng dài mà ở đó thấp thoáng, lung linh những địa danh thân thương, gợi nhớ: “Quê mình đón ngày về nhộn nhịp vui phố xá cờ hoa. Dọc ngang Sông Châu sao hiền hòa, lời ca ngân vang em hát. Ta về trong chiều bát ngát, lúa quê thơm hương chín vàng. Đò Quan khi xưa ai đứng ngóng trong chiều hoàng hôn đợi mong…”.
Những địa chỉ, danh xưng thân thương đã từng gắn bó bao đời với người dân vùng quê Trấn Sơn Nam (**): Hoa Lư, Sông Châu, Đò Quan, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình… bỗng hiển hiện sáng rỡ lên một cách thật tự nhiên, nhuần nhị trong từng cung, quãng, âm, nốt, từng khuôn nhạc, ca từ…, để rồi ngân vút lên nơi tâm thức người nghe một niềm tự hào, phấn chấn pha chút hoài niệm rưng rưng khó tả… Và rồi tất cả bỗng như lắng lại trước một bức tranh đại cảnh, thu hết tầm nhìn rộng dài mây, trời, biển, rừng, sông, núi… của những miền quê yêu dấu nay hòa chung niềm vui “đón ngày về” với danh xưng thân thương - Ninh Bình: “Ninh Bình đón bình minh về muôn nơi thắp sáng niềm tin. Biển xanh bao la, núi điệp trùng, rừng xanh quê hương yêu dấu. Ninh Bình ơi, thời thơ ấu, tiếng quê thân thương nghĩa tình. Hà Nam thân thương, Nam Định nay đến ngày vui chung một nhà”…
Thăng hoa theo mạch cảm xúc về sự kiện “ngày vui chung một nhà”, tiết tấu giai điệu trong nhạc phẩm “Tự hào Ninh Bình ơi” ở khổ nhạc tiếp nối bất ngờ có sự “chuyển đoạn” rất tinh tế bằng một tiết tấu cao trào đầy hào sảng, tươi vui, náo nức: “Thắp sáng những nụ cười kỷ nguyên đổi mới nở hoa. Vững bước sát vai kề, lời thề vì nước, vì dân. Trong trái tim luôn ấm lòng tự hào Hoa Lư ngàn năm…”. Để rồi, ở điệp khúc trong đoạn kết của ca khúc, nhạc sĩ Xuân Trí đã rất khéo léo nhấn lại đậm sâu hơn, liền mạch hơn niềm tự hào đi cùng nghĩa vụ, trách nhiệm mà mỗi người con nơi miền đất Cố đô cần nhận thức rõ, đó là chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng đáng với truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc: “Viết tiếp trang sử vàng rạng danh quê hương Việt Nam. Hát khúc ca quê mình, Ninh Bình ngày nay đẹp thay. Trong ráng chiều diều bay lưng trời, tự hào Ninh Bình ơi”…
Điểm nhấn thú vị về thành công trong thủ pháp nghệ thuật ở đoạn kết ca khúc “Tự hào Ninh Bình ơi” chính là việc nhạc sĩ Xuân Trí đã sử dụng rất khéo léo, tinh tế hình ảnh tả thực “diều bay lưng trời” để làm sáng bừng lên hình ảnh biểu tượng về một vị thế mới, một đường hướng phát triển mới rất rộng mở, khoáng đạt, gửi gắm bao niềm tin yêu, kỳ vọng của hàng triệu người con quê hương Ninh Bình.
Sử dụng nhịp điệu nhanh, hối thúc, tự hào với khúc thức gọn gàng, đơn giản, ca từ mộc mạc, gần gũi nhưng giàu sức biểu cảm, lôi cuốn; khéo léo, tinh tế trong lựa chọn, chắt lọc những chất liệu đẹp của lịch sử, văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống quê hương để hòa quyện cùng nét đẹp thanh tân, phơi phới từ nhịp điệu cuộc sống đổi mới, hội nhập, phát triển hôm nay… Đó là nét thành công nổi bật trong ca khúc “Tự hào Ninh Bình ơi” - món quà đầy ý nghĩa mà nhạc sĩ Xuân Trí muốn trân trọng trao tặng về miền quê hương yêu dấu.
Nói về ca khúc “Tự hào Ninh Bình ơi” cũng như hàng loạt ca khúc về đề tài quê hương mà anh đã viết và được đông đảo công chúng yêu âm nhạc hào hứng đón nhận, nhạc sĩ Xuân Trí dường như không giấu được niềm tự hào, xúc động - niềm tự hào, xúc động của một người con luôn thiết tha hướng về nguồn cội. Anh bộc bạch chân thành: “Dòng chảy quê hương luôn mãnh liệt, không ngừng nghỉ trong trái tim tôi. Bởi thế, tôi luôn mong ước, luôn hạnh phúc và luôn nỗ lực hết mình để có thể tri ân quê hương nhiều hơn nữa bằng những tác phẩm âm nhạc với nhiều sắc thái, chất liệu khác nhau…”.
Thật thú vị khi biết rằng: trước thời điểm ra đời ca khúc “Tự hào Ninh Bình ơi”, nhạc sĩ trẻ Xuân Trí cũng đã từng rất thành công với những ca khúc về vùng đất Trấn Sơn Nam(***). Cùng với đó, cặp đôi ca sĩ Ngọc Ký - Phạm Thùy Linh (từng thể hiện rất thành công nhiều ca khúc của nhạc sĩ Xuân Trí) cũng là những người con quê hương Ninh Bình. Đặc biệt, êkip cộng sự đang cùng anh thực hiện việc hòa âm, phối khí để sớm hoàn chỉnh và chính thức cho ra mắt công chúng yêu âm nhạc ca khúc “Tự hào Ninh Bình ơi” cũng đều là những anh em đồng nghiệp quê hương Ninh Bình… Phải chăng điểm chung nhất cùng hội tụ ở nhạc sĩ Xuân Trí và những cộng sự của anh chính là niềm tự hào, là tình yêu, là khát vọng muốn được cống hiến cho quê hương, đất nước những tác phẩm âm nhạc vừa giàu giá trị nghệ thuật, vừa tiềm tàng nguồn năng lượng và sức lan tỏa mạnh mẽ, tích cực trong thực tế đời sống.
-----------
(*) Nhạc sĩ Xuân Trí quê ở Kiện Khê (thuộc Thanh Liêm, Hà Nam cũ), nay là phường Châu Sơn, tỉnh Ninh Bình.
(**) Trấn Sơn Nam (định hình từ thời Lê sơ đến thời Nguyễn) là vùng đất phía nam thành Thăng Long, gồm: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và một phần Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội.
(***) Nhạc sĩ Xuân Trí là tác giả của các ca khúc: “Về Hà Nam nghe anh”; “Hà Nam khúc hát ân tình”, “Mời em về Nam Định quê anh”; “Ru tình một miền quê”; “Tam Chúc miền đất thiêng”...