'Báu vật nhân văn sống' ở Kmông

Thế giới rối cùng với nghệ thuật múa rối mà đoàn nghệ nhân làng Kmông (xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) thường đưa vào phần trình diễn cồng chiêng đã góp thêm mảng màu văn hóa vô cùng đặc sắc. Phía sau sân khấu nghệ thuật là 'báu vật nhân văn sống' Puih Plê.

Thế giới nghệ thuật của rối

Tiếng chiêng trầm buồn trong bài nhạc pơ thi như một lời tiễn biệt đầy lưu luyến. Hai nghệ nhân của làng Kmông điều khiển cặp rối nam, nữ bằng những động tác nhịp nhàng, dứt khoát theo nhịp chiêng. Rối là hình tượng một người đàn ông mặc khố, đánh trống, còn người nữ trong váy áo truyền thống, tay cầm bầu nước, tay cầm ống tre trong tư thế tiếp nước vào ghè rượu một cách uyển chuyển. Rối được cố định trên cây tre, thân tre vẽ hoa văn truyền thống với gam màu trầm để làm nổi bật hình tượng cặp rối đôi. Chưa hết, một dàn rối với hàng chục tượng gỗ thu nhỏ, đủ cả nam và nữ với nhiều sắc thái cảm xúc được đặt trên tấm gỗ-tái hiện cuộc tiễn đưa trong lễ pơ thi, được 2 nữ nghệ nhân khiêng trên vai biểu diễn cùng đoàn nghệ nhân làng Kmông. Cặp rối đôi nam-nữ hay thế giới tượng gỗ thu nhỏ trở thành “đặc sản văn hóa”, tạo nên sức hấp dẫn kỳ diệu cho phần trình diễn cồng chiêng của đội nghệ nhân làng Kmông mỗi khi họ đi giao lưu văn hóa.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh-cho biết: Rối là hình tượng thường xuất hiện trong lễ bỏ mả của người bản địa Tây Nguyên. Nghệ nhân mô phỏng cuộc sống thành thế giới rối giật (có người điểu khiển cho chuyển động) hoặc rối ở dạng tượng gỗ, bất động. Dù chỉ phụ họa cho phần trình diễn cồng chiêng, múa rối cũng trở thành một nghệ thuật đặc sắc, biểu hiện sức sống mạnh mẽ, đầy bản sắc của nghệ thuật dân gian. “Các nghệ nhân thường làm rối đơn hoặc rối đôi mô tả sinh động cuộc sống, nhất là đời sống phồn thực để phụ họa trong lễ bỏ mả. Việc mang cả dàn rối vào phần trình diễn như làng Kmông là một sự sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm qua thời gian, làm sinh động cho nội dung phần trình diễn ”-Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân cho biết.

Nghệ nhân Puih Plê. Ảnh: Minh Châu

Nghệ nhân Puih Plê. Ảnh: Minh Châu

Nghệ nhân tạo ra thế giới rối với đủ sắc thái ấy là già Puih Plê. Ông cho biết: “Cuộc sống của mình có gì thì mình làm thế giới rối y như vậy. Cái khó là mọi thứ đều phải thu nhỏ lại nên rất tỉ mỉ, tốn thời gian”. Tạo ra rối là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, đòi hỏi có sự am hiểu sâu sắc về văn hóa truyền thống. Nghệ nhân phải vừa biết tạc tượng gỗ, may trang phục truyền thống cho rối nam và rối nữ, vừa hiểu và biết vẽ hoa văn truyền thống... Khi đội cồng chiêng của làng Kmông đi tham gia biểu diễn, thông qua thế giới rối, nghệ nhân muốn giới thiệu một lát cắt trong đời sống văn hóa tinh thần của người Jrai. “Bây giờ, nhiều làng không tổ chức pơ thi nữa, mình làm ra mô hình này để giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về truyền thống văn hóa. Mỗi lần đi tham gia giao lưu văn hóa ở huyện, ở tỉnh, những người chưa biết về nhà mồ, về lễ bỏ mả chỉ cần nhìn vào mô hình này sẽ phần nào hình dung ra”-già Puih Plê nói.

“Báu vật nhân văn sống”

Đối với những người làm văn hóa ở vùng đất biên giới Ia Grai, già Puih Plê như kho báu về tri thức dân gian. Ông có thể tạc tượng nhà mồ, đan lát, làm nhà rông, cây nêu, “đan áo” cho chiêng, “điểm trang” cho những chiếc dùi trống, dùi chiêng. Ông còn có khả năng rất đặc biệt, đó là thu nhỏ cuộc sống đời thường thành những mô hình với sự tỉ mỉ và đầy tính nghệ thuật. Đồng thời, ông cũng có thể phóng to những mô hình ấy ra với tỷ lệ chính xác, tạo ra những giá trị vật thể phục vụ đời sống.

Giới thiệu với chúng tôi mô hình nhà rông thu nhỏ với phần mái lợp bằng lá xôm, nghệ nhân Puih Plê cho biết: “Mình làm nó mất 6 ngày đêm, hoàn toàn từ vật liệu tự nhiên. Xưa kia, người Jrai thường dùng lá xôm lợp nhà, mùa nóng thì mát nhưng lại ấm trong mùa lạnh, nhất là mưa không nghe tiếng ồn như lợp tôn. Nhưng lá xôm nay hiếm lắm, lại dễ bắt lửa, gây cháy nhà nên người Jrai không thích dùng nữa. Mình làm cái nhà rông, nhà sàn thu nhỏ lợp mái lá để tái hiện cuộc sống xưa kia, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về đời sống của ông bà, tổ tiên”. Nghệ nhân tài hoa còn cho chúng tôi xem những chiếc dùi trống, dùi chiêng được ông bọc vải, dùng sợi cước đan lại như mạng nhện rất chắc chắn và đẹp mắt. “Mình bọc dùi trống, chiêng cho cả dàn cồng chiêng trong làng. Làm vậy không chỉ cho đẹp, khi đánh tiếng chiêng sẽ có âm trầm, nhưng vang rền, đi xa vẫn nghe được. Hồi chưa có điện thoại di động, nghe tiếng chiêng từ làng này mà làng kia vẫn biết là làng có việc gì đó gấp gáp”-già Puih Plê nói.

Nghệ nhân Puih Plê cùng cặp rối đôi do ông tạo nên. Ảnh: Minh Châu

Nghệ nhân Puih Plê cùng cặp rối đôi do ông tạo nên. Ảnh: Minh Châu

Chị Ksor H’Din-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Tô-chia sẻ: “Đội chiêng làng Kmông rất giàu màu sắc nhờ có các yếu tố phụ họa như múa rối, trang trí dùi trống, chiêng rất bắt mắt hay các mô hình về cuộc sống buôn làng Tây Nguyên thu nhỏ. Đội chiêng làng Kmông biểu diễn ở đâu là mang cả không gian văn hóa cồng chiêng theo đó với rất nhiều giá trị hội tụ”. Còn già Puih Xoa đã đi qua 85 mùa rẫy, cũng cho biết, những người đa tài như ông Puih Plê trong cộng đồng chỉ là số ít. Chậm rãi ngắm nghía những mô hình do nghệ nhân Puih Plê tạo ra với sự hài lòng, già Xoa cho hay: “Ông Puih Plê làm gì cũng rất đẹp, đến những người giỏi nghề truyền thống cũng rất phục. Đó là niềm tự hào của cộng đồng Jrai ở làng Kmông này”.

MINH CHÂU

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202205/bau-vat-nhan-van-song-o-kmong-5775873/