Bé 9 tuổi ở Quảng Bịnh bị viêm cơ tim tối cấp, may mắn được cứu sống
Các bác sĩ đã nhận định, đây là trường hợp viêm cơ tim tối cấp với biến chứng rối loạn nhịp chậm, xét nghiệm sinh hóa phản ánh cơ tim bị tổn thương nặng hơn.
Chiều nay (31/5), thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết các y bác sĩ đã cứu sống bệnh nhi bị viêm cơ tim tối cấp biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp tim nặng bằng kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (VA-ECMO) hiện đại nhất hiện nay.
Ba ngày trước khi vào viện, em B. nôn nhiều, dùng thuốc không cải thiện. Sau đó, em được đưa tới Bệnh viện Cu Ba – Đồng Hới, chẩn đoán viêm cơ tim.
Đến 22h30 ngày 6/5, bệnh nhi được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế, trong tình trạng mệt mỏi, nôn nhiều, tay chân lạnh và rối loạn nhịp tim.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế, các bác sĩ đã nhận định đây là trường hợp viêm cơ tim tối cấp với biến chứng rối loạn nhịp chậm, xét nghiệm sinh hóa phản ánh cơ tim bị tổn thương nặng hơn.
Xác định đây là một trường hợp cấp cứu khẩn cấp, ngay trong đêm 6/5, các bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện ca mổ, cứu sống bệnh nhân.
Sau 4 ngày điều trị tích cực, chức năng co bóp của tim bệnh nhi đã cải thiện, chỉ số phản ánh tổn thương cơ tim giảm một cách ngoạn mục, phản ứng viêm giảm, bệnh nhân được ngưng lọc máu và cai thở máy.
Sức khỏe em B. đang dần cải thiện, ăn được cháo, các xét nghiệm và chức năng tim dần trở về bình thường. Dự kiến, bệnh nhi được ra viện đầu tuần tới.
GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, viêm cơ tim tối cấp (hay còn gọi là viêm cơ tim ác tính) là bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh khởi phát đột ngột, sốc tim, rối loạn huyết động nặng, rối loạn nhịp tim nặng (cần thuốc vận mạch, đặt máy tạo nhịp tạm thời và hỗ trợ ECMO). Tại Việt nam, tỷ lệ tử vong do viêm cơ tim tối cấp gần 100% trước khi có kỹ thuật ECMO.
"Kỹ thuật VA - ECMO là kỹ thuật hỗ trợ tim và phổi giúp cứu sống cho rất nhiều bệnh nhân nguy kịch mà không đáp ứng với các điều trị thông thường, giúp tim và phổi nghỉ ngơi và chờ thời gian hồi phục. Hiện tại kỹ thuật này được thực hiện thường quy tại Trung tâm Nhi. Đây là bệnh nhi thứ 5 được thực hiện thành công kỹ thuật này", GS.TS Phạm Như Hiệp cho hay.