'Bệ đỡ' thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn

Toàn tỉnh hiện có khoảng 17 nghìn cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT), hơn 100 làng nghề và làng có nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hơn 60 nghìn lao động nông thôn.Nhằm thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, các ngành, địa phương đã chủ động rà soát thực trạng và các yêu cầu phát triển để tham mưu các giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khắc phục những bất cập, hạn chế của CNNT. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ngành nghề, làng nghề thông qua các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và sản xuất sạch hơn; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH Thịnh Hưng Đức, xã Chính Nghĩa (Kim Động)

Sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH Thịnh Hưng Đức, xã Chính Nghĩa (Kim Động)

Từ năm 2022 đến nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề của tỉnh. Qua đó, hoạt động bảo tồn và phát triển làng nghề được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của làng nghề, làng nghề truyền thống.

Bên cạnh việc thu hút xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, các ngành, địa phương cũng đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề; hỗ trợ cung cấp thông tin xúc tiến thương mại, cảnh báo sớm, dự báo thị trường nhằm nâng cao năng lực tiếp cận thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp.

Đồng chí Vũ Quang Thắng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Từ năm 2020 đến nay, qua các chương trình, đề án khuyến công, Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp đào tạo nghề may, mộc, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ cho lao động tại các cơ sở CNNT; hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp sản xuất các nhóm hàng chủ lực, có liên kết chuỗi giá trị với nông dân trong sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản tại khu vực nông thôn đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của đối tác, xây dựng thương hiệu, uy tín, phát triển thị trường trong và ngoài nước…".

Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế với các sản phẩm, nhãn hiệu có uy tín trên thị trường như: Bộ sản phẩm từ nghệ của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên (Khoái Châu); bộ trang sức bằng bạc của Hợp tác xã chạm bạc Phù Ủng (Ân Thi)… Hằng năm, thông qua việc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu đã mở ra cơ hội phát hiện và tôn vinh nhiều sản phẩm CNNT có chất lượng, giá trị sử dụng cao và có tiềm năng phát triển sản xuất.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) các sở, ngành tập trung đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất CNNT đầu tư nâng tầm thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh có giá trị gia tăng cao của địa phương. Ông Hoàng Quang Đông, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên cho biết: Chương trình OCOP đã mang lại những giá trị tích cực, những tín hiệu tốt. Hiện nay, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Ý và một số nước châu Âu.

Phát triển các sản phẩm CNNT không những giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở nông thôn như giảm nghèo, việc làm, an sinh xã hội... mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, là giải pháp quan trọng để giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững.

Tuy nhiên, việc phát triển CNNT vẫn gặp nhiều khó khăn, như: Quy mô các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phần lớn là nhỏ lẻ, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình; thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu, chậm đổi mới phương thức quản lý; năng lực trình độ tổ chức quản lý các cơ sở còn hạn chế, chưa có sự liên kết bền vững giữa các khâu từ sản xuất nguyên liệu, chế biến với tiêu thụ; chất lượng và thương hiệu của một số sản phẩm chưa thực sự được chú trọng, sức cạnh tranh yếu…

Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, các cơ sở sản xuất CNNT muốn phát triển bền vững cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tái cơ cấu sản xuất, tập trung xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và bán hàng trực tuyến. Các ngành, địa phương cần chủ động nghiên cứu, tham mưu với tỉnh thực hiện tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thực hiện tốt các quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn; tạo điều kiện phát triển các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tăng cường quản lý công tác bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm về môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại khu vực nông thôn...

Phạm Đăng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/be-do-thuc-day-phat-trien-cong-nghiep-nong-thon-3181062.html