Bệ phóng cho thanh niên khuyết tật khởi nghiệp, phát triển kinh doanh
Chương trình 'Tỏa sáng nghị lực Việt' không chỉ là hoạt động tôn vinh mà thực sự là bệ phóng giúp thay đổi cuộc đời của nhiều thanh niên khuyết tật.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp do người khuyết tật làm chủ
Sáng 14/5, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam và Công ty TNHH TCP Việt Nam đã tổ chức gặp mặt báo chí giới thiệu chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" năm 2025.
Phát biểu tại buổi họp báo, anh Nguyễn Kim Quy - Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam - cho biết, sau 10 năm tổ chức, chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" đã thực sự lan tỏa đến các tổ chức cơ sở hội, thanh niên Việt Nam, trở thành một hoạt động thường xuyên, nhân văn, ý nghĩa, chạm đến trái tim của mọi người.
Chương trình đã trở thành một điểm hẹn đầy nhân văn, tôn vinh những thanh niên khuyết tật không đầu hàng số phận, không ngừng nỗ lực vượt lên chính mình để đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Anh Nguyễn Kim Quy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Công Thương về cơ chế hỗ trợ thanh niên khuyết tật trong việc thực hiện các dự án khởi nghiệp và phát triển kinh tế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết, ngoài mức hỗ trợ tài chính dành cho các dự án khởi nghiệp của thanh niên khuyết tật trong chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt", Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam còn triển khai nhiều hình thức hỗ trợ khác như đào tạo nâng cao năng lực và kết nối với các nguồn vốn.
Anh Quy dẫn chứng, bên cạnh nguồn lực hỗ trợ trực tiếp, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã chỉ đạo thành lập một doanh nghiệp xã hội do chị Nguyễn Thị Vân - cá nhân từng được vinh danh trong các năm trước - làm chủ tịch. Sau khi được tôn vinh, chị Vân tiếp tục hoạt động tích cực và hiện là cầu nối giữa doanh nghiệp trẻ tại các địa phương với mô hình kinh doanh do thanh niên khuyết tật triển khai.
"Doanh nghiệp xã hội này không chỉ tổ chức đào tạo mà còn đóng vai trò kết nối để thanh niên khuyết tật có thể tiếp cận các nguồn vốn, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh", anh Quy nói thêm.
Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam cũng xác định rõ việc hỗ trợ phát triển kinh tế cho người khuyết tật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài việc hỗ trợ tiếp cận giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe, Hội đang tập trung thúc đẩy cơ chế để thanh niên khuyết tật có thể tiếp cận vốn, thành lập cơ sở sản xuất và làm chủ công việc.
Thông tin liên quan đến Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, anh Nguyễn Kim Quy cho biết: Hiện nay Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đang xây dựng chương trình hành động và các hoạt động liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân.
Cùng với đó, Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam cũng đang triển khai các hoạt động hỗ trợ các thanh niên khuyết tật trong việc phát triển và khởi nghiệp. Trước đây, Hội chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ cá nhân khuyết tật trong việc phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, Hội cũng chú trọng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp do người khuyết tật làm chủ.
Theo kế hoạch, các chương trình hỗ trợ thành lập doanh nghiệp và phát triển mô hình kinh doanh cá nhân dành cho thanh niên khuyết tật sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới.

Chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" chính thức khởi động từ tháng 4/2025 và kéo dài đến tháng 12/2025
Xây dựng mạng lưới chuyên gia, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Theo ông Nguyễn Quang Hiền Huy - Tổng Giám đốc TCP Việt Nam, chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" không chỉ là hoạt động tôn vinh mà thực sự là "bệ phóng" giúp thay đổi cuộc đời của nhiều thanh niên khuyết tật.
"Thông qua chương trình, nhiều bạn trẻ đã trở nên tự tin hơn, có định hướng rõ ràng hơn trong cuộc sống. Một số người tham gia đã chủ động thành lập câu lạc bộ tại địa phương, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong cộng đồng", ông Huy nói.
Ngoài phần thưởng, TCP cũng đã tài trợ trực tiếp cho khoảng 3 dự án cụ thể, giúp các bạn có điều kiện triển khai ý tưởng một cách thực tế. Bên cạnh đó, hỗ trợ kết nối các bạn với những tổ chức xã hội có chuyên môn đào tạo cũng như các ngành hỗ trợ kỹ thuật… nhằm giúp các bạn nâng cao năng lực quản trị, điều hành công việc, kết nối tốt hơn với doanh nghiệp và chuyên gia.
"Chúng tôi tin rằng, mỗi người trẻ đều mang trong mình một nguồn năng lượng đặc biệt. Với chương trình 'Tỏa sáng nghị lực Việt', chúng tôi mong muốn cùng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lan tỏa thông điệp tích cực về sự kiên cường, nghị lực và niềm tin không giới hạn. Những thanh niên khuyết tật được tuyên dương không chỉ là biểu tượng của ý chí vượt khó mà còn là tấm gương truyền cảm hứng cho cả xã hội", Tổng Giám đốc TCP chia sẻ.

Ông Nguyễn Quang Hiền Huy - Tổng Giám đốc TCP Việt Nam
Trao đổi thêm về nội dung này, anh Phạm Văn Thành - Chủ tịch Trung ương Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam cho biết, hưởng ứng phong trào "Bình dân học vụ số", Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp cùng Hội Thanh niên khuyết tật đã ra mắt mô hình mạng lưới chuyên gia công nghệ hỗ trợ thanh niên khuyết tật.
Mạng lưới này tập hợp các chuyên gia hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, bảo mật thông tin, thiết kế đồ họa, lập trình, thể thao điện tử...
Trong giai đoạn đầu, chương trình sẽ tập trung phổ cập kiến thức công nghệ cơ bản cho cộng đồng sinh viên khuyết tật. Giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng kết nối với các mentor, cố vấn khởi nghiệp, chuyên gia công nghệ và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ thanh niên khuyết tật triển khai các mô hình kinh doanh trên nền tảng số.
"Chúng tôi đặt mục tiêu không chỉ dừng ở đào tạo, mà sẽ tạo ra hệ sinh thái kết nối, hỗ trợ dài hạn giữa người khuyết tật và giới chuyên gia công nghệ, doanh nhân trẻ", anh Thành cho hay.
Đặc biệt, hiện, chương trình cũng đã bắt đầu hợp tác với nền tảng TikTok để hỗ trợ người khuyết tật bán hàng online. Nhiều bạn trẻ đã có thể tạo ra thu nhập ổn định thông qua hình thức này.
Bên cạnh đó, các dự án ứng dụng công nghệ dành cho người khuyết tật cũng đang được triển khai với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác như Google, Apple. Một số sản phẩm đã được đưa lên kho ứng dụng toàn cầu (App Store, Google Play), bước đầu tạo nguồn thu thông qua hình thức quảng cáo và thanh toán trong ứng dụng.
"Việc phát triển mạng lưới chuyên gia công nghệ được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho thanh niên khuyết tật trong việc nâng cao kỹ năng số, tự chủ kinh tế và từng bước tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số", anh Phạm Văn Thành nhấn mạnh.