Bé trai tử vong vì bị bỏ quên trên xe: Nỗi đau còn mãi...

Vụ bé trai tử vong khi bỏ quên trên xe là nỗi đau, nỗi ám ảnh của bất cứ bậc cha mẹ nào. Nỗi đau ấy sẽ đeo đẳng những người thân của gia đình em trong suốt quãng đời còn lại.

Từ đêm qua tới giờ, tôi cứ ám ảnh khôn nguôi chuyện cậu bé 5 tuổi tử vong vì bị bỏ quên hơn 11 giờ đồng hồ trên xe đưa đón. Cứ đặt vào hoàn cảnh người mẹ đang ở xa xứ, làm việc quần quật kiếm tiền gửi về nuôi con, nhận được tin này thì đau đớn thế nào? Rồi gia đình cậu bé, nuôi cháu đến từng ấy tuổi, bao cơm gạo chắt chiu, nâng niu, giờ chịu cái chết tức tưởi, oan uổng bởi sự tắc trách vô cùng của người lớn. Rồi cậu bé, dưới cái nắng hầm hập của mùa hè miền Bắc, cơ thể bé nhỏ của con cứ yếu dần, lả dần đi, sau 11 tiếng đồng hồ trên chuyến xe định mệnh đó. Thật đau đớn, xót thương vô cùng!

Trước hết, tôi vô cùng căm phẫn bởi sự tắc trách của 2 cô giáo. Là giáo viên chủ nhiệm, là giáo viên quản lý, dù học sinh cấp 2, thậm chí cấp 3 nhưng khi không thấy học sinh đến trường, thậm chí đến muộn, cô chỉ cần vài phút để gọi điện (nhắn tin cũng được) báo với gia đình là tại sao chưa thấy con? Con bị ốm hay làm sao? Cơ bản chỉ cần báo cho gia đình một câu thôi, có khó khăn không? Đã biết bao trường hợp không có sự phối hợp của gia đình và nhà trường, dẫn đến hậu quả khôn lường. Huống chi, đây là các cháu mầm non, nhỡ con làm sao, tai nạn thương tích hay thế nào, cô không thấy việc cần phải làm sao?

Bà ngoại bé H. đau lòng kể về cái chết của cháu mình khi bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường. Ảnh: Sức khỏe đời sống

Bà ngoại bé H. đau lòng kể về cái chết của cháu mình khi bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường. Ảnh: Sức khỏe đời sống

Trách nhiệm thứ 2, thuộc về cô dẫn trẻ trên xe đưa đón. Biết bao vụ việc tương tự đã xảy ra, chỉ vài phút nhìn lại, bao quát một lượt trên xe, mất thời gian của cô đến vậy sao? Sao cô có thể tắc trách đến vậy? Huống chi, cô nắm danh sách các con trên tay, không một lần điểm danh hay sao?

Trách nhiệm thứ 3, nhiều người cho rằng, không trách lái xe, vì hôm đó lái hộ người lái xe chính, vì đi quãng đường mệt, chỉ muốn đóng sập cửa vào xuống luôn... Xin thưa, quãng đường đưa đón các cháu không thể quá xa vài trăm km để mà mệt mỏi đến thế. Các bác tài xe bus đi đi, về về ngày hàng chục lượt/ngày, xe 60 chỗ mà chuyến nào người ta cũng giục giã, nhìn đi nhìn lại, đi từ đầu đến cuối xe để nhắc nhở hành khách xuống xe, thì tại sao bác tài này không chịu khó mất thêm vài phút, thậm chí vài giây để nhìn lại xe mình. Xe 29 chỗ có nhiều chỗ không? Huống chi cậu bé ngồi ngay phía sau bác tài, bác bước đi, bước lại vài bước có nhiều không?

Sự việc nào xảy ra, sau đó cũng là đổ lỗi, viết tường trình, đẩy đưa trách nhiệm. Nhưng sự việc đau lòng này, trách nhiệm thuộc về chính người lớn, không thể khác được. Cháu bé phải chết một cách oan uổng, chỉ vì mỗi người lớn, không chịu mất đi vài giây vài phút quý giá của mình, để làm cho trọn công việc của mình ngày hôm ấy.

29/5/2024 - ngày tổng kết năm học của các nhà trường - ngày mà lẽ ra cháu bé đã được múa hát, ăn liên hoan, vui vẻ cùng chúng bạn, tạm biệt trường lớp thầy cô để bước vào một mùa hè rực rỡ. Vậy mà, con phải nằm lại trong không gian chật hẹp, bí bách trên chuyến xe định mệnh, xa rời các bạn, không ai biết được trước lúc mất, trong đầu óc non nớt ấy, có hình ảnh nào của gia đình, của thầy cô không, có câu hỏi "Tại sao mãi không thấy ai đưa con xuống xe không"?

Thương cháu bé vắn số, thương những người ở lại, nỗi đau sẽ còn mãi với gia đình cháu. Những người lớn kia, có chịu trách nhiệm được không? Tòa án nào có những hình phạt phù hợp với sự tắc trách vô cùng này?

Đây không còn là câu chuyện hãn hữu, đó mới là điều thực sự nghiêm trọng. Nếu vẫn còn những sự tắc trách này, sau đây sẽ còn bao niềm thấp thỏm nữa của cha mẹ, khi gửi con trên những chuyến xe đưa đón?

Thu Hòa/VOV4

Nguồn VOV: https://vov.vn/goc-nhin/be-trai-tu-vong-vi-bi-bo-quen-tren-xe-noi-dau-con-mai-post1098474.vov