Bến nước cũ
Cuối cùng, sau bao nhiêu năm rong ruổi chốn thị thành, gia đình tôi cũng quay về làng cũ. Đêm đêm trong căn nhà cấp bốn chưa đầy năm mươi mét vuông, má tôi cong lưng ngồi đãi đậu bên ánh đèn vàng tù mù để kịp nấu mấy nồi chè cho ngày mai bỏ lên xe đẩy ra ngã tư đường. Bên ly trà nguội ngắt, ba phờ phạc sau một ngày ròng rã với hàng chục cuốc xe, ánh mắt chua xót dõi ra con hẻm nhỏ ồn ào khói bụi khi nghe tiếng má ho khan trong bếp, ba lào khào: 'Sống hơn nửa đời mà vẫn tạm bợ, chưa thấy mình thuộc về đâu cả'.
-“Chắc ba mệt rồi! Có vẻ như ổng muốn quay về”, có lần vừa nhen cái bếp than tổ ong, má vừa lẩm bẩm.
-“Quay về là về đâu hả má?”, bé Như từ trong mùng thò đầu ra thẽ thọt.
-“Thì về lại quê mình chớ về đâu!”, má cúi xuống thổi bếp lửa phù phù.
Năm tôi lên bảy, ba quyết định đưa cả gia đình lên thành phố. Căn nhà cũ vẫn để đó, bên một bến nước hoang vắng. Sau một cơn bão mùa, căn nhà sụm xuống chỉ còn một đống đổ nát trên cái nền gạch trốc trỉa loang lổ. Bao nhiêu năm xa xứ, cái nền vẫn trơ trơ ở với um tùm cỏ dại. Đó cũng là nơi cho lũ chèo bẻo kéo về làm tổ trên cây xoài cổ thụ duy nhất còn sót lại trong vườn. “Còn cái nền là được rồi, ở đâu có cái gốc thì ở đó có chốn quay về”, tiếng ba rì rầm sau một đêm bàn bạc với má.
Nhìn bóng ba dài thượt, vẹo vọ in trên vách tường vôi loang, tôi ứa nước mắt quay vào vách, nghe nỗi buồn dâng lên nghẹn ứ. Tôi không tiếc khi rời xa thành phố ồn ào khói bụi và quá đắt đỏ này, càng không tiếc căn nhà bốn mùa ngột ngạt tưởng như không thở nổi, chỉ là tôi thương ba má đã hơn nửa đời quần quật làm lụng mà vẫn chật vật với miếng cơm manh áo. Trên tấm đanh nứt toác, tiếng lũ mèo hoang kêu khóc lẫn trong tiếng khịp khịp của mấy con chuột chạy đi chạy lại dưới gầm giường, sau nhà, tiếng xe máy phành phạch, tiếng búa chan chát nện đinh… Trong đêm, những thanh âm quen thuộc cùng nhau hòa lại thành một bản đồng ca không thể thiếu ở xóm lao động nghèo.
Sau khi quyết định hồi hương, ba về trước, gọi thêm vài chú thợ cùng dựng lại nhà trên cái nền cũ ngày xưa. Ngày chuyển nhà, cả gia đình tôi lặng lẽ, không ai nói với ai một lời. Có vẻ như mỗi người đều giữ riêng cho mình một nỗi niềm. Bên chiếc tủ gỗ cũ kỹ, má loay hoay lau vệt nước đọng trên tấm hình cưới đã ố vàng, tấm hình chụp ba má ngày về với nhau, ba rạng rỡ cười bên má thẹn thùng trong chiếc áo dài cô dâu màu hồng phấn.
Bỏ tấm hình cưới được lồng khung cẩn thận vào chiếc thùng giấy cùng vài món đồ xưa, mắt má hoe đỏ thỉnh thoảng lại ngước nhìn ba lặng lẽ xếp thùng đồ nghề chất lên xe. Em tôi, bé Như còn cẩn thận gói con búp bê gãy mất một chân, món đồ chơi duy nhất của nó vào một cái bọc rồi xếp vào thùng giấy của má.
-“Về thôi!”, ba đứng lên nắm tay má ra xe.
Tôi nhìn thấy trong mắt má nỗi rưng rưng. Bé Như tíu tít theo sau, nó vui như sắp sửa được đi chơi, được đi đến một nơi mà với nó ở đó chỉ toàn những câu chuyện cổ. Từ hôm nay, gia đình tôi chính thức trở lại quê xưa, nơi tôi được sinh ra và lớn lên, nơi có mồ mả ông bà, có những cánh đồng thênh thang gió, có một bến nước êm đềm mỗi chiều cho chị em tôi tha hồ bơi lội.
Ròng rã hơn nửa ngày, cuối cùng gia đình tôi cũng về đến quê. Làng quê đón cả nhà bằng một buổi chiều hanh hao nắng, những vạt nắng vàng xuộm vắt ngang qua con lộ đất đỏ ngoằn ngoèo. Hàng tre bên ngõ vẫn ở đó, rì rào như thì thầm trò chuyện với lũ chim trời.
Trong khi ba má khuân dọn đồ đạc, tôi le te xách mấy cái túi xuống trước, nôn nao xem căn nhà mới của mình trên cái nền cũ ngày xưa, cảm giác thân thương không chi bằng. Căn nhà rộng thênh bằng gỗ tạp và mái tôn cũ kỹ được dựng lại trên nền cũ. Cây xoài trong vườn vẫn đứng đó, sừng sững như chứng kiến từng đoạn đường gia đình tôi đã đi qua...
Ngày ba đưa cả gia đình lên thành phố, tôi lúc đó mới học lớp Hai trường làng. Những ký ức ngày thơ dại vẫn còn nguyên vẹn bỗng sống lại, rưng rưng...
Buổi sáng đầu tiên, tôi bật dậy sau tiếng gà gáy gọi ngày, tiếng má rổn rảng với nồi niêu trong bếp. Bên hiên, mùi khói rơm thơm nồng len qua khe cửa. Từ ngoài ngõ, ba gánh hai thùng nước ở bến về, oang oang gọi hai chị em tôi: “Thảo, Như ơi! Dậy ba dẫn ra bến nước chơi, coi mấy con cá bơi nè!”.

MH: VÕ VĂN
Nghe tiếng ba, bé Như lồm cồm ngồi dậy chui ra khỏi mùng, toe toét cười theo ba chạy chân trần ra bến. Đã vào mùa thu hoạch, dưa chất đống trên những cánh đồng. Vài sợi khói mỏng lơ phơ trên chái bếp nhà ai mang theo mùi cá kho nghệ thơm điếc mũi. Lẫn trong mùi đồng bãi ngọt ngào có cả mùi của dòng sông oàm oạp phù sa châu thổ.
Chiều xuống, tôi lại một mình ra bến nước. Bến nước ngày xưa má thường ngồi giặt bộ đồ đi làm đồng của ba, mấy cái áo dính đầy mủ chuối của tôi. Ngày đó chưa có bé Như. Bến vắng, chỉ còn dấu vết thời gian in lại trên bờ đá rêu xanh. Tôi ngồi xuống vốc từng vốc nước lên mặt, nghe mát lạnh như thể ngày xưa vẫn ở đó, trong bến nước này, trong hương mùi đồng bãi...
Chiều chập choạng tôi về đến ngõ đã thấy khói bếp lơ phơ bay lên. Ba má vẫn tất bật kê dọn đồ đạc. Nghe tiếng tôi, má lật đật đi ra, mớ muội than lấm lem trên gương mặt hao gầy mà miệng má cười tươi: “Chớ đi đâu giờ này mới về, má tưởng con lạc”. Ba lầm bầm: “Trên đồng quê mình lạc đâu cho được, đi đâu rồi cũng về nhà”.
Gà chưa lên chuồng hai chị em tôi đã lăn ra ngủ sớm. Nửa đêm thức giấc nhìn ra thấy ba má vẫn ngồi ngoài hiên, loáng thoáng tiếng ba rì rầm bàn tính chuyện làm ăn, má cầm cái quạt phành phạch, đuổi mấy con muỗi vo ve.
* * *
Má mở quán chè đậu đỏ ở đầu làng. Ba cũng theo mấy chú đi đóng gạch ở cái lò làng bên. Em Như học trường làng, mỗi sáng nó đạp xe trên con đường đất đỏ dài hai cây số. Có ngày mưa lầy lội, em té nhào, mặt mũi, quần áo nhoe nhoét bùn nhưng về đến nhà miệng vẫn cười tươi rói: “Đang đạp phăm phăm thì em đụng cái ổ gà té cái rầm, nó đã gì đâu!”. Tôi học cấp ba trường huyện, cuối tuần mới về nhà một ngày.
Hôm tôi về, trời mưa lâm thâm, má lật đật đội nón ra đầu ngõ đứng đón, trên tay cầm bó rau dền cơm vừa hái ngoài vườn. Ngoài hiên, ba đang sửa lại cái tủ thờ, mắt ba đã đeo kính lão, vài sợi tóc bạc lòa xòa xuống trán nhìn thiệt thương. Đêm xuống, má dọn cơm ra hiên, mâm cơm đạm bạc chỉ có dĩa rau dền luộc chấm mắm nêm với vài con cá bống kho tiêu trong cái nồi đất, vậy mà tôi ăn một mạch ba chén cơm rồi đứng lên ra giếng kéo vài gàu nước xối ào ào cho mát.
Buổi tối, cả nhà ngồi ngoài hiên, mưa lất phất rơi, má cầm quạt mo cau phe phẩy đuổi muỗi, ba kể chuyện bến nước xưa từng là nơi cả làng tụ họp sau một ngày quần quật ngoài đồng bãi. Nghe ba kể, má tủm tỉm cười: “Cũng bến nước đó, ba sắp bay lần đầu gặp má, rồi giả bộ trượt chân, cái thùng nước lăn tới trúng chân má”. Cả nhà cười ha ha, riêng Như cười to nhất, hai con mắt nó tròn xoe, tay tẩn mẩn cái kẹp tóc tôi mua trên phố huyện mang về. “Sau này có chồng, con cũng sống ở đây cho sướng!”. Nghe bé Như nói, ba má tôi bật cười, còn tôi thì được dịp trêu: “Như làm cô dâu thì ai làm chú rể ha?”.
Xong cấp ba, tôi lên thành phố trọ học. Những buổi chiều cuối ngày trên giảng đường thưa vắng, tôi lặng nhìn bầu trời qua khoảng không nhỏ hẹp sau dãy nhà cao tầng, những lúc đó tôi lại nhớ tiếng gà gáy ở quê, nhớ khói bếp lam chiều, nhớ má tất bật vào ra xới luống bắp trước khi gánh mấy nồi chè ra quán, nhớ ba hỉ hả cười từ bến nước trở về với xâu cá đành đạch trên tay.
Ra trường, tôi về quê dạy học. Trường cấp hai cách nhà hơn ba cây số. Lần nào về vừa đến sân đã thấy bóng ba lúi húi cắt tỉa mấy bụi bông trang, thấy má tất tưởi đem mùng mền ra phơi cho được nắng. Như lớn bổng lên, đã biết phụ má việc nhà, giúp ba chăm mảnh vườn rau củ xanh um. Tôi cắp rổ mùng tơi vừa hái trên bờ rào, cúi xuống kéo gàu nước rửa mặt. Tiếng gáo dừa lách cách bên cái chum gốm, má ngồi gội đầu, mùi bồ kết nồng nồng quyện với mùi chanh sả quẩn quanh trong vườn .
“Lẹ lên, vô má gội cho cái đầu!”, má gọi tôi, chỉ nồi bồ kết đang liu riu trên bếp. Bé Như phù phù thổi lửa, rót ly nước chè đem ra cho ba. Ba quệt mồ hôi vô ống tay áo, đón ly nước từ tay Như uống ừng ực rồi khà lên một tiếng: “Đã đời!”.
Chiều chầm chậm trôi. Tiếng bầy gà con tíu tít theo mẹ lên chuồng. Tôi men theo lối mòn tun hút phía sau nhà, băng qua vạt cỏ lau, ra bến nước. Bậc đá dẫn xuống bến nay đã lở lói, phủ rêu, vài rễ si ngoằn ngoèo bò quanh mép nước như những con rắn đang trườn xuống sông. Tôi ngồi bệt xuống bậc đá cuối cùng, thõng chân khua nước, nghe lòng thênh thang như gió. Tôi trở về, vừa tới ngõ đã nghe mùi mì gà ướp nén bay ra thơm lừng.
Bé Như từ trong bếp chạy ra chun mũi hít hà: “Má bày em nấu mì, nồi mì bữa nay là em nấu đó nhen!”. Tôi quàng qua vai nó, nghe mùi tóc đượm hương bồ kết thơm thơm. Từ chái bếp liêu xiêu làn khói mỏng nhẹ vờn lên, tôi nghe trong đó có cả mùi củi phơi được nắng, mùi rơm rạ và cả mùi tanh nồng từ bến nước sau nhà...
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/ben-nuoc-cu-54386.htm