Bến Sung - đò Gảnh

Cầu mới ngạo nghễ vươn cao trên dòng sông Lèn, những con đò lặn ngụp bến sông sẽ dần lui vào quá khứ. Nhưng chuyện sông, chuyện đời vẫn đong đầy trong ký ức của những người từng gắn bó đời mình cùng sông nước quê hương...

Bến Sung đang hoàn thiện sứ mệnh đưa đò của mình trước khi cầu nối đôi bờ sông Lèn được lưu thông.

Bến Sung đang hoàn thiện sứ mệnh đưa đò của mình trước khi cầu nối đôi bờ sông Lèn được lưu thông.

Cả đời đưa khách sang sông

Đứng trưa tháng 9, nắng vàng như mật trải dài xuống chiếc thuyền nhỏ chòng chành nơi cửa biển Lạch Sung - ranh giới giữa xã Nga Bạch, Nga Thủy (Nga Sơn) và xã Đa Lộc (Hậu Lộc). Bến Sung hôm ấy nhộn nhịp, xôn xao những bà, những mẹ đợi đò sang sông. Ở đây, đò chỉ chạy từ sáng đến khoảng 18h là ngừng, đêm xuống người ta cắt cử người canh giữ bến để phòng trường hợp khẩn cấp đưa quân hay bệnh nhân cấp cứu sang sông.

Đứng bên này bến sông, phía xã Nga Thủy, nghe bên tê doi đất xã Đa Lộc, vẳng câu gọi đò, không não nề như lời bài hát “Gọi đò ơi!” của nhạc sĩ Hồng Xương Long sáng tác, mà gấp gáp như chạy trời cho khỏi nắng: Đò... ò... ò... ơi!...hú... hú...!

Con đò chỉ có một đầu cho xe lên, xuống. Một bà cô trùm kín mít chở theo một xe chất đầy rau củ; một chị mặc áo công nhân; một chị đi làm đồng về... lao lên. Ông Vũ Văn Vân, sinh năm 1967, thôn Đông Tân, xã Đa Lộc - người lái đò, chào người đàn bà tập tễnh đi từ dưới bến sông lên: “Lại sang đi lễ à?”. “Vâng! Năm sang 3 lần chú”. Người nhà bà mất, gửi vào Thung tự sơn (chùa trong núi) hay còn có tên khác là chùa Báo Văn (theo tên làng) - là một di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu trước đây thuộc xã Nga Lĩnh (nay là xã Nga Phượng, huyện Nga Sơn). Vì thế, bà thường xuyên qua lại huyện Nga Sơn để hương khói cho người thân. Bà chọn đường đò thay vì phải đi vòng lên xã Hoa Lộc quá xa.

Bến Sung đang hoàn thiện sứ mệnh đưa đò của mình trước khi cầu nối đôi bờ sông Lèn được lưu thông.

Bến Sung đang hoàn thiện sứ mệnh đưa đò của mình trước khi cầu nối đôi bờ sông Lèn được lưu thông.

Ông Vân xốc vác và vui tính. Ông hỏi người này, chọc người kia. Thậm chí, lao xuống bến đẩy xe lên cùng khách vì cầu phao hẹp. Ở bến sông này, ông Vân, ông Diện, ông Lân lái đò chẳng ai xa lạ. Cũng bởi, bến sông này bao năm cũng chỉ ngần ấy người đưa, cha nghỉ thì con theo nghề. “Nhìn thế này thôi, chúng tôi đều phải đi học để lấy giấy chứng nhận hẳn hoi đó. Mấy chục năm nay, từ cái thuở phải còng lưng mà chèo đến khi sắm được thuyền gắn máy nổ bạch bạch um cả khúc sông. Hễ ai cần là chúng tôi đưa sang, không kể bão gió, nắng mưa” - ông Vân tự hào khi nói về nghề của mình.

Cánh sóng nơi biển khơi

Từ thuở hồng hoang, sông Lèn - một nhánh của hệ thống sông Mã đổ ra biển Đông, đã ôm ấp đôi bờ hai huyện Hậu Lộc, Nga Sơn. Sông tưới tắm ruộng đồng, đắp bồi lớp lớp phù sa làm cho đất lành bốn mùa hoa trái. Và, sông cũng dâng tặng vô vàn tôm cá... Nhưng, sông lại bó buộc con người vào thế bất tiện giao thương. Đi đâu về đâu vẫn thấp thỏm tối trời, lo “sẩy chuyến đò”; nặng lòng câu “sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua”... Bến Sung - đò Gảnh hình thành, cần mẫn đi ngang dọc trên sông để lấp đầy khoảng cách hai bờ.

Theo các bậc cao niên, bến Sung - đò Gảnh nhộn nhịp nhất vào thời kỳ nghề làm chiếu cói ở Nga Sơn hưng thịnh. Ngày ấy, người người, nhà nhà ở Nga Sơn đều làm chiếu. Tại bến sông Lèn, người dân gánh chiếu cói, nông sản ra để các thương thuyền chất đầy rồi sang ngang đưa sản phẩm đến các huyện ven biển Hậu Lộc, Hoằng Hóa... Rồi đò lại nhẫn nại chở hàng thiết yếu từ chợ Diêm Phố, chợ Mành, chợ cá,... đến với chợ Bạch Câu, chợ Nga Nhân, chợ Hồ, chợ Đón, chợ Nga Liên,... bán lẻ. Cứ như thế, những bến sông, những khu chợ, những địa danh vẫn cứ lặng lẽ tồn tại qua tháng rộng năm dài.

Vài năm trước, tôi sang chợ Hồ chở hàng về cho mẹ qua bến đò Gảnh. Trong những câu chuyện trên trời dưới bể của các bà, các mẹ, tuyệt nhiên không có cây cầu xuất hiện. Đất nước chuyển mình, rộn rã những công trình xây dựng trên khắp đất nước, dân quê chúng tôi cũng thấp thỏm, chờ mong có cây cầu để nối những bờ vui. Nhưng năm tháng trôi qua, người dân mặc nhiên chờ đợi, rồi mặc nhiên chấp nhận những chuyến đò ngang bởi chuyện đi trên cầu cũng như “lên trời hái sao”.

Cây cầu nối đôi bờ sông Lèn.

Cây cầu nối đôi bờ sông Lèn.

Nhưng, 2 năm trở lại đây, búa máy vang động dòng Lèn. Cây cầu nằm trên hệ thống thủy lợi nhằm ngăn chặn nhiễm mặn cho tưới tiêu, mang hình cánh sóng lên hình thành dạng, trong câu chuyện hằng ngày, mở đầu thường là “sắp tới thông cầu”. Rất nhiều vấn đề kinh tế- xã hội sẽ được giải quyết. Trong đó, quan trọng nhất là kết nối kinh tế liên vùng trong giao thương giữa các xã ven biển huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa và Nga Sơn. Hơn nữa đây cũng là công trình góp phần cung cấp nước sạch cho sinh hoạt của 600 nghìn người. Nước sông Lèn mỗi ngày một ngọt lành cho 23 nghìn hécta đất canh tác. Những con tàu lớn có thể đưa hàng tới chân cầu. Một bến cảng sông nơi cửa biển sông Lèn đang hình thành như một giấc mơ.

Cả đời đò ngang, sông thì rộng nhưng bên này, bên nớ vẫn chừng trong một cái chớp mắt. Ông Vân bộc bạch: “Ừ, đò Gảnh ngừng từ đầu năm. Bến Sung chắc cũng còn vài chuyến nữa, rồi giải nghệ. Coi như tới đời tôi là chấm dứt cái nghiệp đưa đò”. Giấc mơ bao đời đã thành hiện thực, vui đấy nhưng cái cảm giác sắp giã biệt những chuyến đò đã gắn bó với gia đình mình vẫn khiến ông Vân bùi ngùi: “Không cảm xúc sao được khi ông cố, ông nội, cha và tôi đều gắn đời mình với nó. Trăm năm chứ đâu phải một ngày, năm ngày đâu mà không buồn”. Hỏi ông: “Cầu bắc qua, ông tính làm gì chưa?”. “Thì về vườn trồng cây, nuôi tôm... xã tôi khối người thành triệu phú rồi đấy!” - ông Vân tếu táo kèm theo tràng cười giòn.

Trời chiều dần nghiêng, dòng người hối hả rời đò. Từ bên kia bờ, có tiếng ai đó đang gọi với sang: Đò... ò... ò... ơi! Trên chiếc thuyền nhỏ, người lái đò đời thứ tư mỉm cười nhìn con nước lớn đang về... rồi tiếp tục những chuyến đò.

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ben-sung-do-ganh-32879.htm