Bến Tre: Thành công trong đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu dừa xuất khẩu

Hiện tại, giá dừa Bến Tre tăng rất cao. Mỗi chục dừa tăng giá lên 140.000 đồng, cao nhất trong 5 năm qua, người trồng dừa thu lợi lớn.

Cũng theo Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre, nhờ đẩy mạnh xúc tiến thương mại theo chiều sâu, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu dừa của tỉnh đã đạt tới con số hơn 1 tỷ USD trong năm 2024.

Đẩy mạnh xuất khẩu dừa trên các nền tảng thương mại

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, nhằm thực hiện tốt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 và Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy Bến Tre về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh tập trung xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với cây dừa gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.

Ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre - cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương tiếp tục tuyên truyền, quán triệt đầy đủ, nghiêm túc về vị trí, vai trò của cây dừa trong định hướng phát triển cây công nghiệp chủ lực của tỉnh.

Giá dừa khô Bến Tre đã tăng lên 140.000 đồng/chục, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Ảnh: TL

Giá dừa khô Bến Tre đã tăng lên 140.000 đồng/chục, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Ảnh: TL

Tỉnh xác định cây dừa là cây trồng chủ lực, có giá trị đa dụng, tạo ra giá trị xuất khẩu cao. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo chuỗi giá trị của tỉnh.

Bến Tre chủ động rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các chính sách để hỗ trợ cải tạo, trồng mới, chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ cho các đối tượng là hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh dừa tươi, dừa hữu cơ gắn với cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Tỉnh hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, chế biến sâu và đa dạng các sản phẩm từ dừa; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu trong ngành dừa... Đồng thời, tạo điều kiện thúc đẩy và huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm dừa tươi, dừa hữu cơ của tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa, giao thương hàng hóa, khảo sát thị trường và hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh tham gia hội chợ triển lãm thương mại ở trong nước, nước ngoài. Địa phương đổi mới phương thức xúc tiến thương mại thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, xúc tiến thương mại thông qua thương mại điện tử, nhất là kết nối với các sàn ngoài nước như Alibaba, Amazon…

Xác định dừa là cây trồng chủ lực

Bến Tre được mệnh danh "thủ phủ dừa", là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước với tổng diện tích trên 80.000 ha, diện tích dừa của tỉnh chiếm 88% diện tích dừa vùng đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước.

Tại Bến Tre, cây dừa được tỉnh xác định là cây trồng chủ lực và là nguồn thu nhập của hơn 200.000 hộ dân khu vực nông thôn. Diện tích trồng dừa liên tục tăng trong những năm gần đây là do nông dân chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả và một số diện tích trồng cây khác sang trồng dừa.

Cây dừa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt là cây công nghiệp trong Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Trong đó, sản phẩm Dừa xiêm xanh Bến Tre đã được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, quả dừa tươi Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 14 quốc gia và sản lượng xuất khẩu hơn 26,7 triệu trái/năm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đã chủ động triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ về cấp, quản lý mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, Sở đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn ban hành các hướng dẫn về đăng ký cấp và quản lý mã số vùng trồng xuất khẩu; thành lập các tổ kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng trên toàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 133 vùng trồng dừa được cấp 133 mã số với diện tích 8.391 ha, tập trung ở các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Bình Đại, Thành Phố Bến Tre, Mỏ Cày Bắc. Tỉnh có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre phối hợp với các đơn vị liên quan và địa phương trong việc thực hiện các hoạt động kiểm tra và giám sát việc xây dựng, cấp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu. Qua các công tác tuyên truyền, người nông dân đã bắt đầu quan tâm đến việc sản xuất theo hướng an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản và xây dựng mã số vùng trồng. Mặt khác, công tác hướng dẫn đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi xuất khẩu được tăng cường thực hiện theo quy định, phục vụ xuất khẩu dừa chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương, xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt trên 20.781ha. Tỉnh hình thành chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ với 8 doanh nghiệp lớn, có công nghệ chế biến hiện đại, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm dừa hữu cơ vào nhiều thị trường như: Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc…

Bến Tre có thế mạnh về các sản phẩm nông sản, thủy sản. Nhiều sản phẩm của Bến Tre như cá tra, nghêu, tôm, các sản phẩm từ dừa và trái cây được khách hàng Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Nhật, Trung Đông… ưa chuộng. Đến nay, thị trường xuất khẩu của Bến Tre được mở rộng đến 130 quốc gia, vùng lãnh thổ và có mặt ở các thị trường khó tính với khoảng 150 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu; trong đó, thị trường xuất khẩu chủ lực là châu Á, châu Mỹ, châu Âu, còn lại là châu Đại Dương và châu Phi.

Lê Minh

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ben-tre-thanh-cong-trong-doi-moi-cong-nghe-xay-dung-thuong-hieu-dua-xuat-khau-37454.html