Gần cuối năm, làng dệt khăn choàng Long Khánh A (Hồng Ngự, Đồng Tháp) ở cù lao sông Tiền trở nên nhộn nhịp. Máy móc hoạt động liên tục, khắp sân là những cuộn sợi đủ sắc màu được phơi trong nắng.
Chị Định Thị Kim Hạnh (34 tuổi) là người nối nghiệp đời thứ 4 trong gia đình có truyền thống làm nghề dệt khăn nổi tiếng xứ cù lao này. Chị Hạnh cho biết, làng nghề cực thịnh vào đầu thập niên 90, chủ yếu cung cấp khăn rằn cho nông dân. Công việc vất vả nhưng sản phẩm làm ra là có người mua ngay, thậm chí không đủ bán. Sau này, du lịch phát triển, khăn rằn của làng nghề được dùng làm quà tặng. Mẫu mã cũng dần có sự thay đổi cho phù hợp.
Bạn trẻ thích thú với sản phẩm khăn rằn thêu hoa sen, sếu đầu đỏ và túi xách.
Bà Nguyễn Thị Kim Chiều là một trong những nghệ nhân đầu tiên cải tiến mẫu khăn rằn truyền thống sang khăn phục vụ du lịch.
Bà Chiều kể ban đầu làm khăn rằn phục vụ du lịch không dễ. Khăn đòi hỏi độ dày, đa dạng mẫu mã, màu sắc bắt mắt.
“Khó khăn lớn nhất với người thợ là kích cỡ khăn nhỏ hơn loại truyền thống, lại dệt dày hơn nên máy dệt thường xuyên lỗi, đứt chỉ. Để dệt được chiếc khăn rằn du lịch đầu tiên, tôi mất cả tuần cải tiến, sửa chữa từng chút một", bà nhớ lại. Trong ảnh: Sếu đầu đỏ được thêu trên khăn rằn.
Từ ba màu carô truyền thống, hiện làng nghề làm ra gần trăm mẫu mã khác nhau kết hợp thêu logo, biểu tượng sếu, hoa hồng... Trong ảnh: Khăn thêu hoa sen.
Người dân làng nghề làm khăn rằn phục vụ du lịch. Ảnh: Hòa Hội
Anh Phan Thanh An, Giám đốc HTX dệt choàng Long Khánh cho biết, làng nghề hiện nay có khoảng 50 nghệ nhân với 200 máy dệt. Sản phẩm của làng tiêu thụ trên cả nước. Từ một vài mẫu truyền thống, hiện làng nghề làm ra hàng chục mẫu mã khác nhau kết hợp thêu logo, biểu tượng sếu, hoa hồng, cùng với đó là phát triển thêm túi xách, ba lô, cà vạt, áo dài…. Qua đó, góp phần nâng giá trị khăn rằn của làng nghề trăm tuổi xứ cù lao.
Theo anh An, thách thức với làng nghề hiện nay là máy móc cũ kỹ, năng suất thấp, ít người nối nghiệp. Vì thế cần có thêm nhiều lớp đào tạo nghề và chính sách thu hút, khuyến khích cũng như hỗ trợ bà con gắn bó với nghề truyền thống này.
Khung cửi dệt khăn rằn phục vụ du lịch. Ảnh: Hòa Hội
Hòa Hội