Bền vững trước 'mệnh lệnh' thị trường
Thị trường trong và ngoài nước đang có sự chuyển biến rõ rệt theo hướng bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp có những giải pháp xanh hóa chuỗi cung ứng cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vỏ cà phê được tái sử dụng làm phân bón hữu cơ, thân cây chuối được tách lấy tơ dệt vải hay ứng dụng internet vạn vật để kiểm soát tiêu hao tài nguyên là một số giải pháp đang được doanh nghiệp tại Hà Nội triển khai nhằm mục tích gia tăng giá trị, giảm thiểu chất thải, theo ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hà Nội.
Ông Quốc Anh cho biết, với nguồn lực không quá dồi dào, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội đã triển khai rất nhiều sáng kiến nhằm từng bước đưa tính bền vững vào vận hành. Một số doanh nghiệp tập trung đào tạo nâng cao nhận thức của đội ngũ, thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức phát triển để tìm ra giải pháp phù hợp.
Những nỗ lực này vừa để hưởng ứng chủ trương, chính sách về phát triển bền vững của Nhà nước, vừa thuận theo dòng chảy của thời đại khi bền vững trở thành xu thế tất yếu, các sản phẩm, dịch vụ xanh ngày càng được người tiêu dùng quan tâm và đón nhận.
Minh chứng rõ nét có thể thấy ở hệ thống bán lẻ AEON Mall khi tỷ lệ khách hàng từ chối túi nylon và chấp nhận các giải pháp thay thế ở hệ thống này tăng với cấp số nhân qua các năm.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc truyền thông đối ngoại AEON Mall Việt Nam, cho biết, định hướng của AEON Mall là tỷ lệ giao dịch từ chối sử dụng túi nylon dùng một lần tại hệ thống của doanh nghiệp này sẽ đạt đến con số 70% vào năm 2030.
Ở một số hệ thống siêu thị, bán lẻ khác, nhiều sáng kiến, giải pháp cũng đang được đưa ra nhằm thúc đẩy mạnh mẽ xu thế tiêu dùng bền vững, có thể kể đến như ưu tiên nhà cung ứng đạt đủ tiêu chí bền vững, tổ chức các chương trình đổi rác lấy quà, ưu tiên thanh toán cho khách hàng từ chối túi nylon.
Không chỉ thị trường trong nước mà tiêu dùng bền vững đang trở thành xu thế trên toàn cầu. Bên cạnh ý thức của người tiêu dùng, các hành lang pháp lý cũng được nhiều thị trường tiên tiến ban hành để hạn chế, tiến đến loại bỏ sản phẩm, dịch vụ gây tác động tiêu cực tới môi trường và cộng đồng.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết, các thị trường khó tính ngày càng yêu cầu xanh về sản phẩm xanh, tạo áp lực không hề nhỏ cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo ông Cẩm, thách thức cũng đồng thời mở ra cơ hội cho doanh nghiệp triển khai từ sớm để tăng thêm khả năng tiếp cận những thị trường khó tính và đẳng cấp, qua đó nâng cao doanh thu.
Theo đại diện VITAS, ý thức được thách thức và cơ hội từ xu thế phát triển bền vững, hiệp hội đã thành lập ủy ban phát triển bền vững ngay từ năm 2018, tập trung vào tiêu chí xanh hóa nhưng vẫn mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều buổi tập huấn, hội thảo cũng được VITAS phối hợp với các tổ chức phát triển để nâng cao nhận thức cho cả người lao động và sử dụng lao động đối với các giải pháp bền vững hóa chuỗi cung ứng.
Nhờ đó, ngành dệt may có những bước chuyển như sử dụng hệ thống điện mặt trời trên hầu hết các nhà máy, thay thế dầu, củi, than đá bằng điện hoặc viên nén trấu để đun nóng nồi hơi, sử dụng các loại sơ, sợi có nguồn gốc thiên nhiên hoặc tái chế.
Tuy nhiên, theo ông Cẩm, khó khăn lớn ngành dệt may đang phải đối mặt là nguyên vật liệu phụ thuộc vào nước ngoài nên khó kiểm soát được đầu vào. Chính vì vậy, việc sớm thực hiện kế hoạch đưa các nhà máy dệt, nhuộm vào vận hành để tự chủ đầu vào đóng vai trò rất quan trọng đối với ngành dệt may trước xu thé chuyển đổi xanh hiện nay.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ben-vung-truoc-menh-lenh-thi-truong-1722174846981.htm