Bệnh bạch hầu có chữa khỏi hẳn được không?

Tác nhân gây bệnh bệnh bạch hầu là độc tố của vi khuẩn bạch hầu tiết ra tác động đến tim, thận và hệ thần kinh gây nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân...

Tôi nghe nói bệnh bạch hầu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tử vong nhanh chỉ trong 6-10 ngày, làm sao để phát hiện sớm bệnh? Nếu bị bệnh bạch hầu có thể chữa khỏi hẳn được không? (Duyên, TP.HCM)

Trả lời

Theo BS CKI Lê Huy Hiếu, bệnh bạch hầu còn tên gọi khác là Diphteria, là bệnh nhiễm trùng cấp tính ở cổ họng và đường hô hấp trên (mũi, xoang cạnh mũi, đường mũi và hầu họng, rất dễ lây lan. Người lành mang trùng là những người mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng bệnh vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác.

Tác nhân gây bệnh bệnh bạch hầu là độc tố của vi khuẩn bạch hầu tiết ra tác động đến tim, thận và hệ thần kinh gây nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân... làm người bệnh có nguy cơ tử vong cao.

Bệnh bạch hầu có thể điều trị qua khỏi hoặc có thể gây tử vong chỉ trong 6-10 ngày.

 Người lành mang trùng là những người mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng bệnh, họ vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác. Ảnh minh họa: Internet

Người lành mang trùng là những người mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng bệnh, họ vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác. Ảnh minh họa: Internet

Dấu hiệu và biến chứng của bệnh bạch hầu

Người nhiễm vi khuẩn có thời gian ủ bệnh trong 2-5 ngày, lúc này chưa có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm.

Các triệu chứng bệnh bạch hầu

Viêm họng mũi, thanh quản: niêm mạc đỏ, nuốt đau, da xanh, mệt mỏi, nổi hạch dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ;

Khám thấy có giả mạc, cần phân biệt tính chất giả mạc của bạch hầu và giả mạch mủ (trong viêm amidan mủ). Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc/tróc ra sẽ chảy máu. Nếu cho vào nước khuấy mạnh sẽ không tan, còn giả mạc mủ thì cho vào nước khuấy sẽ tan.

Bạch hầu ở vùng họng mũi nếu điều trị không tốt sẽ có nguy cơ lan xuống vùng thanh quản gây khàn giọng, khó thở, ho. Đặc biệt, lớp giả mạc này sẽ làm tắc đường thở gây tử vong.

Ngoài ra, do tính chất vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc do độc tố vi khuẩn gây ra, nên bạch hầu còn gây ra các triệu chứng toàn thân như nhiễm độc thần kinh, tê liệt sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và các thần kinh cảm giác, và/hoặc viêm cơ tim. Tỉ lệ tử vong trong khoảng 5% - 10%.

Tác nhân gây bệnh và đường lây lan

Tác nhân gây bệnh bạch hầu có tên đầy đủ là Corynebacterium diphtheriae, thuộc họ Corynebacteriaceae.

Vi khuẩn bạch hầu có khả năng tồn tại tốt trong môi trường bên ngoài và chịu được khô lạnh. Nếu có chất nhầy dịch tiết bao quanh thì có thể sống trên đồ vật được vài ngày đến vài tuần, trên đồ vải thì sống được 30 ngày, trong sữa, nước uống 20 ngày.

Vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý hóa. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn chỉ sống được vài giờ, ở nhiệt độ 58 độ C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ vi khuẩn này chỉ tồn tại được 1 phút.

Bệnh bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn. Bệnh còn lây lan do tiếp xúc với các đồ vật có chất bài tiết của người nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Cách phòng, trị bệnh

Cho đến hiện tại, phương án tối ưu nhất để phòng bệnh là sử dụng vaccin.

Để phòng bệnh bạch hầu, phụ huynh cần cho con tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu theo chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi.

Đồng thời, nên tiêm nhắc lúc trẻ 16-18 tháng tuổi; 4-7 tuổi; 9-15 tuổi vì lúc này khả năng bảo vệ của vaccine bạch hầu suy giảm theo thời gian, việc tiêm mũi nhắc rất cần thiết.

Đối với nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu như phụ nữ trước hoặc đang mang thai, người già trên 50 tuổi; người mắc bệnh mạn tính… cũng cần tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

Bên cạnh đó, người dân cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, che miệng khi hắt hơi hoặc ho, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh. Đảm bảo không gian nhà ở, trường học, các nơi công cộng sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.

Với những người xuất hiện các triệu chứng mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Từ khi ra đời vào năm 1923 đến nay, vaccin phòng chống bạch hầu đã thay đổi hoàn toàn tỉ lệ mắc bệnh và tử vong trên toàn thế giới.

Ở khu vực Tây Thái Bình Dương, những năm 80 của thế kỉ trước, mỗi năm có 13.000 ca bệnh, năm 1990 chỉ còn 1.130 và hiện tại chỉ có 614 ca mắc.

Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh bạch hầu đã giảm từ 3,95/100.000 dân năm 1985 xuống còn 0,14/100.000 dân vào năm 2000.

Lê Duyên (ghi)

Nguồn PLO: https://plo.vn/benh-bach-hau-co-chua-khoi-han-duoc-khong-post799761.html