Bệnh Bạch hầu: Con đường lây truyền và cách phòng tránh

Trường hợp cô gái 18 tuổi, trú tại tỉnh Nghệ An tử vong sau khi mắc bệnh bạch hầu đã dấy lên sự lo ngại đối với căn bệnh này. Nhằm nâng cao nhận thức của người dân và tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu xâm nhập vào địa phương, phóng viên Báo Phú Thọ đã có buổi trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Phong Việt - Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ.

Bác sĩ Nguyễn Phong Việt - Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ

Bác sĩ Nguyễn Phong Việt - Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ

Phóng viên: Thưa Bác sĩ Nguyễn Phong Việt, xin bác sĩ cho biết bệnh bạch hầu là gì và hiện nay, trên địa bàn tỉnh, đã ghi nhận ca mắc nào chưa ạ?

Bác sĩ Nguyễn Phong Việt: Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người qua các giọt bắn nhỏ từ mũi hoặc miệng của người bị nhiễm khi họ ho hoặc hắt hơi. Bạch hầu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trong 10 năm gần đây chưa ghi nhận ca mắc bạch hầu nào. Tuy nhiên, các địa phương trong khu vực miền Bắc đã ghi nhận nhiều ổ dịch, như Hà Giang và gần đây nhất là tỉnh Nghệ An với một trường hợp mắc và tử vong. Điều này cho thấy tỉnh Phú Thọ cũng có nguy cơ cao về xâm nhập dịch bạch hầu.

Phóng viên: Xin bác sĩ nói rõ hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh bạch hầu; đường lây truyền và các dấu hiệu, triệu chứng nhận biết bệnh?

Bác sĩ Nguyễn Phong Việt: Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng rất nghiêm trọng có thể dẫn đến các biến chứng và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Dưới đây là một số điểm chính về mức độ nguy hiểm của bệnh:

Tỷ lệ tử vong cao: Nếu không được điều trị, tỷ lệ tử vong do bạch hầu có thể lên đến 5-10% và cao hơn ở trẻ nhỏ và người già, người có sức đề kháng yếu...

Biến chứng nặng: Bạch hầu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm cơ tim (viêm tim), tổn thương thần kinh và viêm phổi. Những biến chứng này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài hoặc thậm chí dẫn đến tử vong.

Bạch hầu lây truyền chủ yếu qua các đường sau:

Giọt bắn: Bệnh lây qua các giọt bắn nhỏ từ mũi hoặc miệng của người bị nhiễm khi họ ho, hắt hơi, hoặc nói chuyện.

Tiếp xúc trực tiếp: Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ người bị nhiễm hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm khuẩn (ví dụ: Cốc uống nước, bát, đĩa, khăn, tay nắm cửa...). Vi khuẩn có thể tồn tại trên các đồ vật và truyền bệnh khi chúng ta chạm vào và sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc mắt.

Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết bệnh

Các triệu chứng của bệnh bạch hầu thường xuất hiện sau 2-5 ngày kể từ khi phơi nhiễm. Các triệu chứng bao gồm:

Sốt, đau họng là triệu chứng phổ biến.

Khó nuốt: Nuốt khó khăn và đau.

Khàn giọng: Giọng nói có thể trở nên khàn hoặc mất giọng.

Sưng hạch bạch huyết ở cổ.

Giả mạc: Hình thành một màng giả màu trắng xám tại amidan, cổ họng. Màng này có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp, dẫn đến khó thở.

Phóng viên: Vậy bệnh bạch hầu có chữa khỏi được hay không và điều trị như thế nào, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Phong Việt: Bệnh bạch hầu có thể được chữa khỏi nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều trị bạch hầu bao gồm việc sử dụng kháng sinh và kháng độc tố, cùng với các biện pháp hỗ trợ để giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Trong những trường hợp cụ thể, bệnh nhân có thể cần phải nhập viện để được chăm sóc đặc biệt, bao gồm giám sát chặt chẽ tình trạng hô hấp và tim mạch.

Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất phòng ngừa bệnh bạch hầu.

Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất phòng ngừa bệnh bạch hầu.

Phóng viên: Với mức độ nguy hiểm như vậy, ngành y tế đã có những hướng dẫn, khuyến cáo như thế nào để phòng, chống bệnh bạch hầu một cách hiệu quả?

Bác sĩ Nguyễn Phong Việt: Tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Hiện có các loại vắc xin dành cho cả trẻ em và người lớn. Đối với trẻ em, vắc xin phòng bạch hầu thường được kết hợp với vắc xin phòng ho gà và uốn ván trong các loại vắc xin như 5 trong 1 (trong chương trình tiêm chủng mở rộng) hoặc vắc xin 6 trong 1 (trong tiêm chủng dịch vụ như: Infanrix Hexa, Hexaxim). Đối với người lớn, vắc xin phòng bạch hầu thường được kết hợp với vắc xin phòng ho gà và uốn ván trong các loại vắc xin như Tdap (Adacel, Boostrix) hoặc Td (vắc xin phòng uốn ván và bạch hầu dành cho người lớn).

Bên cạnh đó, còn có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm khác, như: Thường xuyên đeo khẩu trang khi tiếp xúc nơi đông người, tránh tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh về hô hấp. Tránh hoặc hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Thường xuyên sát khuẩn tay, đồ dùng dụng cụ, giữ cho phòng làm việc, nhà của thông thoáng giúp phòng tránh bệnh bạch hầu và các bệnh truyền nhiễm khác.

Người dân khi phát hiện có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời.

Phóng viên: Trước tình hình diễn biến phức tạp của ca tử vong do bạch hầu tại Nghệ An và có nguy cơ bùng phát dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có những phản ứng bước đầu như thế nào trong công tác kiểm tra, giám sát và triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh?

Bác sĩ Nguyễn Phong Việt: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ luôn theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, đặc biệt là các ổ dịch tại các tỉnh đang lưu hành bạch hầu, nhằm nắm bắt kịp thời mọi diễn biến và sẵn sàng ứng phó nhanh chóng khi phát hiện ca bệnh. Đồng thời, phản hồi tình hình bệnh dịch truyền nhiễm toàn quốc, khu vực miền Bắc và tỉnh Phú Thọ hàng tuần về Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành để các đơn vị chủ động trong phòng chống dịch.

Trung tâm cũng đảm bảo sẵn sàng thuốc và hóa chất phòng chống dịch, đồng thời xây dựng các phương án cụ thể để đối phó khi dịch bùng phát, bao gồm việc triển khai ngay các biện pháp kiểm soát và điều trị cần thiết.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là các loại vắc xin có thành phần phòng bạch hầu; tập trung rà soát các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm không đầy đủ vắc xin phòng bạch hầu; tổ chức các đợt tiêm bù, tiêm vét nhằm đảm bảo tất cả trẻ em trong độ tuổi đều được tiêm đủ các mũi vắc xin có thành phần bạch hầu.

Tăng cường công tác truyền thông giáo dục về bệnh bạch hầu để nâng cao nhận thức của cộng đồng về cách phòng ngừa và nhận biết các triệu chứng của bệnh; sử dụng đa dạng các phương tiện truyền thông như loa phát thanh, truyền hình, mạng xã hội zalo, facebook... để truyền tải thông tin một cách rộng rãi và hiệu quả. Những thông tin này giúp người dân hiểu rõ hơn về bệnh bạch hầu, từ đó có thể tự bảo vệ bản thân và gia đình, cũng như phối hợp tốt hơn với các cơ quan y tế trong công tác phòng chống dịch.

Phóng viên: Cảm ơn bác sĩ qua buổi trao đổi ngày hôm nay!

Phương Thúy (thực hiện)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/benh-bach-hau-con-duong-lay-truyen-va-cach-phong-tranh-215026.htm