Bệnh Basedow có chữa được không?
Bệnh Basedow là bệnh mãn tính, các phương pháp điều trị đều nhằm làm giảm lượng hormone mà tuyến giáp có khả năng tiết ra.
Bệnh Basedow là một rối loạn tự miễn dịch có thể gây cường giáp. Đây là một dạng bệnh nội tiết phổ biến nhất hiện nay.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ xem tiền sử bệnh của bạn và thăm khám để tìm các dấu hiệu của bệnh Basedow. Để xác nhận chẩn đoán bệnh Basedow có thể cần tới một hoặc nhiều các xét nghiệm sau:
Xét nghiệm máu. Các xét nghiệm này có thể đo mức hormone tuyến giáp và cũng kiểm tra TSI.
Xét nghiệm hấp thu i-ốt phóng xạ. Xét nghiệm này đo lượng i-ốt mà tuyến giáp của bạn đang hấp thụ từ máu để tạo ra các hormone tuyến giáp. Nếu tuyến giáp của bạn hấp thụ một lượng lớn i-ốt, bạn có thể mắc bệnh Basedow.
Siêu âm tuyến giáp. Xét nghiệm này thường được thực hiện cùng với xét nghiệm hấp thu i-ốt phóng xạ, cho thấy i-ốt được phân phối như thế nào và ở đâu trong tuyến giáp của bạn.
Đo lưu lượng máu Doppler hay còn được gọi là siêu âm Doppler. Phương pháp này sử dụng sóng âm thanh để phát hiện lưu lượng máu tăng lên trong tuyến giáp của bạn do bệnh Basedow. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm này nếu việc hấp thu i-ốt phóng xạ không phải là một lựa chọn tốt cho bạn. Chẳng hạn như trong khi mang thai hoặc cho con bú.
Điều trị bệnh Basedow
Bệnh Basedow là một bệnh mãn tính. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị đều nhằm làm giảm lượng hormone mà tuyến giáp có khả năng tiết ra. Có 3 phương pháp chính:
1. Điều trị nội khoa bằng thuốc
- Thuốc kháng giáp tổng hợp. Thuốc kháng giáp tổng hợp là các thuốc có tác dụng ức chế các enzym tổng hợp hormon giáp, có hai nhóm. Các este của thio - uracil (methyl, propyl và benzyl) và các dẫn chất của mercaptan (thyroidal, neomercazol, bazolan).
Thời gian điều trị thường kéo dài 12 - 24 tháng. Với phương pháp này gần 50% bệnh nhân khỏi lâu dài hoặc vĩnh viễn, bướu nhỏ lại, các triệu chứng nhiễm độc giáp hết. Tuy nhiên lồi mắt đỡ chậm hoặc không hết có trường hợp lồi mắt tăng lên. Nếu điều trị 3 – 6 tháng không tiến bộ phải ngừng thuốc, chuyển phương pháp khác.
Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc kháng giáp tổng hợp: dị ứng nổi mẩn đỏ ngoài da, giảm bạch cầu hạt, bướu giáp to lên…
Một số trường hợp tác dụng phụ cần ngưng dùng thuốc khi gây vàng da, viêm gan nhiễm độc cấp, đau trong khớp.
- I-ốt là loại thuốc cổ điển nhất. Tác dụng của i-ốt xuất hiện nhanh sau 7 - 10 ngày dùng thuốc. Nhưng sau đó các triệu chứng nhiễm độc giáp lại dần dần xuất hiện trở lại. Vì vậy hiện nay i-ốt chủ yếu được dùng để chuẩn bị cho bệnh nhân trước mổ hoặc điều trị cơn nhiễm độc giáp kịch phát.
- Kali peclorat. Thuốc có tác dụng ngăn cản i-ốt đi vào tuyến giáp. Tuy nhiên ít dùng loại thuốc này do hiệu lực điều trị thấp
- Các muối lithium. Hiệu lực điều trị của thuốc thấp nên chỉ dùng trong trường hợp không dùng được các thuốc kháng giáp tổng hợp.
- Điều trị phong bế tác dụng ngoại vi của hormone giáp. Thuốc không làm khỏi được bệnh Basedow vì chỉ có tác dụng ngoại vi. Thuốc làm hạ huyết áp, có thể gây hạ huyết áp tư thế đứng, đau bụng, ỉa lỏng, liệt dương, buồn ngủ, trầm cảm.
- Các thuốc ức chế miễn dịch. Sử dụng cho những bệnh nhân bị lồi mắt và phù trước xương chày.
2. Điều trị bằng I131
I131 được áp dụng từ 1948, là phương pháp điều trị tương đối đạt hiệu quả và kinh tế. Ở Việt Nam bắt đầu sử dụng từ 1978. Có thể nói đây là một phẫu thuật tuyến giáp chọn lọc, tác dụng vào các tế bào bắt i-ốt của tuyến giáp, phá hủy các tế bào này bằng các tia b và g và thay thế bằng tổ chức liên kết.
3. Điều trị bằng phẫu thuật
Phương pháp này lấy đi gần hết tổ chức tuyến giáp. Phương pháp này được xem là phương pháp điều trị mang lại kết quả chắc chắn nhất, ít biến chứng.
4. Ngoài ra còn có điều trị một số thể đặc biệt như:
- Lồi mắt
- Bệnh nhược cơ kết hợp với bệnh Basedow
- Cấp cứu cơn nhiễm độc giáp kịch phát
- Suy tim do bệnh Basedow
- Basedow ở phụ nữ có thai
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-basedow-co-chua-duoc-khong-169230131113755592.htm