'Bệnh' chậm tiến độ
Có lẽ cụm từ 'chậm tiến độ' chưa bao giờ xuất hiện nhiều trên báo chí, truyền thông như hiện nay khi đề cập đến các công trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chậm tiến độ đã trở thành 'căn bệnh' trầm kha, ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu tăng trưởng, đời sống của người dân, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước cũng như kỷ luật, kỷ cương hành chính. 'Căn bệnh' này nếu không được 'điều trị' dứt điểm sẽ tạo ra rào cản cho sự phát triển.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, có thể thấy hầu như ngành nào, địa phương nào cũng có công trình, dự án hạ tầng chậm tiến độ, trong đó có TP. Đông Hà.
Chỉ riêng lĩnh vực hạ tầng giao thông, các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, thành phố như đường Lê Thánh Tông, Hoàng Diệu, Bà Triệu, Lê Lợi nối dài, Trần Nguyên Hãn, Phường 2 đi Đông Lương, Đông Lễ, Nguyễn Trãi nối dài, nút giao Đặng Trần Côn - Hàm Nghi… thi công ì ạch, kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành, làm nhếch nhác diện mạo đô thị, gây bức xúc trong Nhân dân.
Cầu dây văng sông Hiếu, một công trình được kỳ vọng mang lại điểm nhấn kiến trúc, diện mạo mới và thúc đẩy phát triển không gian đô thị phía Bắc Đông Hà, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2021 vậy nhưng sau hơn 3 năm thi công hiện vẫn chưa thể đưa vào khai thác, sử dụng.
Ở huyện Triệu Phong, dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt - một trong hai cảng cá lớn nhất của tỉnh Quảng Trị - sau nhiều năm triển khai thi công, được cấp có thẩm quyền gia hạn đến nay vẫn dang dở, tiến độ thi công chậm. Hiện các cơ quan, đơn vị liên quan đến dự án này như “ngồi trên lửa” vì khối lượng thi công còn rất lớn, trong khi Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn dự án đến ngày 30/12/2023…
Ở bình diện quốc gia, không ít công trình, dự án hạ tầng trọng điểm cũng đang chậm tiến độ, tăng chi phí đầu tư, nguy cơ gây ảnh hưởng đến chương trình phục hồi kinh tế và các mục tiêu phát triển dài hạn. Đơn cử như dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, sau hơn 2 năm thi công, đến nay tiến độ các dự án thành phần đang bị chậm khiến cho tiến độ chung giai đoạn 1 của dự án chậm và khó đáp ứng yêu cầu về tiến độ theo nghị quyết của Quốc hội.
Nguyên nhân nào khiến nhiều công trình, dự án chậm tiến độ? Phần lớn chủ đầu tư cho biết, khó khăn lớn nhất vẫn là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; vướng mắc thủ tục, cơ chế về đầu tư công, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, xây dựng, định giá đất, vật liệu san lấp...
Thực ra đây chỉ là phần nổi của vấn đề, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng công trình, dự án chậm tiến độ là do quá trình chuẩn bị đầu tư không kỹ lưỡng, thiếu bài bản, chưa sát với thực tế; không lường trước được các khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh; công tác thẩm định kinh nghiệm, năng lực nhà thầu thi công còn hạn chế, chưa sâu sát. Năng lực quản lý, điều hành, ý thức, trách nhiệm trong triển khai thực hiện của chủ đầu tư chưa cao…
Đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào sử dụng các công trình, dự án kết cấu hạ tầng có vai trò quan trọng trong giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, hạn chế dàn trải trong đầu tư và huy động nguồn lực gắn với đó là góp phần đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh và tạo sinh kế, thu nhập cho người dân.
Do vậy, để trị “bệnh” chậm tiến độ, giải pháp căn cơ là ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư dự án phải thực hiện kỹ lưỡng, đánh giá cụ thể và toàn diện những vấn đề liên quan, lường trước được các tình huống, rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để có giải pháp xử lý từ sớm.
Cơ quan, đơn vị quản lý chỉ đạo chủ đầu tư phải phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ thời gian thực hiện; theo dõi, cập nhật tiến độ công trình, dự án hằng tuần, hằng tháng; xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời thay thế kịp thời những cán bộ, chủ đầu tư yếu kém về năng lực, sợ sai, sợ trách nhiệm, “đá qua đá lại” làm chậm tiến độ dự án. Có cơ chế động viên, khen thưởng cụ thể khi hoàn thành nhiệm vụ và hình thức kỷ luật rõ ràng nếu để xảy ra tình trạng “giẫm chân tại chỗ”, chây ì.
Tập trung chấn chỉnh công tác quản lý, lựa chọn nhà thầu, loại trừ những nhà thầu thiếu năng lực, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm hợp đồng và chậm trễ tiến độ thi công…Cùng với đó là sự quyết liệt, quyết tâm, khẩn trương của các cấp, ngành chức năng nhằm sớm hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể để các đơn vị, địa phương giải quyết những vướng mắc, khó khăn đặt ra từ thực tiễn.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/benh-cham-tien-do/178033.htm