Bệnh tiền đình có thể điều trị khỏi, không phải căn bệnh 'trời đày'
Hội chứng tiền đình là một bệnh lý rất phổ biến, thường gặp hàng ngày tại các khoa khám bệnh cũng như khoa cấp cứu ở các bệnh viện. Tuy nhiên, điều đáng nói là ý thức tuân thủ điều trị của người bệnh chưa tốt. Hoặc có trường hợp vì tin theo những thông tin thiếu căn cứ khoa học, coi đó là căn bệnh 'trời đày', 'nghiệp chướng từ kiếp trước' mà bỏ lỡ mất cơ hội vàng điều trị.
ThS.BS Nguyễn Thu Hà - Khoa Cấp cứu – Chống độc, BVĐK Nông Nghiệp (Hà Nội) cho biết, hội chứng tiền đình phân thành 2 nhóm: Tiền đình trung ương và tiền đình ngoại biên. Mỗi nhóm có nguyên nhân gây bệnh khác nhau và tùy theo nguyên nhân gây ra hội chứng tiền đình mà đối tượng nguy cơ cũng khác nhau.
Đối với tiền đình ngoại biên có thể gặp ở người trẻ không có bệnh nền, không có yếu tố nguy cơ hoặc ở những bệnh nhân có chấn thương đầu cũ hay viêm nhiễm dẫn đến các cơn chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, hay các nguyên nhân dẫn đến rối loạn chức năng mê đạo: như ngộ độc thuốc (kháng sinh nhóm Amynoglycoside), ngộ độc rượu, virus, Bệnh Meniere…
Với hội chứng tiền đình trung ương: do các nguyên nhân như đột quỵ não, thường gặp trên nhóm đối tượng có nguy cơ cao như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá nhiều…
Để chẩn đoán được chính xác căn bệnh này, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán phù hợp. Trước tiên bác sĩ sẽ khám chẩn đoán bạn thực sự có bị hội chứng tiền đình không, là hội chứng tiền đình ngoại biên hay trung ương, sau đó tìm các nguyên nhân gây bệnh. Từ đó sẽ có phướng án điều trị cũng như tư vấn để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có thể hiểu về bệnh và an tâm, tuân thủ điều trị hơn.
Chớ bỏ qua các triệu chứng
Theo BS. Hà, các triệu chứng chủ yếu của hội chứng tiền đình bao gồm: Chóng mặt - đây là một triệu chứng thường gặp nhất trong hội chứng tiền đình, đó là một cảm giác không có thật về sự chuyển động của cơ thể hoặc môi trường xung quanh, người bệnh có cảm giác đồ vật xung quanh họ hoặc bản thân họ quay tròn, hoặc cảm giác bồng bềnh như người đi trên tàu, xe; mất thăng bằng làm bệnh nhân không thể ngồi dậy, không đi lại được; rung giật nhãn cầu: là chuyển động của nhãn cầu có thể một hướng hoặc đa hướng.
Các triệu chứng đi kèm như: buồn nôn, nôn, vã mồ hôi, da xanh tái, vẻ mặt lo lắng, hoặc các triệu chứng khác do các nguyên nhân của hội chứng tiền đình gây ra.
BS. Hà cũng lưu ý đến vấn đề stress, lo âu, căng thẳng rất phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Hội chứng tiền đình do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó hội chứng tiền đình trung ương với nguyên nhân chủ yếu là do đột quỵ não thì stress là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh cảnh đột quỵ não, có thể để lại những di chứng nặng nề cho bệnh nhân.
Tuân thủ điều trị, gần như khỏi bệnh hoàn toàn
Hiện nay, tại Khoa Cấp cứu – BVĐK Nông Nghiệp hàng ngày tiếp đón khá nhiều các trường hợp bị hội chứng tiền đình, trong đó chủ yếu là hội chứng tiền đình ngoại biên, với nguyên nhân lành tính, sau điều trị 2-3 ngày bệnh nhân gần như khỏi hoàn toàn.
Việc điều trị hội chứng hội chứng tiền đình hiện nay đã có rất nhiều tiến bộ: có nhiều nhóm thuốc điều trị tích cực giúp giảm bớt nhanh và hiệu quả các triệu chứng của tiền đình; song song với sự hiện đại của các trang thiết bị máy móc giúp chẩn đoán sớm, chính xác nguyên nhân của hội chứng tiền đình để từ đó có các phương pháp điều trị hiệu quả và triệt để.
“Điều trị hội chứng tiền đình là sự phối hợp của đa chuyên khoa thần kinh, tai mũi họng, phục hồi chức năng... để điều trị triệu chứng, tìm các nguyên nhân gây ra bệnh cho bệnh nhân, hay kết hợp phục hồi chức năng cho các trường hợp tổn thương tiền đình do di chứng, để từ đó có thể giải quyết triệt để các nguyên nhân: như u dây VIII, u não, nhồi máu não giờ đầu... có phương pháp điều trị can thiệp cho bệnh nhân... như Bệnh Meniere tư vấn chế độ ăn hợp lý cho người bệnh để tránh các đợt tái phát, hay những cơn chóng mặt kịch phát lành tính có các bài tập phục hồi chức năng tiền đình...” – BS. Hà chỉ rõ.
Hiện nay, có một số quan điểm cho rằng bệnh tiền đình là “bệnh trời đày”, và đó là “nghiệp chướng” mà người bệnh mắc phải. Điều này là hoàn toàn không đúng đắn. Theo BS. Hà, hội chứng tiền đình chủ yếu do các nguyên nhân lành tính, và hoàn toàn có thể cắt cơn tiền đình, điều trị dứt điểm các nguyên nhân cũng như dùng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống để hạn chế các đợt tái phát. Do vậy bệnh nhân cần đến khám đúng chuyên khoa để được chẩn đoán đúng cũng như tư vấn phù hợp.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng hội chứng tiền đình đa số là lành tính, tái đi tái lại và có thể tự hết các cơn chóng mặt, nên nhiều trường hợp chủ quan không đi khám, bỏ qua cơ hội vàng như trường hơp bị hội chứng tiền đình do nhồi máu não, để lại di chứng nặng nề cho người bệnh.
Lời khuyên của bác sĩ
Đối với hội chứng tiền đình, khi thấy các triệu chứng như đã nói ở trên, người dân cần đi khám để được chẩn đoán thật sự mình có bị hội chứng tiền đình hay không, và tìm các nguyên nhân, sau đó sẽ được bác sĩ tư vấn về điều trị cũng như các biện pháp phòng bệnh hợp lý. Bệnh nhân không nên nghe theo mách bảo, điều trị bằng các biện pháp không có căn cứ khoa học mà bỏ mất cơ hội điều trị, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-tien-dinh-n187136.html