Bệnh tổ đỉa: Nguyên nhân và các phương pháp điều trị

Tổ đỉa là một trong những bệnh ngoài da không gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe tổng thể nhưng làm mất thẩm mỹ, khiến nhiều người kém tự tin trong cuộc sống.

1. Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa là gì?

Bệnh tổ đỉa là một thể đặc biệt của eczema (chàm), khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và rìa các ngón tay chân. Đây là một bệnh da liễu thường gặp trong cộng đồng. Bệnh tiến triển dai dẳng, hay tái phát có thể kéo dài hàng tháng; thường gặp ở người có độ tuổi từ 20 - 40. Nam và nữ có tỷ lệ mắc bệnh ngang nhau.

Mặc dù, các nốt mụn tổ đỉa có thể lan từ vùng da này sang vùng da khác trên cùng một cơ thể, nhưng bệnh không lây sang cho người khác thông qua giao tiếp bình thường.

Nguyên nhân gây bệnh tổ đỉa:

Do di truyền
Do cơ địa
Do dị nguyên (tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại, dị ứng với thực phẩm, đồ ăn, đồ vật trong nhà, lông thú cưng hay thời tiết. Ngoài ra các loại sữa tắm, dầu gội, nước xả vải, nước lau nhà cũng làm cho bệnh chàm tổ đỉa xuất hiện.
Do tác dụng phụ của một số loại thuốc trị bệnh.
Người có chứng rối loạn thần kinh giao cảm thường có nguy cơ mắc các bệnh viêm da như tổ đỉa.

Bệnh tổ đỉa thường khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và rìa các ngón tay chân.

Bệnh tổ đỉa thường khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và rìa các ngón tay chân.

Triệu chứng của tổ đỉa thường có các mụn nước màu trắng trong, chỉ khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đặc biệt là mặt bên các ngón tay, lòng bàn tay; mặt bên - mặt trên và mặt dưới ngón chân, lòng bàn chân. Bệnh thường xảy ra từng đợt, trước khi nổi mụn nước bệnh nhân thường thấy ngứa, rát...

2. Các phương pháp điều trị bệnh tổ đỉa

2.1 Thuốc điều trị tại chỗ bệnh tổ đỉa

- Khi chỉ có mụn nước đơn thuần

Bệnh nhẹ đến trung bình được điều trị bằng steroid tại chỗ và thuốc ức chế calcineurin. Tacrolimus và mometasone tại chỗ có thể được sử dụng để điều trị.

+ Steroid: Steroid được dùng nhiều trong điều trị các dạng của viêm da cơ địa như tổ đỉa. Các loại kem steroid và thuốc mỡ có thể giúp đẩy nhanh sự biến mất của các mụn nước. Người bệnh cũng có thể sử dụng gạc ẩm sau khi bôi steroid để tăng cường sự hấp thu của thuốc. Với các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê toa thuốc corticosteroid dạng uống như prednisone.

Tuy nhiên cần lưu ý, sử dụng corticosteroid lâu dài có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm: Phù, tăng huyết áp, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, loãng xương, teo cơ. Steroid bôi tại chỗ cần được tính để bôi trong 1 tuần và giảm liều một cách từ từ, tránh tái phát. Tuyệt đối không sử dụng thường xuyên và kéo dài steroid vì có rất nhiều tác dụng phụ. Người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Các loại kem steroid và thuốc mỡ có thể giúp đẩy nhanh sự biến mất của các mụn nước trong bệnh tổ đỉa.

Các loại kem steroid và thuốc mỡ có thể giúp đẩy nhanh sự biến mất của các mụn nước trong bệnh tổ đỉa.

+ Thuốc ức chế calcineutrine tại chỗ: Là chất điều hòa miễn dịch không steroid, có hiệu quả đối với tổ đỉa. Thuốc có thể gây kích ứng da trong thời gian đầu sử dụng, giãn mạch.

+ Thuốc mỡ tacrolimus và kem pimecrolimus là hai loại khá phổ biến trong trị tổ đỉa. Chống chỉ định dùng tacrolimus và pimecrolimus cho trẻ em < 2 tuổi.

- Khi tổn thương bị bội nhiễm

Khi tổ đỉa có mủ hoặc bọng nước to có thể chích tháo dịch mủ sau đó bôi dung dịch castellani, milian, xanh methylen 2%. Đây là những trường hợp tổ đỉa đã tiến triển đến mức độ nặng, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Dung dịch castellani chứa các thành phần hoạt chất có tính kháng khuẩn, kháng viêm, có tác dụng hiệu quả trong việc điều trị các bệnh chốc lở, lang ben, nấm ngoài da. Thuốc được bào chế dạng dung dịch, sử dụng thuốc bằng đường bôi ngoài da. Nên làm sạch tay và vùng da bị tổn thương trước khi bôi thuốc.

Bôi thuốc dần dần từ phía ngoài vết thương vào trong để tránh vết thương lan rộng hơn. Tránh tiếp xúc với nước và quần áo hay các đồ vật khác sau khi mới bôi xong. Tránh để thuốc dính lên mắt, miệng. Thận trọng dùng castellani trên đối tượng phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Không dùng cho vết thương hở, không bôi lên mắt và miệng.

Ngoài ra, còn có các liệu pháp như uống psoralen và chiếu tia cực tím bước sóng A (PUVA) hoặc chiếu laser ngoại mạch tại chỗ hoặc tiêm trong da botulinum toxin A 100 đơn vị (Botox) có thể được sử dụng trong trường hợp bệnh dai dẳng.

2.2 Điều trị toàn thân

- Có thể dùng thuốc kháng histamine để giảm ngứa. Các thuốc kháng histamin như desloratadin, fexofenadin, levocetirizin, labixten, loratadin, cetirizin, chlorpheniramin dùng theo độ tuổi.

- Có thể uống một đợt corticoid từ 5-10 ngày.

- Dùng kháng sinh nếu có nhiễm trùng hoặc các loại thuốc kháng nấm như clotrimazol, ketoconazol nếu nhiễm nấm.

3. Lời khuyên của thầy thuốc

Một số phương pháp giúp ngăn ngừa tổ đỉa cũng như các bệnh ngoài da khác như:

- Vệ sinh cơ thể thường xuyên.

- Tránh thay đổi nhiệt độ hoặc độ ẩm đột ngột.

- Duy trì không khí mát mẻ giúp cơ thể không đổ mồ hôi hoặc quá nóng để giảm ngứa.

- Kiểm soát căng thẳng, dành thời gian thư giãn, tập thể dục thường xuyên giúp kiểm soát căng thẳng và tăng tuần hoàn.

- Tránh mặc trang phục bằng các chất liệu dễ xước như len, vải bố,…

- Không sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa hoặc dung môi mạnh.

- Chú ý và tránh dùng các loại thực phẩm có thể gây ra các triệu chứng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Uống trà nóng hay lạnh tốt cho sức khỏe hơn?

BS. Đặng Xuân Thắng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-to-dia-nguyen-nhan-va-cac-phuong-phap-dieu-tri-169230329221847288.htm