Bệnh viện Bạch Mai chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng ứng phó dịch sởi

Dịch sởi đang diễn biến phức tạp, đặc biệt ở miền Bắc, nhiều người lớn bị sởi biến chứng viêm phổi, viêm não..., Bộ Y tế đã đến Bệnh viện Bạch Mai khảo sát công tác chuẩn bị nguồn lực ứng phó với dịch bệnh.

75% người lớn mắc sởi nguy kịch không nhớ rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi

Ngày 27/3, đoàn công tác của Bộ Y tế do GS.TS Trần Văn Thuấn - Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Thứ trưởng Bộ Y tế đã kiểm tra công tác sàng lọc, phân luồng, thu dung điều trị bệnh nhân sởi tại Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Tham gia đoàn Công tác còn có lãnh đạo và chuyên viên Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Cục Phòng bệnh - Bộ Y tế.

Báo cáo với đoàn công tác, PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới Bạch Mai cho biết, từ tháng 11/2024 đến tháng 3/2025, bệnh viện đã tiếp nhận 104 ca sởi nội trú, trong đó có 48 ca nặng phải can thiệp hồi sức tích cực.

Đáng chú ý, số ca mắc ở người lớn (30-65 tuổi) chiếm tỷ lệ cao, nhiều trường hợp biến chứng viêm phổi, viêm não, thậm chí phải lọc máu hoặc hỗ trợ ECMO. Đặc biệt, 75% bệnh nhân không nhớ rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi, điều này phản ánh sự chủ quan trong phòng bệnh của cộng đồng.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ và đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch Sởi tại Viện Y học nhiệt đới Bạch Mai - Ảnh BVCC

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ và đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch Sởi tại Viện Y học nhiệt đới Bạch Mai - Ảnh BVCC

Trên vai trò tổng chỉ huy, điều phối nguồn lực, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng đã báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác về việc ngay trước tết Nguyên đán Ất Tỵ vài ngày, bệnh viện đã dự liệu được các yếu tố nguy cơ về bùng phát dịch.

Giám đốc Đào Xuân Cơ đã huy động tổng lực triển khai ngay gấp rút nguồn lực chuyên môn với 32 giường hồi sức hiện đại, áp dụng công nghệ cùng sự tham gia đi buồng hàng tuần, hội chẩn các ca khó của các chuyên gia đầu ngành trong hệ hồi sức của Bạch Mai như PGS.TS. Nguyễn Văn Chi - Nguyên Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9; PGS.TS. Đỗ Ngọc Sơn - Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực; PGS.TS. Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc…

Bên cạnh đó, công tác phân luồng và cách ly cũng đã được bệnh viện bố trí hiệu quả: Thiết lập khu khám cách ly ngay tại tầng 1 để sàng lọc, phân loại bệnh nhân ngay từ cổng viện. Dành riêng phòng cách ly cho bệnh nhân sởi, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch…

Có thể khẳng định, Bệnh viện Bạch Mai đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản, các phương án ứng phó với từng “nấc thang” của dịch bệnh. Thậm chí, bệnh viện còn chuẩn bị nhiều hơn mức cần thiết, đó là sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh khác…

“Bệnh viện cam kết đảm bảo nguồn lực về thuốc men, trang thiết bị y tế và nhân lực để đáp ứng tối ưu không chỉ dịch sởi mà cả các dịch bệnh khác như thủy đậu, sốt xuất huyết, viêm não mô cầu...

Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chéo, đồng thời sẵn sàng mở rộng quy mô tiếp nhận nếu số ca bệnh gia tăng”, Giám đốc Đào Xuân Cơ tự tin báo cáo với Thứ trưởng Trần Văn Thuấn và đoàn công tác.

 Bệnh nhân sởi biến chứng điều trị tại bệnh viện Bạch Mai - Ảnh BVCC

Bệnh nhân sởi biến chứng điều trị tại bệnh viện Bạch Mai - Ảnh BVCC

Phòng ngừa dịch sởi: Khuyến cáo từ chuyên gia

Các chuyên gia bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhóm có nguy cơ bị tiến triển nặng do sởi gồm:

- Trẻ <12 tháng, chưa tiêm vắc xin đủ.

- Người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, có bệnh nền (tim, phổi, tiểu đường...).

Vì vậy, khi xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc sởi: Sốt + ho/sổ mũi + tiếp xúc nguồn lây (7-21 ngày), viêm kết mạc, có hạt Koplik hoặc phát ban dạng sởi... cần đến ngay bệnh viện để được phân cấp điều trị cho kịp thời:

- Trạm y tế xã: Xử lý ca nhẹ, chuyển tuyến khi có biến chứng.

- Bệnh viện chuyên khoa: Tiếp nhận ca nặng (viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm não).

Giải pháp phòng ngừa

- Tiêm vắc xin đủ 2 mũi – bảo vệ suốt đời! Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất. Người lớn chưa tiêm hoặc không rõ tiền sử cần tiêm nhắc lại, đặc biệt nhóm có bệnh nền (tiểu đường, COPD).

- Cách ly nghiêm ngặt: Bệnh nhân sởi cần hạn chế tiếp xúc ít nhất 4 ngày sau phát ban, đặc biệt với người suy giảm miễn dịch. Nhân viên y tế tuân thủ đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên.

"Dịch sởi đang diễn biến phức tạp, đặc biệt ở miền Bắc. Bệnh viện Bạch Mai là một trong những đơn vị tiên phong ứng phó, thể hiện qua việc chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất và chuyên môn.

Tuy nhiên, tiêm chủng vẫn là “lá chắn” quan trọng nhất. Người dân cần chủ động đưa trẻ đi tiêm đủ 2 mũi và tự bảo vệ bản thân bằng vắc xin", GS.TS. Trần Văn Thuấn khẳng định.

Thúy Nga/ VietnamDaily

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/benh-vien-bach-mai-chuan-bi-nguon-luc-san-sang-ung-pho-dich-soi-2092220.html