Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin về ca bệnh bạch hầu ghi nhận tại Bắc Giang

Bệnh nhân hiện sức khỏe tương đối ổn định, sẽ được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương về cách ly tiếp ở tuyến cơ sở sau khi điều trị.

Ca bệnh dương tính với bạch hầu ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang tên M.T.B., 18 tuổi, tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; thường trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Đây là trường hợp cùng phòng với ca bệnh bạch hầu đã tử vong, ghi nhận tại tỉnh Nghệ An gần đây.

Sau khi phát hiện dương tính với bạch hầu, chiều 7.7, bệnh nhân M.T.B. được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị tại khoa Cấp cứu.

Thông tin về tình hình sức khỏe của ca bệnh trên, BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết thời điểm nhập viện, bệnh nhân hầu như chưa xuất hiện các triệu chứng lâm sàng.

Các bác sĩ đã tiến hành điều trị dự phòng sớm theo phác đồ, sử dụng kháng sinh để diệt vi khuẩn bạch hầu và ngăn ngừa sự phát triển của chúng. Nhờ điều trị kịp thời, diễn biến của bệnh nhân tương đối ổn định, chưa có các tình trạng đe dọa sức khỏe.

“Do diễn biến của bệnh nhân tương đối ổn, bệnh nhân sẽ được chuyển về để cách ly tiếp ở tuyến cơ sở sau khi điều trị”, bác sĩ Cấp thông tin.

CDC Nghệ An giám sát tiến hành điều tra và lấy mẫu xét nghiệm tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn

CDC Nghệ An giám sát tiến hành điều tra và lấy mẫu xét nghiệm tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn

Trước đó, sáng 8.7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An thông tin, trên địa bàn tỉnh này ghi nhận 1 bệnh nhân 18 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu. Bệnh nhân là nữ, tên P. T. C., trú tại Bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn. Bệnh nhân là học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn, vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Ngay khi ghi nhận ca bệnh, CDC Nghệ An đã cử đội phản ứng nhanh đến tại địa phương nơi phát hiện ca mắc để tiến hành điều tra, giám sát hướng dẫn, chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống và kiểm soát bệnh bạch hầu.

Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An xác định có 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong. Trong đó, ở ký túc xá cùng bệnh nhân có 2 người là M.T.S. và M.T.B., đã di chuyển từ huyện Kỳ Sơn ra tạm trú tại tỉnh Bắc Giang.

Ngày 8.7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang thông tin, trường hợp M.T.B., 18 tuổi, tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (thường trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) - trường hợp ở cùng phòng với bệnh nhân P. T. C. cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu.

Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh Nghệ An, Bắc Giang và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, yêu cầu chủ động tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu.

Theo đó, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh. Triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.

Rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có tính chất gây dịch, chủ yếu lây truyền theo đường hô hấp, do trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) gây nên. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 70% là ở trẻ dưới 15 tuổi và chưa tiêm vaccine. Ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh cũng lên tới 5-10%.

Bệnh bạch hầu thuộc nhóm B (là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong) trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm của nước ta.

Bệnh bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. C. diphtheriae là trực khuẩn hình que hơi phình một đầu hình chùy, Gram dương, hiếu khí, không sinh nha bào, không có vỏ, không di động.

Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu bằng ngoại độc tố (exotoxin) dẫn đến phù nề, sau đó hoại tử và loét niêm mạc, tạo ra các giả mạc bám chặt vào niêm mạc.

Nguồn gây bệnh bạch hầu là các bệnh nhân nhiễm bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi. Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.

Nguyễn Liên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/suc-khoe/benh-vien-benh-nhiet-doi-trung-uong-thong-tin-ve-ca-benh-bach-hau-ghi-nhan-tai-bac-giang--i379993/