Bệnh viện đa khoa Tâm Anh đạt mốc 100 ca mổ não và tủy sống bằng Robot AI

Sáng ngày 22/12, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh công bố đã thực hiện thành công 100 ca mổ u não, u tủy sống và đột quỵ xuất huyết não bằng Robot AI Modus V Synaptive.

Sự kiện đặt dấu mốc quan trọng cho cả các bác sĩ và người bệnh tại Việt Nam bởi những ưu điểm vượt trội mà các kỹ thuật mổ não truyền thống không có. Kỹ thuật mổ não và tủy sống bằng Robot AI đã được Bộ Y tế cấp phép, đồng thời chỉ định Bệnh viện Tâm Anh là cơ sở đào tạo nhân rộng chuyên môn này.

Tại Tọa đàm Mổ não và tủy sống bằng Robot AI, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bày tỏ niềm xúc động trước hình ảnh những người bệnh đã khỏe mạnh, đi lại sinh hoạt bình thường sau khi được mổ bằng Robot AI trong một năm qua. Trong đó, có những ca bệnh u não, u tủy sống, đột quỵ xuất huyết não khó, nguy hiểm, gần như hết hy vọng khi “bị trả về”.

Nhờ sự hỗ trợ của Robot AI, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã phẫu thuật nhiều ca bệnh khó, nguy hiểm mà trước đây bệnh nhân gần như không có hy vọng cứu chữa. Nhiều người bệnh đi lại được sau nhiều năm yếu liệt, hoặc mắt sáng trở lại sau thời gian dài mắt mờ dần và mù hẳn.

BS. Chu Tấn Sĩ hướng dẫn người bệnh đi lại sau khi mổ u tủy sống. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

BS. Chu Tấn Sĩ hướng dẫn người bệnh đi lại sau khi mổ u tủy sống. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Theo BS. Chu Tấn Sĩ, hạn chế của kỹ thuật mổ não truyền thống là trước các cuộc mổ, bác sĩ chỉ thấy rời rạc khối u, khối máu tụ và các bó dẫn truyền thần kinh, mô não lành trên từng hình ảnh riêng biệt qua phim X-Quang, CT hoặc MRI. Bác sĩ không thể thấy toàn bộ các tổ chức bên trong não trên cùng một hình ảnh, không chủ động định vị được trước đường mổ an toàn, nguy cơ cao phạm phải các cấu trúc lành khi mổ.

Trong khi đó, Robot AI có thể hòa hình CT, MRI, DTI, DSA... trên cùng một hình ảnh 3D có độ phân giải cao, giúp bác sĩ thấy rõ khối u, khối máu tụ trong mối tương quan với các cấu trúc não lành và các bó sợi thần kinh xung quanh cả trước và trong suốt quá trình mổ.
Robot AI cho phép bác sĩ mổ mô phỏng trên phần mềm chuyên dụng, có nhiều thời gian nghiên cứu và chủ động quyết định vị trí mở hộp sọ, đường tiếp cận vào bên trong não của người bệnh theo cách an toàn nhất, tránh phạm phải các cấu trúc lành.

BS. Chu Tấn Sĩ mổ mô phỏng bằng Robot AI Modus V Synaptive

Trong quá trình phẫu thuật thực tế, dữ liệu hoạch định sẵn từ cuộc mổ mô phỏng sẽ được truyền lên Robot AI và các thiết bị hiện đại tại phòng mổ. Mọi thao tác của bác sĩ trong cuộc mổ chính thức đều được Robot AI giám sát chặt chẽ. Robot giúp định vị chính xác vị trí tổn thương trong não hoặc tủy sống, dẫn đường, theo dõi và phát cảnh báo để bác sĩ đảm bảo cuộc mổ diễn ra theo đúng kế hoạch ban đầu đã được xác lập tại cuộc mổ mô phỏng trước đó. Nhờ đó, người bệnh hồi phục nhanh, bảo toàn tối đa các chức năng thần kinh.

 Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quan sát hình ảnh từ Robot AI Modus V Synaptive trong cuộc mổ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quan sát hình ảnh từ Robot AI Modus V Synaptive trong cuộc mổ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Với Robot AI, thời gian phẫu thuật được giảm đến 20%, thời gian nằm viện giảm 40%, và lượng máu mất trong phẫu thuật giảm tới 79%. Đồng thời chi phí điều trị thấp hơn 40 lần so với mổ tại Mỹ với cùng công nghệ và được thanh toán bảo hiểm y tế.

Một trong những điểm nổi bật của Robot AI là hỗ trợ bác sĩ mổ thức tỉnh cấp cứu đột quỵ xuất huyết não Enrich, kỹ thuật được Hội Đột quỵ Thế giới đánh giá là "cuộc cách mạng" trong điều trị đột quỵ xuất huyết não.

Kỹ thuật này cho phép bệnh nhân tỉnh táo, có thể tương tác và cử động trong suốt ca mổ, giúp bác sĩ trực tiếp đánh giá chức năng thần kinh khi thao tác vào vùng não chức năng tương ứng. Điều này giúp bảo toàn tối đa chức năng thần kinh, người bệnh phục hồi nhanh chóng và xuất viện sớm.

ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ cùng ekip thực hiện một ca phẫu thuật bằng Robot AI. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ cùng ekip thực hiện một ca phẫu thuật bằng Robot AI. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Robot AI Modus V Synaptive hiện được Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ứng dụng trong điều trị 7 danh mục bệnh gồm: U não trên lều, U não dưới lều, U trong não thất, U não đường giữa, U não nền sọ, U trong ống sống, Xuất huyết não - não thất; và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Hiện chỉ có 14 quốc gia phát triển sử dụng Robot AI hiện đại mổ não và tủy sống này. Bên cạnh Robot AI phẫu thuật thần kinh, sọ não, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp tục trang bị thêm các thiết bị chuyên sâu, đồng bộ để phục vụ mở rộng mổ não và tủy sống ở nhiều bệnh lý hơn.

“Chúng tôi tiếp tục huấn luyện, đào tạo thế hệ bác sĩ trẻ, mở rộng và nâng tầm ứng dụng những kỹ thuật này, hướng đến xây dựng trung tâm phẫu thuật não AI hiện đại”, BS. Tấn Sĩ cho biết.

Quốc Bảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/benh-vien-da-khoa-tam-anh-dat-moc-100-ca-mo-nao-va-tuy-song-bang-robot-ai-2355384.html