Bệnh viện ở TP.HCM yêu cầu bác sĩ báo cáo 100% bằng tiếng Anh
Một bệnh viện công lập tại TP.HCM yêu cầu các bác sĩ phải sử dụng tiếng Anh để báo cáo trong hội nghị, mặc dù đây không phải chương trình quốc tế hay có chuyên gia nước ngoài.
Quy tắc trên được áp dụng tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật năm 2023 của Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, diễn ra vào sáng nay (28/7).
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP, đây là lần đầu tiên tiếng Anh được sử dụng làm ngôn ngữ duy nhất trong hội nghị của bệnh viện, kể cả khi trình bày và thảo luận.
“Đây là thử nghiệm đặc biệt của bệnh viện nhằm hướng đến hòa nhập khu vực và quốc tế. Trình độ tiếng Anh của bác sĩ trẻ hiện nay rất tốt khi giao lưu, làm việc với các đoàn chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, báo cáo khoa học bằng tiếng Anh lại đòi hỏi sự chỉn chu, chuyên nghiệp hơn. Chúng tôi muốn các bác sĩ bước ra khỏi vỏ ốc của mình, tự tin bước ra diễn đàn quốc tế", bác sĩ Đính tâm sự.
Theo bác sĩ Đính, đại dịch Covid-19 đã khiến công tác nghiên cứu khoa học bị ảnh hưởng trong 3 năm qua. Hội nghị khoa học lần này sẽ giúp các bệnh viện và bác sĩ chuyên ngành cập nhật kỹ thuật điều trị mới nhất, giúp nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.
Các bác sĩ đã trình bày 16 báo cáo khoa học, tập trung về kỹ thuật điều trị xử sụp đốt sống cổ, bướu xương lành tính, trật khớp vai tái hồi ở trẻ em, các tiến bộ trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình.
Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối ở TP, có quy mô 500 giường. Thực tế mỗi ngày, nơi đây có khoảng 700 bệnh nhân nội trú và gần 2.000 người khám ngoại trú trong không gian chật chội, cũ kỹ. Tình trạng quá tải, xuống cấp được cảnh báo liên tục nhưng bệnh viện hơn 50 tuổi vẫn chưa được xây mới.
Kiểm soát tai biến gãy xương trong phẫu thuật
Tại hội nghị, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Trọng Hải, Khoa Khớp, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP đã báo cáo về trường hợp nữ bệnh nhân 58 tuổi bị tai biến khi thay khớp háng phải toàn phần không xi măng.
Theo đó, trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân bị gãy xương đùi quanh mấu chuyển di lệch. Các bác sĩ đã tiến hành mở ổ gãy, nắn chỉnh và cố định bằng chỉ thép. Sau đó, tiếp tục đặt khớp nhân tạo.
Bác sĩ Hải cho hay, tỷ lệ tai biến gãy xương khi thay khớp háng toàn phần đang ngày càng tăng do tuổi thọ tăng, chỉ định thay khớp háng ngày càng nhiều. Người bệnh có thể bị một lỗ thủng đơn giản ở vỏ xương, hoặc đường gãy di lệch hoặc không di lệch.
Nguyên nhân của tai biến trên chủ yếu do chất lượng xương không tốt. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm: chỉ số BMI cao, phụ nữ lớn tuổi, người thay lại khớp háng toàn phần. Việc điều trị là một thách thức với phẫu thuật viên.