Bệnh viện quá tải vì bệnh nhân sốt xuất huyết

Sự gia tăng của dịch sốt xuất huyết (SXH) trong những tuần qua khiến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông quá tải, phải sắp xếp lại giường bệnh, kê giường hành lang, dồn phòng của nhân viên y tế để kê thêm giường bệnh,...

Bệnh nhân nằm... hành lang

Những ngày này, không khó để bắt gặp cảnh bệnh nhân nằm tại hành lang, sảnh chờ của Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. Những ngày dịch SXH bùng phát cũng là những ngày bệnh viện tuyến đầu như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông xảy ra tình trạng quá tải bệnh nhân SXH nhập viện.

Giường bệnh nhân mắc SXH được bố trí thêm 2 bên hành lang khoa Truyền nhiễm

Giường bệnh nhân mắc SXH được bố trí thêm 2 bên hành lang khoa Truyền nhiễm

Đang mang thai tuần thứ 29, lại bị sốt cao vật vã, khó chịu, đau đầu, chị Trịnh Thị Hương (30 tuổi), ở phường Quảng Thành, TP. Gia Nghĩa được người nhà đưa vào bệnh viện để thăm khám, điều trị. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy chị bị SXH. Các bác sĩ đã cho chị Hương nhập viện ngay lập tức. Trường hợp của bà Cao Thị Hoa (67 tuổi), phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa cũng tương tự khi vài ngày trước bà bị sốt, đau đầu và thấy mệt trong người. Đi xét nghiệm máu thì được chẩn đoán mắc SXH. Vì tuổi cao lại có bệnh nền cao huyết áp, bà Cao Thị Hoa được giữ lại theo dõi điều trị tại bệnh viện.

Các trường hợp bệnh nhân như chị Hương hay bà Hoa là phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh lý kèm theo khi bị SXH đều được các bác sĩ yêu cầu nhập viện theo dõi điều trị để tránh các biến chứng đáng tiếc.

Áp lực vì quá tải

Bác sĩ Trần Duy Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cho biết, từ tháng 4 năm nay, tình hình bệnh nhân nhập viện do mắc SXH tăng cao. Đặc biệt, trong thời gian từ tháng 6, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 50-70 bệnh nhân mắc SXH. Tính riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận hơn 1.100 /hơn 1.600 ca mắc trên toàn tỉnh. Việc tiếp nhận một lúc số lượng lớn bệnh nhân đã gây quá tải về giường bệnh, nhân lực và các vật tư y tế phục vụ cho công tác điều trị.

Mọi không gian trống của Bệnh viên Đa khoa tỉnh đều đượng tận cụng để kê giường điều trịnh bệnh nhân SXH

Mọi không gian trống của Bệnh viên Đa khoa tỉnh đều đượng tận cụng để kê giường điều trịnh bệnh nhân SXH

Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, tính từ đầu năm 2024 đến ngày 15/7, tổng số ca nhập viện do SXH 1.160 ca. Trong đó, số ca SXH Dengue 971 bệnh nhân, SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo 161 bệnh nhân, SXH Dengue nặng 28 bệnh nhân. Số bệnh nhân mắc SXH được xuất viện 1.044 người, chuyển tuyến 17 người và tử vong 1 người.

“Năm nay, bệnh SXH đến sớm hơn và bùng phát mạnh hơn so với năm trước. Đặc biệt, theo quan sát, chúng tôi nhận thấy trong quá trình điều trị bệnh nhân, chủng vi rút gây bệnh SXH khiến cho tiểu cầu giảm rất nhanh, khó hồi phục. Điều này gây khó khăn không nhỏ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong công tác điều trị bệnh”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

Bác sĩ Cao Thị Tài, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông thông tin thêm, bệnh nhân mắc SXH trong độ tuổi từ 25-40 tuổi chiếm phần đông với tỷ lệ 60%, người cao tuổi chiếm 20%, còn lại là các lứa tuổi khác. Những con số cho thấy SXH không phân biệt tuổi tác, ai cũng có thể mắc bệnh. Đặc biệt, với số lượng người trẻ tuổi mắc SXH cao như năm nay, đây là điều bất thường so với các năm trước.

Ưu tiên cho điều trị SXH

Theo bác sĩ Trần Duy Dũng, cùng với xây dựng kế hoạch phục vụ công tác phòng chống dịch ngay từ đầu năm và bám sát với tình hình thực tế diễn biến của dịch, bệnh nhân SXH tăng cao đột ngột như hiện nay, bệnh viện đã có sự chuẩn bị, điều tiết linh hoạt để đáp ứng tốt nhất nhu cầu điều trị bệnh nhân SXH.

Tập huấn cập nhật phác đồ điều trị, chia sẻ kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị bệnh SXH tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Tập huấn cập nhật phác đồ điều trị, chia sẻ kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị bệnh SXH tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Cụ thể, về đội ngũ nhân viên y tế điều trị, chăm sóc bệnh nhân SXH, ngay từ đầu năm, bệnh viện đã chỉ đạo các khoa liên quan gồm Khoa Truyền Nhiễm, Khoa Nhi, Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc thường xuyên cập nhật phác đồ điều trị SXH của Bộ Y tế. Bệnh viện cử cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ tham gia các lớp tập huấn, đào tạo chỉ đạo tuyến của các bệnh viện tuyến trên. Ngoài ra, bệnh viện tích cực chủ động trong công tác điều trị bệnh nhân, hội chẩn ngay khi cần, liên hệ chuyển tuyến kịp thời với những bệnh nhân nặng.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc SXH năm ở hành lang bệnh viện

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc SXH năm ở hành lang bệnh viện

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng huy động nhân lực bác sĩ, điều dưỡng của các khoa khác để tăng cường, hỗ trợ cho Khoa Truyền nhiễm khi số lượng bệnh nhân tăng cao. Cụ thể, bệnh viện đã điều động 2 bác sĩ, luân phiên 9 điều dưỡng tăng cường cho Khoa Truyền nhiễm để đáp ứng nhu cầu điều trị, chăm sóc, theo dõi bệnh nhân.

Về cơ sở vật chất, bệnh viện đã huy động giường bệnh, bố trí thêm khu điều trị để đáp ứng kịp thời công tác điều trị, chăm sóc, theo dõi bệnh nhân. Từ 40 giường bệnh sẵn có tại Khoa Truyền nhiễm, bệnh viện đã bố trí lại phòng bệnh, sắp xếp thêm giường ở hành lang, tiền sảnh, bổ sung thành 80 giường bệnh.

Ở Khoa Truyền nhiễm, giường bệnh được kê thêm ở sảnh chờ, nhằm đáp ứng nhu cầu giường bệnh cho bệnh nhân SXH

Ở Khoa Truyền nhiễm, giường bệnh được kê thêm ở sảnh chờ, nhằm đáp ứng nhu cầu giường bệnh cho bệnh nhân SXH

Bệnh viện tạm trưng dụng khu nhà ở dành cho cán bộ y tế tuyến trên về hỗ trợ bệnh viện theo Đề án 1816 thành phòng cho bệnh nhân điều trị SXH. Ngoài ra, thuốc, vật tư y tế liên quan được bệnh viện chủ động ưu tiên và có thể đáp ứng tốt cho công tác điều trị SXH đến hết cuối năm theo chu kỳ phát triển của dịch.

Đi đôi với đó, nhằm chia sẻ khó khăn với các y tế tuyến dưới trong công tác điều trị bệnh nhân mắc SXH, được sự chỉ đạo của Sở Y tế, trong năm nay, bệnh viện đã tổ chức 2 đợt tập huấn cập nhật phác đồ điều trị, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh SXH theo phác đồ mới nhất của Bộ Y tế. Bệnh viện luôn thường trực sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân nặng của các trung tâm y tế tuyến huyện chuyển tuyến lên bệnh viện tỉnh; bệnh viện duy trì, sẵn sàng kết nối hội chẩn và cử 1 ê kíp gồm nhân viên y tế và thiết bị thường trực, cơ động để phối hợp với cơ sở điều trị bệnh nhân SXH,... "Trong thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục tập trung cao nhân lực, thiết bị, vật tư y tế cho công tác điều trị bệnh nhân SXH nhằm hạn chế thấp nhất các ca chuyển nặng và tử vong trên địa bàn tỉnh”, bác sĩ Dũng cho biết.

Hoàng Dương

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/benh-vien-qua-tai-vi-benh-nhan-sot-xuat-huyet-222937.html