Bếp ấm nhà Y Khác
Bản Tuộc của người Ma Coong với những ngôi nhà sàn bé nhỏ ở cuối đường 20 Quyết Thắng. Bản chỉ cách biên giới Việt - Lào chừng dăm kilomet, vắng lặng và bình yên. Nhà Y Khác ở đây. Sau rằm tháng 10, Y Khác đã tuốt xong lúa rẫy. Em vui vì năm nay dân bản được mùa.
Để làm tin, Y Khác chỉ cho tôi xem những nong lúa căng mẩy, vàng rực còn phơi ngoài con đường qua bản, một số đã cho vào bao cất trên sàn nhà, một ít nữa thì chuẩn bị mang ra cối giã và cả chõ nếp thơm nghi ngút trên bếp. Y Khác 19 tuổi, ngồi bên bếp lửa, gương mặt hồng rực, căng tròn. Không ai nghĩ em đã hai con nếu như không có hai đứa trẻ mặt mũi tù hì tù hà luẩn quẩn bên mẹ khi thấy có người lạ vào nhà.
Ma Coong là một tộc người thuộc dân tộc Bru Vân Kiều. Hiện nay, đồng bào sống tập trung ở 18 bản trong vùng lõi Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc xã Thượng Trạch huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình, với hơn 530 hộ, gần 2.500 nhân khẩu. Cuộc sống của đồng bào chủ yếu dựa vào rừng, làm nương rẫy và chăn nuôi gia súc gia cầm. Hàng năm, cứ độ tháng Ba là đồng bào Ma Coong mở hội “lấp lỗ”, bắt đầu mùa trỉa hạt mới.
Mỗi nhà sắp một cái lễ nho nhỏ gồm chiếc típ đựng lúa giống được cất từ mùa trước, cút rượu tự nấu bằng thứ gạo nhà làm và ngọn nến từ sáp ong rừng. Tất cả đặt trang trọng giữa vuông rẫy rồi thì thầm khấn vái. Họ khấn thần trời, thần rừng, thần núi, thần sông, thần cai quản đất đai phù giúp đồng bào dân bản gặp may mắn, mưa thuận, gió hòa, cây cối tốt tươi, sây bông chắc hạt “Mặt trời mọc, rồi mặt trời lặn. Tất cả những hòn lèn cao, núi cao, suối to, suối nhỏ đều có trời. Cầu trời giúp đỡ cho bà con may mắn. Trồng lúa, lúa đầy bồ. Trồng ngô, ngô đầy sàn. Nuôi bò, bò đầy chuồng. Dân bản không ốm đau bệnh tật…”.
Cũng vẫn phương thức canh tác truyền thống phát đốt cốt trỉa nhưng luôn tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong bảo vệ di sản, đồng bào không còn du canh tự do như mấy chục năm về trước mà chỉ sản xuất quanh quẩn trong khu vực đã khai phá lâu nay. Mỗi gia đình ở đây sẽ chia vùng đất mình đang có thành nhiều phần để sản xuất luân phiên, cứ ba năm một chu kỳ. Mỗi vuông rẫy trồng trỉa ba mùa, xong thì chuyển sang canh tác vuông rẫy khác trong ba mùa tiếp theo. Những rẫy cũ qua quá trình trồng trọt, đất bị mất hết chất sẽ được nghỉ ngơi cho các loại thực bì tái sinh. Khi trở lại sản xuất sau ba năm tới, đồng bào tiến hành phát đốt lớp thực bì tự nhiên này để tạo mùn, tăng dinh dưỡng cho đất trước khi cốt trỉa.
Những vuông rẫy chênh vênh bên triền núi đổi màu theo tiết nắng, tiết mưa, theo thì phát triển của đời cây, xanh thì xanh ngăn ngắt, vàng thì óng ả rực rỡ, xen lẫn giữa những khối núi đá vôi uy nghi trầm mặc làm cho khung cảnh vùng biên đẹp như tranh. Rẫy nhà Y Khác cách bản hai quãng núi. Hôm nào đi làm em sẽ bắt đầu từ sáng sớm, địu con cùng, mang theo cơm nắm và ở lại đến chiều. Tập quán canh tác lúa rẫy của đồng bào Ma Coong thật đơn giản, trỉa giống xong là coi như hết việc. Y Khác nói rằng, “Cứ để hắn tự lớn, khi mô vàng thì lên tuốt”. Cây lúa rẫy sinh trưởng, phát triển thật thuần khiết, nảy mầm, bén xanh, đẻ nhánh, đâm bông, kết hạt… trên vùng đất biên cương. Trời ban gì được nấy, nắng hưởng nắng, mưa hưởng mưa, tự nhiên sinh tồn và dâng hiến. Không làm cỏ. Không bón phân. Không thuốc trừ sâu các loại. Hữu cơ toàn tập. Hạt lúa ở đây tuy hiếm hoi vì năng suất thấp nhưng là tinh túy của hương đất, khí trời, ngọt ngào như giọt sương rừng buổi sớm mai.
Tộc Ma Coong ở xã Thượng Trạch nói riêng và dân tộc Bru Vân Kiều nói chung hiện đang bảo tồn và gìn giữ nhiều lễ hội và tập tục khác biệt. Hầu như các tập tục, lễ hội ấy đều được bắt nguồn từ phương thức canh tác lúa rẫy. Người Ma Coong sống thuận tự nhiên như cây rừng, không mưu cầu dư thừa vật chất và đặt nhiều niềm tin vào trời đất, thần linh nên hầu như một công việc gì động chạm đến núi rừng, đất đai, đồng bào đều tổ chức một cái lễ nhỏ để kính báo. Mùa gieo hạt có Lễ lấp lỗ. Mùa thu hoạch có Lễ Tuốt lúa. Mừng vụ mùa bội thu, tạ ơn trời đất có Lễ cơm mới. Cầu mưa thuận gió hòa có Lễ đập trống. Một mùa rẫy của đồng bào thường kéo dài khoảng hơn 6 tháng. Tháng ba trỉa giống. Tháng mười tuốt hạt. Quãng thời gian giữa ấy không làm gì. Chỉ đến khi lúa vào chắc và ngả chín trong mỗi gia đình mới cử người lên canh rẫy, để xua đuổi thú rừng về cắn phá, thường đó là những chàng thanh niên, cô thiếu nữ có sức khỏe và rảnh rang. Đã có nhiều cuộc hò hẹn bắt đầu từ những đêm canh rẫy. Giữa rừng thanh vắng tịch liêu, người con trai cảm thấy cô đơn bèn thả một điệu si nớt diết da cưa cẩm: “Anh thấy em như đêm trăng mười sáu/ Lòng anh rạo rực muốn yêu/ Em ngủ chòi đồi anh muốn đi cùng/ Em nghỉ chòi sông anh muốn sang chơi/ Em ở dưới nước, anh muốn soi bóng hình mình xuống/ Em đứng giữa bãi tranh, anh cũng muốn cuốn bãi tranh mang về”. Tiếng hát vang trong không gian mênh mông, chập chờn bay trên vòm cây, băng qua những vuông rẫy rồi dừng lại một mái chòi nào đó làm xao xuyến trái tim người con gái đang rừng rực xuân thì. Một giọng trong trẻo đung đưa sẽ vẳng lại: “Em yêu anh, anh ơi! Anh lên núi cao dựng đứng/ Em một mực ngước mắt trông theo/ Em yêu anh, anh ơi! Anh vượt động tranh, em cũng vói mắt nhìn theo/ Anh đi khuất sau đèo cao, lòng em chỉ muốn chạy theo/ Ước mong hai người cùng đi một đường/ Ngồi chung dưới một vòm cây…”. Tiếng hát đưa đường cho nhiều đôi trai gái đến với nhau. Y Khác đã lấy chồng từ một đêm hẹn hò như thế. Tục đi sim của người Bru Vân Kiều nói chung và người Ma Coong nói riêng bắt đầu từ những đêm canh rẫy trữ tình và nhiều bí ẩn.
Y Khác ngồi hong xôi bên bếp lửa. Đất trời biên cương cuối đông trở nên ấm áp hơn bởi làn khói bay lên từ những mái nhà. Cuối nương nhà ai cây đào rừng nở sớm. Bản nhỏ chừng rộn ràng hơn. Hỏi Y Khác, em trồng bao nhiêu héc-ta rẫy, thu bao nhiêu kilogam lúa. Em cười rất thiệt thà. Người Ma Coong không quen định lượng nên chẳng bao giờ đồng bào biết đến đơn vị tính. Chỉ nhớ nhà có mấy vạt rẫy, tuốt được mấy bao lúa. Rẫy lớn, rẫy bé cũng là một rẫy. Bao to, bao nhỏ cũng là một bao. Y Khác nói, mấy thì em có biết mô, đều với từng ni lúa thì từ chừ đến lễ hội đập trống Rằm tháng Giêng sang năm, nhà em sẽ đủ ăn, bếp nhà em sẽ không bao giờ tắt và ngoài sân bản không ngớt vang lên tiếng thì thụp giã gạo.
Đồng bào Ma Coong vốn không có thói quen dự trữ gạo nhiều trong nhà, thường là nấu ăn ngày nào thì giã ngày đó. Nếu giã nhiều hơn thì chắc chắn là có việc tụ tập đông người hoặc nấu một lần ủ vào giỏ mây để ăn trong nhiều ngày. Nhưng, vào dịp Tết thì khác. Sau mùa tuốt lúa tháng Mười, sân bản bao giờ cũng bận bịu. Những chiếc cối đẽo bằng thân cây cũ kỹ nhẵn bóng và vẹt mòn đặt dưới tán cây to giữa bản không có thời gian nghỉ ngơi. Nhà nào cũng cố giã nhiều gạo thêm một ít để tết được đủ đầy. Gì thì gì, ba ngày Tết là trong nhà không được tắt bếp, không được hết cơm nếp. Phải vậy cả năm mới được ấm áp, no đủ.
Chõ cơm mới hong bằng nếp rẫy của Y Khác vừa chín. Căn nhà nhỏ của em nghi ngút khói và đượm thơm. Y Khác vừa khéo léo vừa nhẹ nhàng xới nồi cơm của mình, trên gương mặt em rạng rỡ một sự biết ơn đối với những gì em gặt hái được. Chõ nếp này là món lễ thành tâm Y Khác dâng cúng để tạ ơn thần trời, thần rừng, thần núi, thần sông, thần cai quản đất đai đã cho em và dân bản những căn bếp ấm.
Tôi đã được Y Khác mời ăn cơm mới ở nhà em. Nếp rẫy chấm cùng cheo. Những hạt cơm trắng sữa tròn căng, tơi mềm cùng một mùi thơm rất khác. Bát cheo nhỏ được Y Khác giã nhuyễn từ muối trắng và ớt rừng. Thơm và ấm. Mặn và cay. Tất cả thanh khiết đến lạ lùng! Chẳng mong cầu gì hơn, với Y Khác và đồng bào Ma Coong, bếp ấm là đã Tết.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/bep-am-nha-y-khac-i679790/