Bếp lửa ngày mưa

Trong tiết trời ẩm ướt của ngày mưa dầm tháng ngâu, mẹ tôi vẫn cần mẫn nhóm lửa. Củi được thắp lửa bởi nắm lá khô trong vườn nhà đã được mẹ trữ sẵn. Sau những làn khói nghi ngút, củi bắt đầu cháy, bếp được làm ấm...

Bếp lửa ngày mưa thân thương đến lạ.

Bếp lửa ngày mưa thân thương đến lạ.

Trong mắt nhiều người, mẹ tôi quả là một người phụ nữ thôn quê bảo thủ, chẳng chịu thay đổi. Và tôi, cũng hơn một lần nghĩ như thế. Bà chẳng bao giờ chịu vứt hay là bán đi những thứ đồ đã cũ, không còn hợp thời. Từ những chiếc bát sứ cũ mèm, chiếc nồi nhôm méo mó, chiếc xe đạp lâu ngày không đi rỉ sắt, chiếc đài đã cũ... Tất cả dù chẳng còn giá trị sử dụng nhưng bà vẫn nhất quyết không bỏ, cứ cất vào một góc nhà kho.

Và cuộc sống ngày càng phát triển, khi mà bếp gas, bếp điện, bếp từ đã có thì bà vẫn cần mẫn nhóm lửa, nấu củi mỗi ngày. Bà gom từng nắm lá khô trong vườn nhà những ngày nắng, cho vào bao tải để dùng. Rồi lên ngọn đồi sau nhà nhặt nhạnh những cành củi khô về nấu. Mẹ tôi, dường như chẳng quan tâm đến sự hiện hữu của các loại bếp hiện đại. Hơn 70 tuổi, sống trong những tháng ngày của thế kỷ 21 phát triển nhưng lúc nào bà cũng chỉ lo thiếu gạo, thiếu củi, thiếu muối?!

Mỗi ngày sau khi thức dậy, bất kể ngày hè nóng bức hay ngày đông giá lạnh, việc đầu tiên bà làm là vào bếp nhóm lửa, khi củi đã cháy bén thì bà mới yên tâm để đó, đi làm việc khác.

Ngày nắng ráo mẹ tôi nấu bếp củi đã đành, ngày mưa củi ẩm ướt, nhóm được bếp nào có dễ. Vậy mà bà chẳng lấy đó làm ngại, vẫn cứ cần mẫn nhóm cho được.

Phải thú thật, dù mẹ tôi ngày nào cũng nhóm lửa nấu bếp củi, nhưng còn tôi thì đã rất lâu rồi, không ngồi vào bếp. Cho đến hôm nay, bên ngoài trời mưa tháng ngâu dầm dề, đi qua bếp củi của mẹ, tôi bất chợt nhớ mùi khói bếp, thích tiếng nổ lách cách của củi, của vỏ trấu và đặc biệt hơn, sẵn tiện có mấy bắp ngô nếp tươi dì mang vào, tôi thèm cảm giác được cầm chiếc que xiên vào bắp ngô, nướng trên than hồng. Cảm giác ấy, thân thương biết bao. Nghĩ như thế, nên tôi đã “chiếm dụng” bếp củi đang cháy rực của mẹ.

Cái cảm giác bên ngoài hiên bếp mưa không ngớt, giọt mưa theo mái bếp rớt xuống khiến tâm trạng con người chẳng khỏi não nề. Nhưng ở trong này, lửa vẫn cháy, hơi ấm khiến người ta dễ quên đi những muộn phiền và rồi, xúc cảm lại dễ rơi vào hoài niệm tuổi thơ.

Tôi nhớ, ngày nhỏ, vào những tháng mưa dầm dề thế này, kiểu gì nhà tôi cũng nấu nồi khoai khô. Là khoai, đậu, lạc, dừa, gạo nếp và cả chút đường nữa, tất cả được nấu trong chiếc nồi gang dầy, sau đó xông trên than hồng cho chín mềm. Rồi lại lấy chày giã nhuyễn, cuối cùng, mẹ sẽ nắm thành từng nắm nhỏ trong lòng bàn tay, chia cho các con. Mặc bên ngoài trời mưa cỡ nào thì trong nhà chúng tôi, nắm khoai khô nấu cũng đủ lấp đầy, làm ấm những chiếc bụng đói.

Nhắc đến món ăn bên bếp củi ngày mưa một thuở, còn có cả món ngô nâm nữa. Mẹ tôi hì hụi, lách cách, nâm ni trên bếp củi dễ đến cả buổi mới xong. Dĩ nhiên khi thành phẩm mang ra, cả nhà ai cũng thích mê...

Vậy mà thấm thoát, chẳng nhớ bao lâu rồi vào ngày mưa tháng bảy nhà tôi đã không còn nấu khoai khô, ngô nâm... Nghĩ đến đây, cái bụng háu đói của tôi bỗng cồn cào, tôi thấy thèm món ăn tuổi thơ. Vừa lúc mẹ đi vào bếp, tôi nói với mẹ, mưa thế này mà nâm ngô hay nấu khoai khô thì ngon mẹ nhỉ? Nói là vậy thôi, chứ tôi biết bây giờ mà đội mưa đi tìm mua mấy thứ đó, có lẽ cũng hết ngày. Ai ngờ, mẹ tôi bảo nhà có sẵn ngô nếp với đậu đen, để mẹ nấu...

Nghe mẹ nói vậy tôi vừa thích lại vừa hối hận. Mẹ tôi là kiểu phụ nữ mà chỉ cần các con nói thích ăn gì đó, trong khả năng thì bà sẽ kiếm cho bằng được. Nghĩ đến trời mưa, mẹ chẳng ngại lạch cạch đi nấu nồi ngô nâm...

Bếp củi của mẹ vẫn cháy đượm bất chấp bên ngoài trời mưa không ngớt. Ta bất chợt thấy, bếp lửa ngày mưa, sao thân thương đến thế!

Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/bep-lua-ngay-mua-32487.htm