Bị 22 bang kiện ra tòa: Cuộc chiến pháp lý đầu tiên của ông Trump
Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp, tuyên bố chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh đối với con cái của những người nhập cư bất hợp pháp, gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ.
Sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi
Các hãng truyền thông nước ngoài hôm 21/1 đưa tin, ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp có tiêu đề "Bảo vệ ý nghĩa và giá trị của quyền công dân Mỹ".
Sắc lệnh này quy định rằng hai nhóm người sẽ không còn tự động có được quyền công dân Mỹ khi sinh ra, gồm: những đứa trẻ có mẹ cư trú bất hợp pháp tại Mỹ và những đứa trẻ có người cha được sinh ra tại Mỹ nhưng không phải là công dân Mỹ, hoặc thường trú nhân hợp pháp tại thời điểm bé sinh ra và những trẻ có mẹ cư trú hợp pháp tạm thời nhưng cha không phải là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân hợp pháp tại thời điểm bé ra đời.
Ông Trump tuyên bố quy định này sẽ áp dụng đối với những trẻ sơ sinh được sinh ra tại Mỹ 30 ngày sau khi sắc lệnh hành pháp được ký.
Các quy định mới này ngay lập tức bị phản đối từ phía đảng Dân chủ và các nhóm bảo vệ quyền của người nhập cư. Liên minh tự do dân sự Mỹ (ACLU), một tổ chức phi chính phủ ở các bang New Hampshire, Maine và Massachusetts, cùng một số nhóm ủng hộ quyền của người nhập cư, đã đệ đơn kiện tại Tòa án liên bang New Hampshire, yêu cầu tòa án phán quyết lệnh của ông Trump là vi hiến.
Các nhóm này tuyên bố trong đơn kiện: "Việc tước đoạt 'món quà vô giá' là quyền công dân của trẻ em là gây tổn hại nghiêm trọng, tước đi của chúng quyền trở thành thành viên chính thức của xã hội Mỹ".
Ngày 21/1 theo giờ địa phương, các Tổng chưởng lý của đảng Dân chủ từ 22 tiểu bang cũng đã đệ đơn kiện, nhằm ngăn chặn sắc lệnh của ông Trump. Tổng chưởng lý đảng Dân chủ New Jersey Matthew J. Platkin cáo buộc Tổng thống Trump đã có "biện pháp quá cực đoan" và nói rằng: "Tổng thống không thể bãi bỏ Tu chính án thứ 14 chỉ bằng một chữ ký".
18 tiểu bang bao gồm New Jersey, Massachusetts, California, New York, Connecticut, Rhode Island, Michigan, Colorado, Delaware, Nevada, Hawaii, Maryland, Maine, Minnesota, New Mexico, Vermont, Wisconsin, North Carolina, và hai thành phố San Francisco, Washington, D.C. đã đệ đơn kiện lên Tòa án liên bang tại Massachusetts.
4 tiểu bang Arizona, Oregon, Illinois và Washington đã đệ đơn kiện lên Tòa án Liên bang khu vực Tây Washington để thách thức sắc lệnh hành pháp của Trump.
Nicholas W. Brown, một đảng viên Dân chủ tại tiểu bang Washington, cho biết lệnh của ông Trump sẽ tước quyền công dân của 150.000 trẻ sơ sinh mỗi năm, "khiến chúng trở thành những người nhập cư bất hợp pháp ngay từ khi sinh ra và có khả năng khiến chúng trở thành công dân không quốc tịch".
Tiêu điểm của các vụ kiện tập trung vào việc liệu bất kỳ ai sinh ra tại Mỹ đều có quyền được hưởng quốc tịch Mỹ hay không. Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, được thông qua năm 1868, nêu rõ: "Tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch và chịu sự quản lý của Mỹ đều là công dân của Mỹ và của tiểu bang nơi họ cư trú".
Tòa án Tối cao Mỹ từng thụ lý một vụ án quan trọng về quyền công dân theo nơi sinh vào năm 1898, phán quyết rằng Hoàng Kim Đức (Wong Kim Ark), một người Trung Quốc nhập cư sinh ra ở San Francisco, là công dân Mỹ vì ông sinh ra tại đây. Tuy nhiên, phải đến năm 1924, Quốc hội mới cấp quyền công dân cho tất cả những thổ dân sinh ra tại Mỹ.
Cuộc chiến pháp lý đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ
Ông Trump đã đặt câu hỏi về phạm vi của Tu chính án thứ 14 trong Hiến pháp, với lập luận rằng con cái của những người không phải là công dân Mỹ không thuộc quyền tài phán của Mỹ.
Ông Trump nói trong sắc lệnh hành pháp của mình rằng Tu chính án thứ 14 "chưa bao giờ được hiểu là mở rộng quyền công dân nói chung cho tất cả những người sinh ra trong lãnh thổ Mỹ, nhưng luôn gạt bỏ ‘những người sinh ra trong lãnh thổ nhưng không thuộc quyền tài phán của Mỹ’ ra ngoài quyền công dân”.
Nhưng những người phản đối không đồng ý với lời giải thích của ông Trump. Tổng chưởng lý đảng Dân chủ Connecticut William Tong nói: “Tu chính án thứ 14 nêu rõ hàm nghĩa của nó, nếu bạn sinh ra trên lãnh thổ Mỹ, bạn là người Mỹ; về vấn đề này không có bất cứ không gian tranh luận pháp lý hợp pháp nào”.
Chính quyền Trump cáo buộc những người phản đối là "những phần tử theo chủ nghĩa cực tả". Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Harrison Fields cho biết chính quyền Trump đã sẵn sàng đối mặt với các tiểu bang tại tòa án: "Hoặc họ chọn đi ngược lại trào lưu và từ chối ý chí áp đảo của người dân Mỹ, hoặc gia nhập phe của Tổng thống Trump và hợp tác với ông ấy”.
Tờ New York Times bình luận rằng những vụ kiện này đánh dấu sự khởi đầu của một "cuộc chiến pháp lý" xoay quanh chính sách nhập cư của chính quyền Trump.
Reuters chỉ ra rằng vụ kiện nhắm vào nội dung cốt lõi của chính sách toàn diện của ông Trump nhằm trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp. Những người phản đối ông Trump đang cố gắng ngăn cản ông thực hiện chương trình nghị sự của mình. Đây sẽ là trận chiến pháp lý lớn đầu tiên sau khi chính quyền Trump 2.0 nắm quyền.