Bí ẩn cặp rồng đá mất đầu ở thành Nhà Hồ

Quần thể di tích thành Nhà Hồ ẩn chứa nhiều câu chuyện kỳ bí đến nay chưa ai lý giải hết được. Trong đó phải kể đến đôi rồng đá mất đầu và 5 giả thiết được đặt ra quanh câu chuyện này.

Thành Nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) là một công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam, một di sản, biểu tượng tiêu biểu của những công trình thành cổ. Thành được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, còn được gọi là Tây Đô (hay Tây Giai) để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long- Hà Nội).

Thành Tây Đô ẩn chứa nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Trong những bí ẩn đó là đôi rồng đá bị mất đầu... Vào năm 1938, khi người Pháp làm một con đường nội bộ để thuận tiện việc đi lại trong thành thì phát hiện đôi rồng này. Đến nay, nếu đi từ cổng phía Nam sang cổng phía Bắc của tòa thành, mọi người rất dễ dàng nhận ra ở ngay trung tâm thành có đôi rồng đá được đặt song song nhưng đã bị mất đầu nằm chính giữa.

Bí ẩn về đôi rồng đá mất đầu ở Thành Nhà Hồ đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Bí ẩn về đôi rồng đá mất đầu ở Thành Nhà Hồ đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Đôi rồng có chiều dài 3,8m, được làm bằng chất liệu đá, khắc rất tỉ mỉ, thân rồng thon nhỏ, uốn bảy khúc, vây và lưng đều, nhỏ, trông rất đẹp. Rồng có 4 chân, mỗi chân có 3 móng với các vân mây mềm mại. Phần đầu của đôi rồng đá này đã bị mất, giờ chỉ còn bờm uốn lượn chín nếp. Dưới phần bụng được trạm trổ những ô tam giác nhỏ hình hoa cúc và móc hoa ghép nhau tạo thành bậc. Đây được xem là đôi rồng đá lớn nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam được phát hiện.

Ai đã chặt đầu rồng? Cho đến nay có khá nhiều lý giải về việc này. Người thì cho rằng, sau khi xâm lược nước ta, quân Minh đã chặt đầu rồng, biểu tượng quyền lực của nhà Hồ để thể hiện sự diệt vong của vương triều này.

Lại có người cho rằng việc này là do những người bất đồng chính kiến với nhà Hồ gây ra. Một ý kiến khác nhận định, thời kỳ mới chiếm đóng nước ta, người Pháp bắt dân trong vùng hàng tháng, hàng năm phải trải chiếu hoa trên con đường dẫn tới đôi rồng đá.

Người dân bức xúc mà chặt đầu rồng? Còn có một cách lý giải lưu truyền trong dân gian khá thú vị. Một cụ ông cao niên trong làng kể rằng, có một thời kỳ làng Xuân Giai (nằm ở cổng Nam, thuộc xã Vĩnh Tiến) thường xuyên bị cháy nhà, người dân cho rằng do rồng quay đầu về làng mình phun lửa gây ra cháy nhà nên đã chặt đầu rồng!?

Đây được xem là đôi rồng đá lớn nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam được phát hiện.

Đây được xem là đôi rồng đá lớn nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam được phát hiện.

Người dân xứ Thanh còn truyền tai nhau câu chuyện, tương truyền trong mắt rồng ở cung cấm thường có yểm rất nhiều vàng ngọc châu báu. Một đêm, lợi dụng lúc trời sầm sập đổ mưa, trong thành hoang vắng không bóng người qua lại, hàng chục tên đạo tặc bịt mặt với đao trên tay đã chặt đầu đôi rồng mang đi xa rồi đập nát để tìm ngọc quý. Cũng chẳng ai nhớ nổi đó là năm nào?

Theo ông Nguyễn Văn Long – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, ngoài đôi rồng đá bị mất đầu trong Nội thành, trong quá trình khai quật cũng như sưu tầm, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ cũng đã phát hiện một số con vật khác bị mất đầu như sấu đá, nghê đá. Việc những con vật này mất đầu cũng chưa có bất cứ sử sách hay công trình nghiên cứu nào lý giải.

Đánh giá về đôi rồng đá ở thành Nhà Hồ, nhiều nhà sử học ở Thanh Hóa bày tỏ, đây là đôi tượng rồng đá lớn nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam được phát hiện, có nghệ thuật chạm khắc tinh xảo với đặc điểm khỏe khoắn, đầy đặn và độc đáo như rồng được chạm khắc trên thềm bậc ở Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa).

Gia Hân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bi-an-cap-rong-da-mat-dau-o-thanh-nha-ho-169240202161335629.htm