Bị cáo Hồ Bửu Phương: 'Giải quỹ' từ lâu đã thành nếp hoạt động của công ty
Trước tòa, bị cáo Hồ Bửu Phương khai rằng, 'giải quỹ' là việc làm từ lâu đã thành nếp hoạt động của công ty, không 'giải quỹ' thì không rút tiền ra được.
Tiếp theo, các luật sư làm rõ vai trò, trách nhiệm và hành vi dẫn đến sai phạm của các bị cáo Nguyễn Phương Anh (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula), Hồ Bửu Phương (cựu Phó Tổng giám đốc tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Đặng Phương Hoài Tâm (cựu Trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Các bị cáo này bị truy tố về tội “Tham ô tài sản”.
Liên quan đến việc "giải quỹ", đối với số tiền mà Ngân hàng SCB giải ngân cho các công ty thuộc “hệ sinh thái” Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo Hồ Bửu Phương khai rằng từ lâu đã thành nếp hoạt động của công ty.
Cáo trạng nêu các bị cáo "giải quỹ" bằng cách lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, trong đó, các công ty “ma” được thụ hưởng tiền giải ngân hứa mua cổ phần của các cá nhân (được thuê đứng tên sở hữu cổ phần của công ty “ma” khác). Sau khi ký hợp đồng, các cá nhân sẽ đến SCB ký chứng từ rút tiền. Công ty thụ hưởng hứa mua cổ phần chỉ hạch toán vào mục “các khoản phải thu”, không làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng cổ phần nên không phát sinh thuế, tránh việc bị cơ quan thuế phát hiện sai phạm.
Bị cáo Hồ Bửu Phương nói: bị cáo hiểu "giải quỹ" là đưa tiền của công ty ra khỏi công ty nhưng sau đó vẫn trở về. Tuy nhiên, bị cáo này cho biết không được giao trách nhiệm theo dõi dòng tiền có quay trở lại hay không.
Nhưng khi luật sư hỏi bà Trương Mỹ Lan về việc "giải quỹ", bà Lan lại cho rằng bị cáo Hồ Bửu Phương không biết gì về giải ngân, "giải quỹ". Việc làm của Hồ Bửu Phương là thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng (Giám đốc Ngân hàng SCB, Chi nhánh Sài Gòn, đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự).
Theo cáo trạng, Hồ Bửu Phương là Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Đầu tư Vạn Thịnh Phát từ năm 2013 đến 31/7/2020. Ngoài các nhiệm vụ chuyên môn về tài chính, Phương còn được Trương Mỹ Lan chỉ đạo, giao nhiệm vụ phối hợp với Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Nguyễn Phương Anh và các cá nhân liên quan lên phương án "giải quỹ" đối với số tiền đã được Ngân hàng SCB giải ngân vào tài khoản các Công ty thụ hưởng tiền theo phương án vay khống để Trương Mỹ Lan sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Để giải quỹ, các bị cáo lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, trong đó, các Công ty “ma” được thụ hưởng tiền giải ngân hứa mua cổ phần của các cá nhân (được thuê đứng tên sở hữu cổ phần của Công ty “ma” khác). Sau khi ký hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần và chuyển tiền, các cá nhân sẽ đến Ngân hàng ký chứng từ rút tiền; Công ty thụ hưởng hứa mua cổ phần chỉ hạch toán vào mục “các khoản phải thu”, không làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng cổ phần nên không phát sinh thuế, tránh việc bị Cơ quan Thuế, Cơ quan Thanh tra kiểm tra phát hiện sai phạm.
Mỗi khi cần sử dụng khoản tiền lớn, Nguyễn Phương Anh báo cáo, xin ý kiến Hồ Bửu Phương để tạo lập các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần. Những lúc như vậy bà Lan sẽ triệu tập Hồ Bửu Phương và Trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Hà Thục Kim hoặc Đặng Phương Hoài Tâm) và Phan Chí Luân, nhân viên Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để tổ chức họp, thống nhất danh sách, số lượng cổ phần và đơn giá cổ phần tham gia hứa chuyển nhượng cổ phần.
Sau đó Văn phòng HĐQT trình ra danh sách các công ty, cá nhân sở hữu cổ phần để dự kiến tham gia hứa chuyển nhượng cổ phần. Bị cáo Phương đưa ý kiến về đơn giá áp cho cổ phần từng Công ty trên cơ sở đánh giá thời gian thành lập, quy mô vốn, tài sản hiện có (đơn giá cổ phần đối với các Công ty mới thành lập, không có tài sản với mức 10.000 đồng/cổ phần đến 30.000 đồng/cổ phần) để bị cáo Lan tham khảo và quyết định.
Trên cơ sở ý kiến của Hồ Bửu Phương, Nguyễn Phương Anh tạo lập các hợp đồng hứa mua, hứa bán cổ phần giữa các công ty (do Phương Anh phụ trách) đã đứng tên vay vốn Ngân hàng SCB, để rút tiền sau khi được giải ngân. Hồ Bửu Phương yêu cầu Phương Anh làm việc với Phan Chí Luân để lấy phương án hứa chuyển nhượng cổ phần, cùng Luân rà soát các công ty (để tránh tình trạng sở hữu chéo cổ phần giữa các công ty) và áp đơn giá cổ phần tương đối theo quy mô, thời gian thành lập và tài sản của công ty mà bị cáo Luân đã lập theo hướng dẫn và công thức của bị cáo Phương.
Kết quả điều tra xác định: Trong thời gian từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 31/7/2020, Nguyễn Phương Anh đã báo cáo, xin ý kiến Hồ Bửu Phương để tạo lập các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần đối với 277 khoản vay của 118 công ty tại SCB, đến ngày 17/10/2022, còn dư nợ gốc là gần 216.983 tỷ đồng và nợ lãi hơn 99.228 tỷ đồng. Trong đó, số tiền được rút ra dưới hình thức tạo lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống là 190.771,5 tỷ đồng.