Bi kịch của những đứa trẻ tham gia 'thí nghiệm bị cấm' - Kỳ 1
'Thí nghiệm bị cấm' là tên gọi dành cho những nghiên cứu mà trong đó người ta cố tình không cho trẻ em tiếp xúc với ngôn ngữ – hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền con người.
Kỳ 1: Victor và nghiên cứu thất bại
Theo trang historydefined.net, từng được các vua chúa và học giả khắp thế giới tiến hành, “thí nghiệm bị cấm” nhằm khám phá nguồn gốc ngôn ngữ đã để lại nhiều bi kịch. Những đứa trẻ bị cô lập, bị tước đi ngôn ngữ và sự chăm sóc, cho thấy ranh giới đạo đức mà khoa học không được phép vượt qua.
Nhận thức hiện đại của chúng ta về tâm lý học được xây dựng dựa trên các nghiên cứu và thí nghiệm trước đây. Tuy nhiên, không phải thí nghiệm nào cũng đạt được mục tiêu mang lại thêm kiến thức cho con người.
Thực tế, một số thí nghiệm lại cho thấy điều ngược lại: phương pháp thử nghiệm đôi khi có thể gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích. Những thí nghiệm như vậy cần bị loại bỏ vì lý do đạo đức và luân lý.
Năm 1980, học giả người Mỹ Roger Shattuck đã xuất bản cuốn sách "The Forbidden Experiment" (tạm dịch: Thí nghiệm bị cấm). Cuốn sách là cuộc điều tra về cuộc đời của một cậu bé tên là Victor vùng Aveyron, sống ở Pháp vào thế kỷ 19.

Hình vẽ Victor trên bìa cuốn sách của tác giả Roger Shattuck. Ảnh: Wikipedia
Victor không có gia đình hay người chăm sóc. Cậu sống bên ngoài nền văn minh nhân loại, trở thành đối tượng hiếu kỳ với dân làng Aveyron.
Là một đứa trẻ hoang dã, Victor sống như một con thú. Cậu sống sót nhờ ăn trộm thức ăn từ ruộng và lều của nông dân. Khi dân làng tìm cách bắt cậu, họ sớm phát hiện ra Victor không thể nói tiếng Pháp hay bất kỳ ngôn ngữ nào.
Không lâu sau khi Victor được phát hiện, một tu viện trưởng đồng thời là giáo sư sinh học địa phương, ông Pierre Joseph Bonnaterre, đã kiểm tra cậu bé. Ông cởi quần áo của cậu và dẫn ra ngoài trời tuyết. Trái với kỳ vọng, Victor không hề tỏ ra khó chịu mà còn vui đùa trần truồng giữa tuyết. Ông Bonnaterre cho rằng cậu bé đã quen với tình trạng này và quen với giá lạnh.
Ủy viên chính quyền địa phương, ông Constans-Saint-Esteve, cũng quan sát cậu bé và viết rằng có một điều gì đó kỳ lạ trong hành vi của cậu, khiến cậu có vẻ gần với trạng thái của loài thú hoang.
Sau đó, Victor được đưa đến thị trấn Rodez. Tại đây, hai người đàn ông đều đã mất con trai trong Cách mạng Pháp đã tìm đến để xác nhận xem liệu Victor có phải là con trai đã mất của họ hay không. Tuy nhiên, không ai trong số họ nhận cậu bé.
Người ta cho rằng Victor đã sống hoàn toàn cô lập từ khoảng năm lên bốn hoặc năm cho đến khi khoảng 12 tuổi, là độ tuổi có thể cậu đã bị bắt tại khu rừng Caune. Điều đó có nghĩa là cậu bé có thể đã sống trong môi trường hoang dã suốt bảy năm.
Mặc dù rõ ràng Victor nghe được, nhưng cậu vẫn được đưa đến Viện Quốc gia dành cho người điếc ở Paris để phục vụ cho nghiên cứu của nhà giáo dục nổi tiếng Roch-Ambroise Cucurron Sicard.
Ông Sicard cùng các thành viên của Hiệp hội Người Quan sát Con người tin rằng việc vừa nghiên cứu vừa giáo dục cậu bé sẽ giúp họ tìm ra bằng chứng cho thuyết kinh nghiệm – một lý thuyết tri thức đang trở nên phổ biến khi đó.
Trong bối cảnh thời kỳ Khai sáng, khi giới trí thức tranh luận về điều gì phân biệt con người với loài vật và một trong những yếu tố then chốt là khả năng học ngôn ngữ.
Việc nghiên cứu cậu bé cũng được kỳ vọng giúp làm sáng tỏ mối quan hệ giữa con người và xã hội.
Dù đã được tiếp xúc với xã hội và giáo dục, nhưng Victor vẫn hầu như không có tiến bộ tại cơ sở do ông Sicard quản lý. Nhiều người nghi ngờ khả năng học tập của cậu do tình trạng ban đầu.
Sau khi ông Sicard trở nên thất vọng khi cậu bé thiếu tiến triển, Victor được để mặc tự do đi lại trong cơ sở đó, cho đến khi sinh viên y khoa trẻ tuổi tên là Jean Marc Gaspard Itard quyết định đưa cậu về nhà riêng để theo dõi sự phát triển và viết báo cáo.
Itard tin rằng có hai điều phân biệt con người với loài vật: sự đồng cảm và ngôn ngữ. Anh muốn “khai hóa” Victor với mục tiêu dạy cậu biết nói và biết biểu đạt cảm xúc như con người.
Ban đầu, Victor có tiến bộ rõ rệt trong hiểu ngôn ngữ và đọc được các từ đơn giản, nhưng không thể vượt qua mức độ sơ khai. Itard viết: “Trong hoàn cảnh này, tai cậu bé không phải là cơ quan để cảm nhận âm thanh, cách phát âm hay kết hợp cả hai điều này. Tai chỉ đơn thuần là một phương tiện tự bảo vệ, giúp cảnh báo khi có thú dữ đến gần hay khi trái cây rừng rơi xuống”.
Hai cụm từ duy nhất mà Victor thực sự học đánh vần được là lait (sữa) và Oh, Dieu (Lạy Chúa).
Mặc dù Victor không học được cách nói ngôn ngữ mà Itard cố truyền đạt, nhưng dường như cậu đã có tiến bộ trong hành vi đối với người khác. Một buổi tối tại nhà Itard, người quản gia tên là bà Gúerin đang dọn bàn ăn thì bật khóc vì thương nhớ người chồng đã khuất. Victor đã dừng việc mình đang làm và thể hiện hành vi an ủi bà. Itard đã ghi lại sự tiến bộ này trong báo cáo.
Trong sáu năm, Itard đã cố dạy Victor cách nói, nhưng mọi nỗ lực đều vô ích. Khi đã rõ ràng rằng cậu bé sẽ không bao giờ có thể giao tiếp ngoài vài dấu hiệu cơ bản và tiếng gầm gừ, Victor được giao cho một người giám hộ vào năm 1806. Victor qua đời vì viêm phổi khi 40 tuổi.
Cuốn "The Forbidden Experiment" của Shattuck đã phân tích câu chuyện của Victor và những câu hỏi cuốn sách này đặt ra trong các lĩnh vực tâm lý học, giáo dục và phát triển trí tuệ. Nhiều câu hỏi trong sách vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.
Ví dụ, chuyện gì xảy ra nếu một đứa trẻ không được xã hội hóa? Trẻ em học ngôn ngữ như thế nào? Liệu có thể dạy dỗ một đứa trẻ mà không có ngôn ngữ không? Câu chuyện về Victor cho thấy không có câu trả lời dễ dàng nào cho những câu hỏi ấy.
Xét trên nhiều phương diện, Victor là đối tượng nghiên cứu lý tưởng. Cậu hoàn toàn xa lạ với tương tác con người và thiếu kỹ năng ngôn ngữ cơ bản. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực bền bỉ của những chuyên gia như Itard, kết quả lại không thuyết phục.
Kết luận duy nhất mà ông Shattuck có thể rút ra là: không thể nghiên cứu một trường hợp như Victor trong điều kiện có kiểm soát.
Để tái tạo hoàn cảnh của Victor, các nhà nghiên cứu cần phải tước bỏ khỏi đứa trẻ những yếu tố cơ bản tạo nên con người như khả năng tương tác, học hỏi và sẻ chia với đồng loại. Đó là lý do vì sao Shattuck gọi nghiên cứu về tước đoạt ngôn ngữ ở trẻ em là “thí nghiệm bị cấm”.
Thực hiện “thí nghiệm bị cấm” đồng nghĩa với việc chà đạp lên quyền con người của đối tượng. Trong lịch sử từng ghi nhận một vài trường hợp trẻ em như Victor, tức là không có kỹ năng xã hội hoặc ngôn ngữ, nhưng những trường hợp đó rất hiếm. Dù thí nghiệm này có thể hấp dẫn đến đâu, sự tàn nhẫn vốn có của nó vẫn khiến người ta phải kết luận rằng nghiên cứu như vậy cần bị cấm vĩnh viễn.
Đón đọc kỳ cuối: Những đứa trẻ bị tước đoạt ngôn ngữ