Bi kịch cuộc đời văn hào

Stefan Zweig viết trong 'Ba bậc thầy' rằng cảm nhận thoạt tiên khi tiếp cận Dostoevsky, ông có vẻ là một con người đáng sợ, nhưng ngay sau đó, tầm vóc cao cả của ông lộ diện.

 Tranh minh họa Fyodor Dostoevsky. Ảnh: Gnoori Design.

Tranh minh họa Fyodor Dostoevsky. Ảnh: Gnoori Design.

Định mệnh đời Dostoevsky, ban đầu cũng dường như vừa khủng khiếp vừa tầm thường; như thể nó chứng thực cho lời phán truyền khắc trên gương mặt trông như gã nông dân trần tục ấy. Ban đầu chúng ta không thể không thấy rằng đời ông là kiếp đọa đày dài đằng đẵng và vô nghĩa lý.

Cảnh bần cùng cướp đi tuổi thơ ngọt ngào và tuổi già thư thái của ông; cơn đau ốm mài mòn sinh lực và cảnh thiếu thốn tàn phá vóc dáng ông; chân tay ông co giật bởi những cơn kích động bùng phát; đam mê được thổi bùng lên bởi luồng gió dục vọng không ngừng nghỉ.

Chẳng nỗi giày vò nào chịu buông tha; nên làm sao ông thoát nổi kiếp đọa đày. Bầy nữ thần Erinys tuồng như có mối thù không thương tiếc với ông. Mà khi nhìn lại đời ông ta mới thấy số phận thật khắc nghiệt bởi nó phải kìm hãm thứ gì đó vĩnh cửu thoát ra từ thân xác phàm tục kia, phải sử dụng đến cả vũ lực để đàn áp thế lực kiêu hùng đến vậy.

Dostoevsky nào có được sải bước trên con đường bằng phẳng như bao đại văn hào thế kỷ 19 được phép làm; ông là trò đùa của số phận, đối thủ của vị thánh thần với tính khí thất thường thích đọ sức với kẻ ngoan cố nhất. Chúng ta phải tìm về với phần biên niên sử trong Cựu ước, về thời đại anh hùng, mới tìm thấy thứ gì đó đáng so sánh với định mệnh của Dostoevsky.

Chẳng mang nét hiện đại, cũng chẳng thấy dấu hiệu của sự an nhàn và thư thái thuộc về tầng lớp trung lưu trong câu chuyện đời ông. Ông chẳng bao giờ được phép tin vào chính mình, chẳng bao giờ được hưởng thời khắc thư nhàn, bởi ông lúc nào cũng hiểu rằng Đấng Toàn Năng trừng phạt như thế là vì người có lòng tốt yêu thương mình. Không phút giây nào ông được bình yên và hạnh phúc, bởi con đường dẫn lối ông đi là để tiến đến cõi vô định.

Dường như có đôi lần, các đấng linh thiêng kìm kẹp đời ông đã động lòng, đã định để kẻ phải hứng chịu cơn thịnh nộ được thanh thản rong ruổi trên con đường bình dị; nhưng trước khi ông kịp đặt chân lên đó để có thể kề vai thích cánh cùng những kẻ phàm tục khác, thì bàn tay thù hận lại chộp lấy, quẳng ông về lại bụi cây bốc cháy.

Ông bị đưa lên cao, rồi lại ngã sâu hơn xuống vực thẳm: phải thế ông mới lĩnh hội được cơn ngây ngất và nỗi tuyệt vọng. Ông bị cầm giữ trên những nấc thang cao nhất của hi vọng nơi những bóng hồng nhan lụi tàn trong khoái lạc, rồi bị quẳng xuống vực thẳm mê muội nơi bao kẻ bị vò xé vì khổ đau.

Hệt như Job, một lần nữa, ông liên tục bị giẫm đạp vào chính cái thời khắc cảm thấy yên ổn nhất; mất vợ con; khổ sở vì bệnh tật, bị xem thường và khinh miệt, khiến ông không biết bao lần phải trần tình việc làm của mình trước Chúa, và dùng sự nổi loạn triền miên và niềm tin cháy bỏng để minh định cho lòng mộ đạo bất diệt trong ông.

Có vẻ như, trong thời đại thờ ơ lãnh đạm này, nếu chọn ra ai đó để chứng tỏ cho thế gian này biết khoái lạc và khổ đau vẫn bày ra ngay trước mắt ta đây; đó phải là Dostoevsky, con người sở hữu ý chí mãnh liệt cuộn trào như dòng nước xiết. Cái thân xác ốm o, tàn tạ kia có thể quằn quại run rẩy, những cơn thống khổ có thể cất tiếng kêu chua xót qua lời thư khi này khi khác; nhưng cuộc khởi loạn bất chợt ấy đều bị tinh thần và đức tin dập tắt.

Vị thần huyền bí trong Dostoevsky, nhà hiền triết trong ông, nhận ra bàn tay nào giày vò mình, và ông thấu tỏ ý nghĩa bi thảm và kinh hoàng đổ lên số phận mình. Qua cơn đam mê của ông, yêu thương hóa thành nỗi đau: ông đã điểm thêm vào thời đại và vũ trụ quan của mình bằng cơn giày vò thôi thúc ấy.

Ba lần cuộc đời hất ông lên cao, chỉ để ném ông xuống dưới. Danh tiếng vẫy gọi ngay khi ông còn khá trẻ: tác phẩm đầu tay đã giúp tên tuổi ông được biết đến rộng rãi; nhưng gần như ngay lập tức ông bị chìm vào quên lãng, phải nếm cảnh tù đày, rồi chịu tù khổ sai (katorga) tận Siberia.

Trỗi dậy từ tăm tối, ông gây xôn xao nước Nga khi xuất bản Bút ký từ Nhà chết. Sa hoàng bật khóc khi khép lại trang sách; cả nước Nga tươi trẻ quần tụ quanh ông.

Thành lập tạp chí định kỳ, ông đưa con chữ của mình đến với toàn thể người dân Nga: một vài tác phẩm lớn ra đời. Ngay lập tức thân xác ông phải trải qua cơn giông tố, lâm vào cảnh nợ nần và phiền muộn, bị người ta săn đuổi ngay ngay trên chính quê hương; đau ốm làm kiệt quệ xác phàm; ông trở thành kẻ lang bạt kỳ hồ, lang thang khắp nẻo Âu châu, bị chính đồng bào mình quên lãng.

Rồi, sau bao năm tháng nhọc nhằn và túng thiếu, ông lại vươn lên thoát khỏi làn nước tù đọng của bần hàn và ghẻ lạnh: bài phát biểu đọc tại buổi lễ tưởng niệm Pushkin chứng tỏ địa vị bậc thầy tối cao của ông trên văn đàn, người soi đường cho quê hương xứ sở. Để từ đó về sau ngôi sao danh vọng đời ông không bao giờ tắt nữa.

Ấy vậy mà một bàn tay khác lại chìa ra xô ngã ông; thần chết cướp lấy ông, chỉ còn lại lòng mến mộ nhiệt thành của mọi người vây quanh cỗ quan tài ấy. Số phận chẳng còn cần gì ở ông nữa. [...]

Cái ác nghiệt vô tình đó khiến cuộc đời Dostoevsky vừa là tác phẩm nghệ thuật vừa là tấn bi kịch. Thành tựu của ông trong vai trò người nghệ sỹ biểu trưng cho toàn bộ số phận của ông, mà ở đó nó mang hình hài đặc trưng như định mệnh đã sắp đặt. Chúng ta thấy ở đấy những nét tương đồng, đồng nhất và cả hình ảnh phản chiếu kỳ bí mà chẳng thể nào cắt nghĩa hay giải thích được.

Stefan Zweig / NXB Tri Thức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-kich-cuoc-doi-van-hao-post1366670.html