Bí mật của khối thuốc nổ 1.000kg dọc thân tàu không số
Dọc theo thân tàu không số, luôn được bố trí 1.000kg thuốc nổ, để khi không may bị địch phát hiện, bao vây thì thuyền trưởng sẽ điểm hỏa, xóa sổ mọi dấu tích của đoàn.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh
Với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh, mỗi chuyến tàu không số xuất bến đều mang theo một sứ mệnh sống còn - không chỉ là vận chuyển vũ khí, mà còn là bảo vệ tuyệt đối bí mật của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
Chỉ tay về bức ảnh trắng đen chụp con tàu không số giữa trùng khơi năm xưa, ông Hồ Đắc Thạnh khẽ đưa tay, rồi trầm ngâm như sống lại thời khắc sinh tử. Ông chậm rãi kể: "Dọc theo thân tàu luôn bố trí 1.000kg thuốc nổ, thể hiện rõ quyết tâm sắt đá của người lính hải quân".
Ba loại kíp nổ hóa học, đồng hồ định giờ và dây cháy chậm được lắp đặt song song, luôn trong trạng thái sẵn sàng. Bởi mỗi chuyến tàu không chỉ chở vũ khí, mà còn mang theo lời thề, nếu bị lộ, phải tự hủy để giữ trọn bí mật, giữ trọn niềm tin với Tổ quốc.
"Có thể sau vụ nổ, tôi và anh em sẽ hy sinh, nhưng tuyệt đối không để vũ khí, đạn dược rơi vào tay giặc. Càng không để bí mật của đoàn tàu không số bị lộ. Chúng tôi chấp nhận nằm lại biển khơi, miễn thế hệ sau còn được tiếp tục chiến đấu", ông Thạnh chia sẻ.
Bí mật được giữ bằng máu và thép giữa dòng nước lạnh lẽo
Lặng người hồi lâu, ông Thạnh chậm rãi nhấp một ngụm trà, giọng trầm xuống khi nhắc đến chuyến đi định mệnh buộc ông phải đưa ra quyết định khó khăn - ấn nút hủy tàu vào tháng 11/1966.
Khi ấy, ông là chỉ huy tàu 41, nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ Hải Phòng vào Bãi Ngang (Quảng Ngãi). Tình hình lúc đó vô cùng căng thẳng, địch ráo riết tuần tra, khiến kế hoạch ban đầu buộc phải thay đổi. Thay vì cập bờ như thường lệ, tàu phải thả hàng cách đất liền gần 2km. Những kiện vũ khí được gói cẩn thận, gia cố kỹ lưỡng để không bị trôi dạt.
Sau nhiều ngày vật lộn với sóng gió vì ảnh hưởng của bão, đến đêm 27/11/1966, tàu 41 do ông Thạnh chỉ huy cuối cùng cũng tiếp cận được vị trí đã định. Thời điểm ấy, màn đêm tối mịt, những đợt sóng gầm gào, cuộn trào dữ dội.

Ảnh tư liệu về tàu không số vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện vào miền Nam .
Khi thủy thủ đoàn đang khẩn trương thả hàng xuống biển, sóng vẫn không ngừng dội lên boong, có lúc trắng xóa cả mũi tàu.
"Con tàu chao đảo dữ dội, anh em phải vật lộn với những kiện vũ khí nặng nề giữa sóng gió. Tôi còn nhớ, một đợt sóng lớn đã hất thuyền phó Hồng Kỳ rơi từ boong xuống hầm chứa đạn. Dù bị thương và đau đớn, anh vẫn cố gắng gượng dậy, tiếp tục đôn đốc các chiến sỹ khẩn trương thả hàng", ông Thạnh nhớ lại.
Cũng theo vị cựu thuyền trưởng, thời điểm đó, khi mới thả xong 2/3 số hàng, hai chấm sáng bất ngờ lóe lên ở chân trời đen đặc - tàu địch xuất hiện, phát tín hiệu liên lạc. Ông lập tức ra lệnh dừng thả hàng, rút khỏi khu vực. Nhưng chưa kịp cơ động, một đợt sóng dữ ập đến, nhấc bổng con tàu rồi quật mạnh xuống biển, khiến thân tàu rung lên như sắp vỡ tan trong đêm lạnh.
Ít phút sau đó, người máy trưởng báo cáo với ông Thạnh: "Chân vịt của tàu bị sóng đập cong, không cơ động được".
Ông Thạnh kể tiếp, trong tình huống khẩn cấp ấy, ông Thạnh và các cán bộ nhanh chóng họp bàn. Một quyết định đau lòng, nhưng không còn lựa chọn khác: hủy tàu, giữ bí mật, bảo vệ an toàn cho số vũ khí đã thả.

Trung tá Hồ Đắc Thạnh kể về chuyến đi vào tháng 11/1966
Trong ký ức của vị thuyền trưởng, thời điểm đó, được chi ủy chi bộ thống nhất, ông Thạnh bố trí cho phần lớn thủy thủ đoàn rời tàu, bơi vào bờ. Còn ông và người máy trưởng ở lại làm nhiệm vụ điểm hỏa bộc phá, rời tàu sau cùng.
Trời dần hửng sáng, hai tàu địch hiện rõ, họng súng chĩa thẳng vào tàu 41. Ông cùng người máy trưởng để con tàu trôi khỏi khu vực giao hàng, rồi thả neo, hủy toàn bộ tài liệu mật, gài ba loại kíp nổ, hẹn 30 phút. Xong xuôi, ông và đồng đội lặng lẽ rời tàu, lặn mình vào làn nước lạnh buốt, bơi vào bờ.
Tiếng nổ long trời từ giữa biển vang lên như một khúc tráng ca, khép lại sứ mệnh của con tàu 41. Kèm theo đó là hỏa lực điên cuồng từ tàu địch trút về Bãi Ngang. 6 chiến sĩ gồm 2 người trên tàu và 4 du kích địa phương đã anh dũng hy sinh.
Hai ngày sau đó, khi địch rút, ông Thạnh quay lại bãi biển, lặng lẽ tìm thi thể đồng đội, chôn cất rồi bàn giao vị trí thả hàng cho bộ đội địa phương. Tiếp đó, ông đi bộ dọc Trường Sơn trở về miền Bắc, mang theo cả mất mát và những ký ức không thể nào quên.
Nghĩ lại, ông Thạnh vẫn xem chuyến đi ấy là may mắn giữa hiểm nguy bởi phần lớn vũ khí được giữ nguyên, nhiều chiến sĩ thoát nạn nhờ khoảng cách gần bờ. Nhưng sâu trong lòng, ông vẫn còn đó vết thương âm ỉ - nỗi đau mất đồng đội, nỗi nhớ không nguôi những người đã nằm lại giữa biển khơi.
Những kỳ tích của con tàu không số
50 năm sau ngày đất nước thống nhất, nhìn lại, Trung tá Hồ Đắc Thạnh, vẫn không giấu được niềm tự hào khi nhắc về đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường huyền thoại đã lập nên nhiều kỳ tích, đóng góp quan trọng vào thắng lợi trọn vẹn của dân tộc.

Tàu vận tải Đoàn 125 vận chuyển hàng hóa gián tiếp chi viện chiến trường miền Nam trong chiến dịch VT5, tháng 11/1968 (Ảnh tư liệu: Bảo tàng tỉnh Phú Yên).
Ông nhấn mạnh hiệu quả vượt trội của các chuyến tàu, với tỷ lệ giao hàng thành công lên đến 93%. Việc đưa hàng bằng đường biển không chỉ tránh được nhiều tuyến đồn bốt nguy hiểm, mà còn tiếp sức nhanh chóng cho lực lượng vũ trang và nhân dân vùng ven biển miền Nam.
Đặc biệt, tàu không số còn vận chuyển được những loại vũ khí "siêu trường, siêu trọng" mà đường bộ không thể làm được, như quả ngư lôi nặng tới 1.800kg được đưa vào miền Tây, góp phần đánh chìm tàu chiến địch.
"Con đường này vô cùng gian khổ, hiểm nguy, nhưng hiệu quả thì không gì so sánh được. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, một số kho vũ khí ở Cà Mau do tàu không số tiếp tế vẫn chưa kịp dùng hết", đôi mắt ông ánh lên niềm tự hào.

Trung tá Hồ Đắc Thạnh chia sẻ với thế hệ trẻ về những chuyến đi sinh tử của tàu không số.
Sau 50 năm đất nước được hoàn toàn giải phóng, người cựu binh sống cuộc đời bình dị giữa lòng quê hương yên ả. Ông trở về với đời thường bằng những bước chân chậm rãi, nhưng trong lòng vẫn vang vọng tiếng sóng năm xưa - nơi có đồng đội ngã xuống, nơi những chuyến tàu không số thầm lặng rẽ sóng vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc.
Dẫu năm tháng trôi đi, ký ức trong ông vẫn mãi không phai mờ. Trong từng câu chuyện kể, từng buổi nói chuyện truyền thống tại trường học, cơ quan hay bảo tàng, người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh luôn đau đáu một điều là truyền lại ngọn lửa yêu nước cho thế hệ trẻ bằng chính những gì mình đã trải qua, đã đánh đổi.
Ông mong lớp trẻ hiểu biết về giá trị của hòa bình, về lòng dũng cảm, và sự hy sinh âm thầm của bao người đi trước để Tổ quốc hôm nay được độc lập, thống nhất, tự do và hạnh phúc.
Theo tài liệu lưu trữ của Bảo tàng tỉnh Phú Yên, được trích từ cuốn sách "Huyền thoại tàu không số" do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật xuất bản có nêu:
"Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, để trực tiếp chi viện vũ khí, trang thiết bị và nhân lực cho cách mạng miền Nam, cùng với con đường vận tải dọc Trường Sơn, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở con đường vận chuyển chiến lược trên Biển Đông.
Từ cuối năm 1961 đến 1975, đã có hàng trăm "tàu không số" của Đoàn 759 (tức Đoàn 125 sau này) vượt biển, đưa được nhiều cán bộ, chiến sĩ, chở hàng chục nghìn tấn vũ khí cung cấp kịp thời và có hiệu quả cho quân dân ta ở Nam Bộ, Khu 6, Khu 5 và nhiều địa phương khác, những nơi mà vận chuyển bằng đường bộ khó lòng vươn tới, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc", trích từ sách "Huyền thoại tàu không số".