Tiếc thay tiếng hò sông Hậu đã đi vào dĩ vãng
Một thời, vào những đêm trăng thanh gió mát, tiếng hò huê tình vang vọng trên sông Hậu, sông Cần Thơ, cất lên từ những chiếc ghe xuồng thương hồ và những người mưu sinh, khởi nghiệp trên bến nước. Nhạc sĩ Phạm Duy từng nhận xét 'Hò ở Hậu Giang dài và có tính chất nghệ thuật hơn, nhất là ở miền Cần Thơ, trung tâm văn hóa của miền Nam…'. Thế nhưng ngày nay, tiếng hò Cần Thơ – hay tiếng hò sông Hậu – đã lùi vào dĩ vãng, chỉ còn lại trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhớ thời thơ ấu, tôi được má ru ngủ bằng những câu hò huê tình. Những câu hò ấy đã đưa tôi vào giấc ngủ êm đềm. Lớn lên, tôi nghe má kể lại rằng hồi những năm đầu thế kỷ 20, cuộc sống ở miệt sông Hậu rất khó khăn, người dân phải rày đây mai đó kiếm sống.
Người thì xuống ghe buôn bán, người thì chèo ghe, bơi xuồng tìm nơi làm thuê, làm mướn để sinh nhai. Cơm không đủ ăn, lấy đâu ra tiền học chữ, nên má tôi chẳng biết chữ nào. Vậy mà má lại thuộc rất nhiều câu hò huê tình để đối đáp khi xuôi ngược trên sông nước trong bước đường mưu sinh.
Má tôi kể, hồi sinh thời, không ít người như má – không biết chữ nào – nhưng khi gặp hò đối đáp là ứng khẩu thành lời, không thua ai. Tất cả những câu hò ấy đều là dân gian, ứng khẩu, nhưng ngôn từ thì mộc mạc, trau chuốt và rất hay. Các nhà nghiên cứu cho rằng lối hò huê tình Cần Thơ bình dị, dễ hò, dễ thuộc lòng, bởi lời văn ngắn, dễ đi vào lòng người. Về khúc thức, nó không rắc rối, phức tạp như các điệu hò khác, âm điệu dìu dặt trên thang 4 âm rê, pha, son, la (hò… ơ… ớ… ơ…).

Ghe xuồng trên sông vẫn ngược xuôi nhưng tiếng hò Sông Hậu gần như đã không còn?. Ảnh: Henry Dương
Tính chất của điệu hò không vui lắm, cũng không buồn lắm, mà man mác, du dương, trữ tình – đúng như ý nghĩa của chữ “huê tình” - một điệu hò có giai điệu và lời văn hoa mỹ, thể hiện nét giao duyên, tình tứ.
Theo những bậc cao niên kể lại, thời xa xưa đường bộ, đò giang cách trở nên đi đâu cũng bằng ghe xuồng. Đi buôn bán, đi làm thuê làm mướn, đi tìm kế sinh nhai đều phải chèo ghe, bơi xuồng hàng chục cây số. Ghe xuồng xuôi ngược trên sông cũng là dịp trai gái gặp nhau tỏ tình, hò đối đáp với nhau cho quên mỏi mệt vì việc chèo chống ghe trên đoạn đường dài.
Thường thì khi các chàng trai gặp các cô gái chèo ghe sẽ trêu chọc, mở lời "Hò ơ… (chớ) Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi/Kẻo khuất khúc sông này… (ờ), hò ơ… (chớ) kẻo khuất khúc sông này, bờ bụi tối tăm". Thế rồi ghe sau liền đáp "Ơ… Thuyền anh đã nhẹ/Chèo lẹ khôn theo/Khuyên anh bớt mái, khoan lèo chờ em… ơ…".
Chàng trai cũng liền đáp lại "Ơ… Đây đã chèo lơi, đang chờ người tri kỷ/Gặp nhau chuyện trò cho phỉ ước mơ… ơ…". Thế rồi hai ghe vừa chèo vừa hò đối đáp cả mấy cây số, đến khi tới ngã ba, ngã tư sông, giã bạn mới thôi.
Cái hay của hò đối đáp là nơi nào có địa danh nổi tiếng thì nơi đó được đưa vào câu hò. Chợ nổi Cái Răng đã có từ lâu, là nơi tụ họp của thương hồ sông nước miền Tây về họp chợ. Ở nơi đó có những câu hò rất hay, như "Hò ơ… chứ Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền/Anh có thương em thì cho bạc cho tiền/Chớ đừng cho lúa gạo… hò ơ ơ ơ…/Kẻo xóm giềng cười chê… ơ!"
Nhắc đến đây không thể nào quên được những câu hò trong vở cải lương “Tiếng hò sông Hậu” nổi tiếng của soạn giả Điêu Huyền "Hò hơ ơ… Chớ trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái/Đầu thì hớt chải tóc tém bảy ba/Chớ mặc pyjama, khăn rằn choàng cổ/Thấy cô em gái Ba Xuyên ngồ ngộ/Muốn cùng ai thố lộ đôi lời/Chứ cấy cày cực lắm em ơi/Theo anh về vườn ăn trái… ơ… hò hơ ơ…/Chứ theo anh về vườn ăn trái thì một đời ấm no…"
Cô gái Ba Xuyên không chịu thua, còn đáp trả lại những lời không ngờ "Gái Ba Xuyên tuy quê mùa dân dã/Tóc dài bỏ xõa, áo vải bà ba/Nắng táp mưa sa mà mịn da dài tóc/Không đẹp bằng ai nhưng vừa vóc/Tuy quê quýt nhưng không thích trai vườn/Trai mà dở dở ương ương/Ngồi không hái trái, hết đường tương lai..."
Chuyện kể rằng ngày xưa, theo các dòng sông, cánh đồng, con rạch, kinh xáng, ghe xuồng xuôi ngược, các thương hồ xuôi dòng Ngã Bảy, Ngã Năm, kênh xáng Xà No, Ô Môn… ngân vang giọng hò lanh lảnh, man mác, nhặt khoan, lẫn tiếng rao hàng bánh trái, trái cây những sớm hừng đông hay trưa hè êm ả…
Những giọng hò ấy chỉ có thể có ở vùng sông nước hữu tình và những cánh đồng mênh mông, dạt dào tình cảm của miền đất Cần Thơ, miệt sông Hậu. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ – người có nhiều nghiên cứu, sưu tầm ca dao, dân ca Cần Thơ – cho rằng hò Cần Thơ có ba loại: hò huê tình, hò cấy và hò mái dài.
Hò Cần Thơ ca ngợi cảnh sắc giàu đẹp quê hương, con người nhân hậu, tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, đạo lý ở đời… một thời gắn bó với sông nước miền Tây. Tiếc rằng hiện nay, những người biết hò, hò được ở Cần Thơ còn ít ỏi, và nhiều câu hò chưa được ghi chép lại. Theo Bảo tàng TP Cần Thơ – nơi đã nghiên cứu, sưu tầm để hò Cần Thơ được đưa vào “Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” – thì hiện nay chỉ còn 205 câu hò.
Trong đó có 14 câu hò huê tình, 12 câu hò mái dài, 5 câu hò cấy. Số còn lại, trên cơ sở người dân cung cấp, xác định có 8 câu hò lơ; 166 câu hò còn lại phần lớn có nội dung hò đối đáp, huê tình. Người biết hò Cần Thơ chỉ còn lại đếm trên đầu ngón tay.
Hò Cần Thơ đã là di sản tồn tại trên vùng đất này khoảng trên dưới 100 năm. Tuy nhiên, loại hình di sản này đã và đang chịu sự chi phối của quá trình chuyển đổi phương thức lao động, cách thức sinh hoạt, môi trường diễn xướng, giao lưu văn hóa...

Du thuyền đêm trên bến Ninh Kiều rực rỡ ánh đèn, rộn ràng tiếng nhạc nhưng tiếc thay lại vắng bóng câu hò sông Hậu thân quen. Ảnh: Huỳnh Biển
Mặc dù hò đã được vận dụng, đưa vào các thể loại âm nhạc như cải lương, ca khúc, tác phẩm kịch hò…, nhưng hiện nay, hò đang đứng trước nguy cơ mai một. Sông nước Hậu Giang, sông nước Cần Thơ, ghe xuồng vẫn còn dập dìu trên sông, ruộng đồng mênh mông vẫn còn đó… nhưng tiếc thay, tiếng hò sông Hậu – tiếng hò Cần Thơ, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – đang dần đi vào dĩ vãng, không còn ngân vang như thuở nào.
Tiếng hò sông Hậu giờ đây chỉ còn trong ký ức, hoài niệm… Ước gì ngành du lịch sông nước miền Tây phục dựng, tái hiện lại hò đối đáp. Đó không chỉ là để bảo tồn và phát huy di sản “Hò Cần Thơ”, mà còn để du khách được thưởng thức sản phẩm du lịch văn hóa sông nước đặc sắc – thứ đang dần bị lãng quên.
Mong một ngày nào đó, đêm trăng thanh gió mát, theo ghe xuôi dòng sông Hậu nghe hò huê tình Cần Thơ – thì thú vị và huyền diệu biết bao!