Bí mật hai người chị họ của Nữ hoàng Anh bị khai tử và giam cầm cả đời trong trại tâm thần

Năm 1987, công chúng Anh quốc mới lần đầu biết rằng hai người chị em họ của Nữ hoàng Elizabeth II đã sống gần như cả đời trong bệnh viện tâm thần, thậm chí bị khai tử trên hồ sơ, và đó là bí mật mà Hoàng gia đã che giấu suốt nhiều thập niên.

Nerissa (trái) và Katherine Bowes-Lyon - hai người chị em họ của Nữ hoàng Elizabeth II đã bị khai tử khi còn sống và giam cầm gần như cả đời trong trại tâm thần. Ảnh: ATI

Nerissa (trái) và Katherine Bowes-Lyon - hai người chị em họ của Nữ hoàng Elizabeth II đã bị khai tử khi còn sống và giam cầm gần như cả đời trong trại tâm thần. Ảnh: ATI

Năm 1987, tờ báo lá cải The Sun của Anh đã đăng tải một câu chuyện gây chấn động. Thay vì những câu chuyện giật gân về cuộc hôn nhân rạn nứt của Công nương Diana, công chúng được biết tin rúng động: Nerissa và Katherine Bowes-Lyon — hai người chị em họ của Nữ hoàng Elizabeth II — đã bị khai tử sai cách đó gần một phần tư thế kỷ. Không chỉ sống lâu hơn so với thông tin được công bố, họ còn phải trải qua phần lớn cuộc đời trong một bệnh viện tâm thần.

Nerissa và Katherine, sinh lần lượt vào năm 1919 và 1926, mắc khuyết tật phát triển nghiêm trọng đến mức họ chỉ đạt đến mức độ trí tuệ tương đương trẻ lên 6 tuổi. Có vẻ như để che giấu điều này với công chúng, mẹ của họ - bà Fenella Bowes-Lyon - đã đưa hai con vào một cơ sở điều trị. Sau đó, họ bị ghi là đã qua đời trong ấn bản năm 1963 của Burke’s Peerage - cuốn sách tra cứu dòng dõi quý tộc Anh - với thông tin rằng Nerissa mất năm 1940 và Katherine mất năm 1961.

Bà Fenella Bowes-Lyon và hai người con, Anne (trái) và Nerissa (phải). Ảnh: Alamy

Bà Fenella Bowes-Lyon và hai người con, Anne (trái) và Nerissa (phải). Ảnh: Alamy

Tuy nhiên, sự thật đau lòng bị phanh phui vào năm 1987 — chỉ một năm sau khi Nerissa thực sự qua đời (1986). Katherine, khi ấy vẫn còn sống nhưng đã già yếu, bị chụp ảnh và đăng trên The Sun, hình ảnh ấy gây sốc khắp vương quốc. Vụ việc dẫn đến những cáo buộc về một âm mưu che đậy của Hoàng gia, một bộ phim tài liệu gây chú ý về hai người phụ nữ khuyết tật này, và thậm chí câu chuyện về họ còn được tái hiện trong một tập của serie phim nổi tiếng The Crown (Vương quyền) trên Netflix.

Tuổi thơ và bi kịch của Nerissa và Katherine Bowes-Lyon

Nerissa Bowes-Lyon sinh ngày 18/2/1919 tại London, là con gái của John Herbert Bowes-Lyon (anh trai Hoàng hậu Elizabeth, mẹ Nữ hoàng Elizabeth II) và Fenella Bowes-Lyon. Ngày 4/7/1926, vợ chồng họ sinh con gái thứ hai: Katherine. Gia đình còn có ba con gái khác.

Chỉ ít lâu sau khi hai bé gái chào đời, những dấu hiệu bất thường về phát triển bắt đầu xuất hiện. Cả hai đều không biết nói, khả năng nhận thức hạn chế nghiêm trọng. Người nhà tin rằng họ mắc một chứng bệnh di truyền nặng, có khả năng bắt nguồn từ ông ngoại - Charles Trefusis.

Sau này, các y tá chăm sóc hai chị em đã mô tả rõ hơn về tình trạng khuyết tật của họ - vốn chưa bao giờ được chẩn đoán cụ thể.

“Các cô ấy không nói được, nhưng sẽ chỉ trỏ và phát ra âm thanh. Nếu quen chăm sóc họ, bạn sẽ hiểu họ muốn gì. Ngày nay, chắc chắn họ đã được can thiệp bằng liệu pháp ngôn ngữ và giao tiếp tốt hơn nhiều. Họ hiểu nhiều hơn người ta tưởng” - Onelle Braithwaite, y tá từng chăm sóc hai chị em, kể lại với Daily Mail.

Một y tá khác tên Dot Penfold nói: “Họ không khó chăm sóc, chỉ là nghịch ngợm như trẻ con. Katherine thì rất tinh quái. Có hét vào mặt, cô ấy cũng làm ngơ.”

Thời đó, nhiều gia đình quý tộc cố giấu các thành viên khuyết tật khỏi ánh nhìn công chúng để tránh điều tiếng. Với gia đình có quan hệ gần với Hoàng gia như Bowes-Lyon, điều này càng quan trọng. Hai chị em Nerissa và Katherine là chị em họ ruột bên ngoại của Nữ hoàng Elizabeth II; mẹ của Nữ hoàng, Elizabeth Angela Marguerite Bowes-Lyon, là em gái của cha Nerissa và Katherine.

Sau khi người cha mất vì viêm phổi năm 1930, mẹ của hai chị em - bà Fenella - quyết định đưa hai con vào cơ sở giáo dục đặc biệt mang tên Trường Arniston, dành riêng cho con em quý tộc khuyết tật.

Bệnh viện tâm thần Hoàng gia Earlswood ở Redhill, hạt Surrey. Ảnh: Alamy

Bệnh viện tâm thần Hoàng gia Earlswood ở Redhill, hạt Surrey. Ảnh: Alamy

Năm 1941, Nerissa (22 tuổi) và Katherine (15 tuổi) bị chuyển đến Bệnh viện Tâm thần Hoàng gia Earlswood ở Redhill, hạt Surrey. Điều đáng chú ý là cùng ngày hôm đó, ba con gái của dì ruột họ (bà Harriet), cũng mắc khuyết tật tương tự, bị đưa vào cùng bệnh viện.

Từ năm 1963, cơ sở Burke’s Peerage ghi tên hai chị em là đã chết - Nerissa vào năm 1940 và Katherine năm 1961. Gần 1/4 thế kỷ sau, năm 1987, người ta mới phát hiện Nerissa chỉ mới qua đời năm 1986, còn Katherine vẫn còn sống.

Sự thật bị đưa ra ánh sáng

Năm 1987, một nhiếp ảnh gia của tờ The Sun đóng giả là người thân của Katherine và tiếp cận được nơi bà sống. Công chúng Anh vốn tin rằng cả hai chị em đã chết từ lâu, đã rất kinh ngạc khi biết rằng ít nhất một người vẫn sống. Bức ảnh Katherine gầy gò, ngơ ngác lập tức được đăng trên trang nhất The Sun với dòng tít: “Chị họ Nữ hoàng bị nhốt trong trại điên”.

Hình ảnh tái hiện Nerissa và Katherine Bowes-Lyon trong serie “The Crown” do Netflix sản xuất. Ảnh: Netflix

Hình ảnh tái hiện Nerissa và Katherine Bowes-Lyon trong serie “The Crown” do Netflix sản xuất. Ảnh: Netflix

Câu chuyện ngay lập tức trở thành một vụ bê bối. Hai người chị họ của Nữ hoàng Anh không chỉ bị nhốt hàng chục năm, mà còn bị khai tử sai và gần như bị gia đình lãng quên. Làn sóng phẫn nộ lan rộng, kéo theo cáo buộc về một vụ che đậy của Hoàng gia.

Điện Buckingham chỉ ra tuyên bố ngắn gọn: “Chúng tôi không có bình luận gì. Đây là việc riêng của gia đình Bowes-Lyon”. Trong khi đó, gia tộc Bowes-Lyon cuống cuồng tìm cách xoa dịu dư luận.

Một số người thân cho rằng có thể Fenella vô tình khai sai khi điền thông tin cho cuốn sách Burke’s Peerage. Những người khác thì khẳng định gia đình vẫn thường xuyên đến thăm hai chị em.

Hình ảnh trang báo Daily Mail đưa tin về hai người chị họ “bị ẩn giấu” của Nữ hoàng Elizabeth II vào năm 1987. Ảnh: Dailymail

Hình ảnh trang báo Daily Mail đưa tin về hai người chị họ “bị ẩn giấu” của Nữ hoàng Elizabeth II vào năm 1987. Ảnh: Dailymail

Bà Elizabeth Anson, một người thân khác, nói: “Không hề có ý định che giấu gì cả. Nhiều người trong gia đình vẫn hay đến thăm họ". Tuy nhiên, đại diện cơ quan y tế East Surrey cho biết: “Cả hai từng được người thân thăm nom thường xuyên cho đến đầu thập niên 1960, khi một người thân thiết mất. Từ đó về sau, họ hầu như không có ai đến thăm.”

Dot Penfold, y tá trưởng khu điều trị, nói rằng: “Ấn tượng của tôi là họ bị lãng quên".

Nhiều người dân cho rằng lẽ ra Nerissa và Katherine không nên bị đưa vào Bệnh viện Earlswood - vốn có tiếng xấu là quá tải, thậm chí từng dính cáo buộc ngược đãi bệnh nhân.

Di sản buồn của hai chị em Nerissa và Katherine

Khi qua đời tại Earlswood năm 1986, ở tuổi 66, không ai trong gia đình dự tang lễ của Nerissa. Bà được chôn tại nghĩa trang Redhill với một ngôi mộ sơ sài, bia mộ là một miếng nhựa có khắc họ và số thứ tự.

Nghĩa trang nơi Nerissa và Katherine Bowes-Lyon được chôn cất. Ảnh: Alamy

Nghĩa trang nơi Nerissa và Katherine Bowes-Lyon được chôn cất. Ảnh: Alamy

Trong khi đó, dù vẫn còn sống khi tin tức về vụ bê bối bùng nổ, phần lớn cuộc đời của Katherine vẫn bị cô lập. Một quản lý bệnh viện mô tả bà: “Một bà lão già yếu, gần như chẳng hiểu gì về thế giới xung quanh. Bà ấy chẳng khác gì một đứa trẻ”. Người này nói thêm: từ thập niên 1960 đến lúc ấy, không có dấu hiệu nào cho thấy bà từng được thân nhân đến thăm.

Năm 2011, bộ phim tài liệu “Những người chị em họ bị che giấu của Nữ hoàng” được phát sóng trên truyền hình Anh, đặt câu hỏi về truyền thống của giới quý tộc Anh trong việc giấu kín thân nhân khuyết tật.

Bà Katherine mất ngày 23/2/2014, thọ 87 tuổi, trong một cơ sở khác và được an táng gần nơi chôn chị mình.

Năm 2020, câu chuyện về họ được tái hiện trong tập “Nguyên tắc di truyền” (The Hereditary Principle) của serie phim "The Crown" (mùa 4). Trong một cảnh phim hư cấu, Công chúa Margaret đối chất với Hoàng hậu về việc hai người chị em họ bị giấu kín. Hoàng hậu nói: “Bệnh tật, sự khờ khạo của họ sẽ khiến người ta nghi ngờ dòng máu hoàng tộc. Thử tưởng tượng nếu chuyện này bị lộ lên mặt báo xem”. Dù đây là lời thoại tưởng tượng, nó đã phản ánh định kiến nặng nề của xã hội Anh thời bấy giờ với người khuyết tật nặng.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giai-mat/bi-mat-hai-nguoi-chi-ho-cua-nu-hoang-anh-bi-khai-tu-va-giam-cam-ca-doi-trong-trai-tam-than-20250510235855146.htm