Gia Cát Lượng (181 - 234), tự là Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long, là quân sư, nhà chính trị, ngoại giao kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Ông là khai quốc công thần, Thừa tướng của nhà Thục Hán thời Tam quốc.
Ông được biết đến là người túc trí đa mưu, liệu sự như thần, trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Với tài năng xuất chúng, Khổng Minh một lòng tận trung với nhà Thục, hoàng đế Lưu Bị và sau đó là Lưu Thiện.
Vào năm 234, trong khi chuẩn bị cho chiến dịch Bắc phạt lần thứ 6, Gia Cát Lượng lâm bệnh nặng rồi qua đời, hưởng thọ 53 tuổi. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Khổng Minh đã ủy thác cho hoàng đế Lưu Thiện chôn cất ông ở núi Định Quân.
Đồng thời, Gia Cát Lượng căn dặn chỉ mai táng ông cùng với quần áo bình thường chứ không chôn cùng những hiện vật giá trị.
Tương truyền, sau khi Khổng Minh mất, Lưu Thiện làm theo lời trăn trối của vị thừa tướng lỗi lạc. Ông hoàng này cho người khiêng quan tài chứa thi hài Gia Cát Lượng lên núi Định Quân và không chôn cùng bất cứ hiện vật giá trị nào.
Đặc biệt, bia mộ đặt trước mộ của Gia Cát Lượng còn khắc dòng chữ với nội dung: "Ta đời này rất nghèo, không có vật tùy táng, các người cũng đừng tốn công vô ích".
Do đó, những kẻ trộm mộ không muốn tốn thời gian, công sức để trộm mộ của Gia Cát Lượng mà biết chắc sẽ không tìm được đồ tùy táng giá trị nào.
Một nguyên nhân khác được cho là giúp ngôi mộ của Gia Cát Lượng bất khả xâm phạm là vì hậu thế đều kính nể, ngưỡng mộ tài năng và đức hạnh của ông.
Thêm nữa, Lưu Thiện từng cho lập miếu thờ Gia Cát Lượng và hạ lệnh cho người dân lễ bái, cúng tế hàng năm. Vì vậy, Khổng Minh được xem như thần tiên.
Xuất phát từ điều này, người dân tự nguyện trở thành những người bảo vệ mộ phần của Khổng Minh. Theo đó, kẻ trộm mộ không có cơ hội xâm phạm nơi an nghỉ ngàn thu của ông.
Mời độc giả xem video: Chiếc chén pha lê trong mộ cổ 1.000 năm: “Xuyên không” là có thật?
Tâm Anh (TH)