Bí mật ở làng nghề dát vàng duy nhất Việt Nam
Khác với các làng nghề truyền thống khác, nghề làm quỳ vàng bạc ở Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) chỉ được truyền cho những người trong làng.
Ông tổ nghề quỳ vàng bạc
Kiêu Kỵ thuộc xã Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) là làng duy nhất Việt Nam chuyên làm quỳ vàng bạc.
Đây là nghề chế biến vàng thật, bạc thật thành bột vàng, bạc (gọi là quỳ) bằng phương pháp sản xuất thủ công.
Những công trình kiến trúc, những bức tượng Phật, hoành phi câu đối cho tới tranh sơn mài… lấp lánh ánh vàng, bạc ở Việt Nam hầu như đều có công của nghệ nhân làm quỳ nơi đây.
Theo ông Lê Bá Chung - nghệ nhân làng Kiêu Kỵ, làng nghề truyền thống này gắn liền với tên tuổi và công lao của ông tổ nghề Nguyễn Quý Trị.
Nghề làm quỳ vàng ở Kiêu Kỵ đã có lịch sử hình thành và phát triển tương đối lâu đời, xuất hiện khoảng 300 - 400 năm trước.
Dân làng Kiêu Kỵ rất biết ơn tổ nghề Nguyễn Quý Trị. Ông đỗ tiến sĩ đời Cảnh Hưng (1740 - 1786). Khi đang giữ chức Tả Thị Lang, ông đi sứ sang Trung Quốc.
Trong chuyến đi này, ông thấy người Trung Quốc có nghề đập dát vàng bạc (để sơn son thếp vàng câu đối hoành phi, tượng…). Ông đã quyết tâm học nghề, mong muốn đưa về quê nhà.
Nghĩ là làm, cuối cùng ông Nguyễn Quý Trị cũng học được nghề độc đáo này. Sau khi về nước, ông nghiên cứu và truyền nghề lại cho dân làng Kiêu Kỵ với mong muốn người dân có thêm công việc kiếm sống.
Tương truyền sau khi ông Nguyễn Quý Trị truyền nghề cho dân làng, vào ngày 17/8 (âm lịch) ông rời làng ra đi, về sau không ai rõ tung tích. Để nhớ công ơn của ông, làng Kiêu Kỵ suy tôn ông là ông Tổ nghề quỳ vàng bạc và lấy ngày ông ra đi làm ngày cúng giỗ rất trọng thể.
Theo đó, vào ngày 16 -17/8 làng tổ chức hát chèo và lễ tế. Ngày 11-12/1 hàng năm, làng tiến hành làm lễ động thổ để khai tràng, lễ tế. Những gia đình theo nghề sẽ làm mâm cỗ xôi, gà đến nhà thờ tổ, cầu mong cho công việc thuận lợi, một năm gặp nhiều may mắn.
Sau ngày này, tất cả công việc sản xuất quỳ vàng bạc của làng mới bắt đầu.
Cũng theo người làng Kiêu Kỵ, ngoài việc suy tôn ông Nguyễn Quý Trị làm Tổ sư của mình thì làng còn coi ông Vũ Danh Thuận làm hậu tổ nghề của làng.
Ông Vũ Danh Thuận là một nhà nho, nghệ nhân có tài ở Kiêu Kỵ thời Nguyễn. Ông đảm nhận hết việc trang trí thếp vàng nội thất cung điện triều Nguyễn ở Huế.
Bí mật ở làng nghề hàng trăm tuổi
Với nhiều làng nghề ở đất Thăng Long xưa như nghề sơn, nghề thêu… các cụ tổ nghề không chỉ truyền dạy nghề cho người dân trong làng mà đông đảo các làng lân cận cũng được học. Nhờ vậy nghề được nhân rộng nhiều vùng trên cả nước.
Tuy nhiên điểm độc nhất vô nhị của nghề làm quỳ vàng ở Kiêu Kỵ là ông tổ Nguyễn Quý Trị chỉ truyền nghề cho người trong làng.
Theo bà Phạm Thị Ngọc (60 tuổi, thợ ở làng Kiêu Kỵ), có thể là do công việc liên quan đến vàng nên những người thợ cần sự tin tưởng và trung thực. Giữ kín bí quyết nghề là một trong những điều nghiêm ngặt đối với họ.
Người lạ ở địa phương khác đến xin việc ít khi được chủ cơ sở quỳ vàng chấp nhận do khó kiểm soát việc thất thoát vàng.
Bởi vậy, làng Kiêu Kỵ đã trở thành nơi duy nhất tồn tại nghề dát vàng từ xưa cho đến nay ở Việt Nam.
Theo nghệ nhân Lê Bá Chung, tại cột cái ở nhà thờ tổ của làng, cụ Nguyễn Quý Trị đã đóng lên cột cái đinh loại răng vừa dài 15 cm và thề rằng: ‘Không ai được truyền nghề này ra ngoài’.
Một tục lệ khác đặc biệt của làng là người dân - ai muốn học làm nghề quỳ vàng đều phải làm lễ khấn tổ nghề.
Ông Chung cho biết thêm: ‘Theo quan niệm của làng, nếu tổ nghề cho làm nghề, công việc sẽ thuận lợi. Nếu tổ nghề không cho, thợ đánh ra thành phẩm xấu và thường xuyên bị đánh vào tay’.
Nghề làm quỳ vàng lắm công phu và cũng trải qua nhiều biến động. Sau hai cuộc chiến tranh, nghề gần như mai một. Sau này, khi đời sống, kinh tế của người dân được nâng cao, nhu cầu trùng tu di tích, công trình kiến trúc tăng lên khiến nghề có cơ hội phát triển trở lại.
Hiện, Kiêu Kỵ vẫn là ngôi làng duy nhất trên cả nước làm nghề quỳ vàng. Sự độc đáo này đã trở thành niềm tự hào của người làng Kiêu Kỵ và người Hà Nội nói chung.