Bí quyết kéo giảm tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông
Sau 10 năm thực hiện các giải pháp hưởng ứng Thập kỷ an toàn đường bộ toàn cầu (2011-2020), Việt Nam là 1 trong 35 quốc gia có tỷ lệ nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ giảm hơn 43%.
Tạo môi trường giao thông an toàn
Những ngày cuối năm 2023, anh Nguyễn Văn Nam (trú tại TP.HCM) - tài xế xe vận tải hàng hóa vui mừng khi mỗi ngày có thể thực hiện được hai chuyến hàng từ TP.HCM đi Phan Thiết (Bình Thuận) thay vì chỉ một chuyến như trước đây.
"Đường mới, rộng thênh thang, tốc độ lưu thông nhanh hơn nhưng vẫn êm thuận. Công việc kinh doanh của tôi nhờ vậy cũng hiệu quả hơn", anh nói.
Đây cũng là niềm vui của nhiều người dân ở TP.HCM và Phan Thiết khi quãng đường kết nối hai địa phương đã dễ dàng hơn rất nhiều nhờ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào khai thác. Khi chưa có cao tốc, từ TP.HCM muốn đi Phan Thiết phải mất ít nhất 4 tiếng, nay còn chưa đầy 2 tiếng.
Các nhà hoạch định chính sách đã chỉ rõ 5 yếu tố rủi ro chính gây ra TNGT bao gồm: chạy quá tốc độ, lái xe khi uống rượu, sử dụng mũ bảo hiểm xe máy, dây an toàn và hệ thống thiết bị an toàn cho trẻ em.
Tới đây, khi Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ được ban hành cũng sẽ quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn để kiểm soát 5 yếu tố rủi ro trên.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, từ năm 2011 đến nay (đặc biệt trong 2,5 năm qua), số chiều dài đường cao tốc Việt Nam được đưa vào khai thác đạt gần 1.900km, tiệm cận với mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 2.000km cao tốc mà Nghị quyết Đại hội Đảng XI tháng 1/2011 đặt ra.
Bên cạnh đó, ngành GTVT cũng quan tâm nâng cấp các sân bay quốc tế tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cam Ranh; nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa trọng điểm quốc gia vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng; nâng cao năng lực các cảng, bến sông; cải tạo các cảng biển, phát triển toàn diện hai cảng nước lớn là Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải.
"Việc nâng cấp năng lực, bảo đảm điều kiện ATGT của hạ tầng là một trong những giải pháp quan trọng tạo môi trường tham gia giao thông an toàn cho người dân, giúp kéo giảm TNGT", ông Hùng nói.
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhìn nhận, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua được chú trọng, nhiều dự án giao thông trọng điểm được khánh thành, khởi công, không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà còn giúp đảm bảo ATGT, kéo giảm TNGT.
Cùng với đầu tư hạ tầng, các lực lượng chức năng cũng quyết liệt kiểm tra, xử lý các vi phạm giao thông, kết hợp đổi mới tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
Từ việc hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy sau 16 năm triển khai, nay người dân cũng đang dần hình thành văn hóa "đã uống rượu bia không lái xe", góp phần quan trọng kéo giảm TNGT.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được triển khai quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chỉ kéo giảm TNGT mà còn giảm các vụ án gây thương tích, gây rối trật tự, chống người thi hành công vụ.
Nói về vấn đề này, ông Hùng cho biết thêm, việc lực lượng CSGT ra quân quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn đến nay đã nhận được sự quan tâm, đồng tình từ người dân.
Bởi họ hiểu rằng, đây không chỉ đơn thuần là xử lý vi phạm, kéo giảm TNGT mà còn nhằm mục tiêu phát triển an ninh con người, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người, vì an toàn lợi ích của nhân dân theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đây chính là nhiệm vụ cốt lõi, sống còn của cả hệ thống chính trị.
Tái cơ cấu vận tải, giảm áp lực cho vận tải đường bộ
Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, thời gian qua, ngành GTVT đã quyết liệt thực hiện Quyết định 1210 của Thủ tướng Chính phủ trong việc tái cơ cấu vận tải, giảm phụ thuộc vào vận tải đường bộ; tăng thị phần hàng không, đường sắt đối với vận tải hành khách; tăng cường năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải công cộng...
Đến nay, 60/63 tỉnh, thành phố trên cả nước có hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, với hơn 8.978 xe, vận chuyển khoảng 1 tỷ lượt hành khách mỗi năm.
Đến hết tháng 9/2023, cả nước có 939.097 xe ô tô kinh doanh vận tải, trong đó có 349.000 xe khách và 606.000 xe tải.
Để quản lý hoạt động của các loại phương tiện này, Cục Đường bộ VN đã đưa vào sử dụng phần mềm quản lý dữ liệu giám sát hành trình phương tiện, góp phần quan trọng trong công tác giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải nhằm đảm bảo ATGT, góp phần làm giảm tỷ lệ TNGT.
Nhờ đó, tỷ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000km giảm mạnh (năm 2015 tỷ lệ này là 11,5 lần/1.000km, đến năm 2022 chỉ còn 0,75 lần/1.000km, giảm khoảng 20 lần), mặc dù số lượng phương tiện hiện nay tăng gấp 5 lần so với năm 2015.
Tỷ lệ tử vong do TNGT giảm sâu nhất
Ông Khuất Việt Hùng cho biết, nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam trở thành 1 trong số 45/193 quốc gia thành viên có tỷ lệ nạn nhân tử vong do TNGT đường bộ giảm trên 30% trong giai đoạn 2011-2020.
Cụ thể giảm từ 25.4 người/100.000 dân vào năm 2010 xuống còn 17.7 người/100.000 dân vào năm 2021 (giảm 43,5%).
Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, năm 2020, toàn quốc xảy ra hơn 14.000 vụ TNGT, làm chết 6.700 người, bị thương hơn 10.000 người.
So với năm 2010 (xảy ra hơn 14.000 vụ, làm chết gần 11.450 người, bị thương hơn 10.000 người) giảm mạnh số người chết vì TNGT với hơn 4.700 người.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 9/10 ca tử vong do TNGT xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, Việt Nam lại là quốc gia có tỷ lệ người tử vong do TNGT giảm mạnh nhất trong khu vực này.
Về định hướng của Việt Nam trong việc thực hiện Kế hoạch hành động toàn cầu Thập kỷ vì ATGT đường bộ lần thứ hai (2011-2020) cũng như kéo giảm TNGT thời gian tới, ông Hùng cho biết, bước vào giai đoạn 2021-2030, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổng kết Chỉ thị 18 và Ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác bảo đảm trật tự ATGT trong tình hình mới.
Triển khai Chỉ thị 23, trong năm 2023 và 2024, Việt Nam sẽ xây dựng và ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện hệ thống các quy định về quy tắc giao thông, hành vi tham gia giao thông, hoạt động vận tải, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, giải quyết TNGT tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan chủ trì chung, cơ quan chủ trì về chuyên môn, cơ quan phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ, tạo ra nền tảng pháp lý vững chắc, toàn diện để tổ chức thực hiện một cách hiệu lực, hiệu quả các chính sách, giải pháp bảo đảm trật tự ATGT đường bộ trong giai đoạn tới.