Bị tăng huyết áp mà không biết, nhiều người trẻ đột quỵ

Nhiều người trẻ đột quỵ do tăng huyết áp mà không biết, khi nhập viện đã xuất huyết não.

TS-BS Tạ Vương Khoa, Phó chủ nhiệm khoa Nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175, cho biết gần đây khoa tiếp nhận điều trị nhiều người trẻ đột quỵ do bị tăng huyết áp thầm lặng.

Đáng lưu ý, những trường hợp này hầu hết đều không tầm soát sức khỏe, bị tăng huyết áp mà không biết dẫn đến đột quỵ.

Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ đột quỵ

Một bệnh nhân (35 tuổi) nhập khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Quân y 175) do đột quỵ. Chia sẻ với bác sĩ, bệnh nhân cho hay chưa từng đi tầm soát sức khỏe.

Bỗng một hôm, bệnh nhân bị yếu liệt nửa người, khi nhập viện đã trong tình trạng xuất huyết não, huyết áp rất cao. Quá trình nằm viện theo dõi, ngày nào huyết áp của bệnh nhân cũng cao.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân cao huyết áp từ trước nhưng không biết, đột quỵ là hậu quả của tăng huyết áp. Bệnh nhân được kiểm soát đưa về huyết áp mục tiêu tránh tái xuất huyết, điều trị chống phù não để bảo vệ tế bào não và tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

Sau điều trị, bệnh nhân có hồi phục nhưng bị di chứng yếu nửa người, nói ngọng.

 Một bệnh nhân trẻ đang được điều trị sau đột quỵ. Ảnh: NVCC

Một bệnh nhân trẻ đang được điều trị sau đột quỵ. Ảnh: NVCC

Trường hợp tiếp theo là một bệnh nhân (36 tuổi) đột quỵ trong lúc ngủ. Tối hôm trước, người này về nhà ngủ sau khi đã uống say. Hôm sau người nhà gọi mãi không thấy tỉnh nên đưa đi bệnh viện.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ý thức lơ mơ, liệt nửa người. Bác sĩ thăm khám, chụp phim nhận thấy tổn thương não đã quá nặng, quá trễ thời gian vàng nên không thể chỉ định tái thông.

Bệnh nhân được điều trị tích cực, chống phù não bằng nội khoa. Tuy nhiên đến ngày thứ 6 của bệnh, bệnh nhân diễn tiến phù não ác tính, phải phẫu thuật mổ sọ giải áp, cứu não đang phù nặng. Mặc dù được cứu nhưng bệnh nhân phải sống thực vật.

Người trẻ đột quỵ tăng gấp đôi

Theo bác sĩ Khoa, trước đây tỉ lệ người trẻ đột quỵ vào Bệnh viện Quân y 175 chỉ khoảng 7-8%, nay đã tăng lên gấp đôi.

Hiện bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ hóa, số ca ở độ tuổi 45-50 ngày càng nhiều. Ngoài bệnh lý bẩm sinh hay gene, nguyên nhân hàng đầu khiến người trẻ đột quỵ là do mắc phải (môi trường sống, sinh hoạt, tăng huyết áp…).

“Ngày nay người trẻ chịu nhiều áp lực cuộc sống, thường xuyên căng thẳng, chế độ sinh hoạt không hợp lý, lạm dụng thuốc lá, rượu bia, ít vận động, dễ mắc phải bệnh lý tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu… Đây là các yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ” - bác sĩ Khoa nhận định.

Bác sĩ Khoa cho biết thêm, nếu bệnh nhân đột quỵ vào viện trong khoảng thời gian vàng, cơ hội được cứu sống sẽ cao hơn. Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ là khoảng thời gian tốt nhất để điều trị tái thông thành công động mạch não bị tắc cho bệnh nhân.

 TS-BS Tạ Vương Khoa, Phó chủ nhiệm khoa Nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175, thăm khám cho bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: NVCC

TS-BS Tạ Vương Khoa, Phó chủ nhiệm khoa Nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175, thăm khám cho bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: NVCC

Thời gian vàng để điều trị bằng phương pháp tiêu sợi huyết tĩnh mạch là trong cửa sổ 4 tiếng rưỡi kể từ lúc bắt đầu đột quỵ. Đối với phương pháp lấy huyết khối cơ học, thời gian vàng là 6 tiếng đầu. Tuy nhiên từ năm 2018 trở lại đây, cửa sổ được mở rộng tới 24 giờ (có chọn lọc một số bệnh nhân).

Hiện tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175 trong thời gian vàng được cải thiện rất đáng kể. Phần lớn nhờ nhận thức của người bệnh tốt hơn nhiều, biết được dấu hiệu của đột quỵ và đi bệnh viện sớm.

Tuy nhiên, vẫn còn rải rác những ca tự điều trị tại nhà bằng các phương pháp không khoa học như châm chích các đầu ngón tay... làm trễ thời gian vàng.

“Những bệnh nhân đột quỵ cấp cứu không kịp thời gian vàng, nguyên nhân hàng đầu là yếu tố khách quan. Ví dụ có trường hợp đột quỵ trong giấc ngủ, vào bệnh viện thì vùng tổn thương đã quá lớn. Ngoài ra một phần do chủ quan, không nhận biết được dấu hiệu đột quỵ, để khi triệu chứng nặng mới đưa vào bệnh viện” - bác sĩ Khoa lý giải.

Để phòng ngừa đột quỵ, bác sĩ Khoa khuyến cáo người dân, đặc biệt là người trẻ nên ăn uống lành mạnh, hạn chế các chất kích thích, thường xuyên tập thể dục, tránh béo phì. Cạnh đó, nên khám tầm soát các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ theo định kỳ.

Cấp cứu đột quỵ bằng đường hàng không

Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu, thu dung điều trị hơn 1.700 bệnh nhân nội trú, 4.000 bệnh nhân ngoại trú. Hiện khoa Cấp cứu của bệnh viện là một trạm cấp cứu ngoại viện của Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM.

Bệnh viện đã vận chuyển thành công hơn 50 bệnh nhân bằng đường hàng không từ đảo về đất liền điều trị. Trong đó có các ngư dân bị đột quỵ khi đang lao động tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, được đưa về đất liền điều trị kịp thời.

Hiện nay bệnh viện đã từng bước nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị; nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ nhân viên bệnh viện và chuẩn hóa các quy trình cấp cứu, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.

TS-BS NGUYỄN VIỆT CƯỜNG, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/bi-tang-huyet-ap-ma-khong-biet-nhieu-nguoi-tre-dot-quy-post799922.html