Y tế công cộng đừng đợi đến lúc dịch bệnh bùng phát

Y tế công cộng có vai trò rất quan trọng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhưng chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức, chính vì chưa nhiều người hiểu đúng về nó, cho tới khi có đại dịch COVID-19.

Chỉ có thể kiểm soát được dịch bệnh ở Việt Nam, nhất là các dịch bệnh mới nổi, bằng việc lấp khoảng trống hiểu biết về y tế công cộng còn đang nhiều lỗ hổng và điều này ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư cho y tế dự phòng, cũng như nhận thức của người dân. Bài học từ đại dịch COVID-19 đã để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm.

Ông Eric Joseph Dziuban, Giám đốc US CDC tại Việt Nam

Ông Eric Joseph Dziuban, Giám đốc US CDC tại Việt Nam

Tại hội thảo về tầm quan trọng của y tế công cộng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng do Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức hôm nay, 22/8, ông Eric Joseph Dziuban, Giám đốc US CDC tại Việt Nam, khẳng định vai trò của y tế công cộng rất quan trọng, khi giải quyết những vấn đề từ lúc bắt đầu, chứ không phải sau khi chúng đã gây ra thiệt hại.

“Mỗi đô la chi cho tiêm chủng cho trẻ em ước tính sẽ tiết kiệm được 11 đô la chi phí điều trị y tế. Mỗi đô la chi cho kiểm soát ô nhiễm không khí ước tính sẽ tiết kiệm được 30 đô la đối với lợi ích kinh tế thu được. Đây rõ ràng là những khoản đầu tư tài chính cần thiết” - Ông Eric nhấn mạnh.

Đại diện cơ quan dẫn đầu toàn cầu về sức khỏe cộng đồng ví dụ: Chúng ta bị choáng ngợp bởi số lượng các trường hợp nhiễm giun ký sinh ở Ghana, bệnh lao kháng thuốc ở Jordan và trẻ sơ sinh có HIV ở Swaziland, trong khi giải pháp chính là y tế công cộng, với các biện pháp phòng bệnh tương đối đơn giản như lọc nước uống, tìm những người tiếp xúc gần với bệnh nhân hiện tại, xét nghiệm sàng lọc tốt trong thai kỳ.

PGS.TS. Kim Bảo Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội

PGS.TS. Kim Bảo Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội

Các công cụ y tế công cộng này có hiệu quả tốt, sẽ ngăn ngừa bệnh tật và cứu sống con người, tạo ra sự khác biệt lớn, cho dù là vi rút Zika hay ngộ độc chì hoặc ung thư cổ tử cung hay COVID-19.

Ông Eric lưu ý rằng đã có 451.000 người KHÔNG bị nhiễm HIV trong 20 năm qua tại Việt Nam, nhờ những nỗ lực y tế công cộng to lớn ngăn chặn loại vi rút đó từ Bộ Y tế và nhiều đối tác, kể cả ở Đại sứ quán Hoa Kỳ và Trường Đại học Y Hà Nội. Nhưng 451.000 người đó không biết rằng sẽ không có kết quả đó nếu không thực hiện nhữn hành động y tế công cộng.

Trao đổi tại hội thảo, ông Eric lưu ý rằng y tế công cộng đừng đợi đến lúc dịch bệnh bùng phát, mà cần làm thay đổi góc nhìn của cộng đồng, như ở Việt Nam vấn đề ô nhiễm chưa được nhiều người coi trọng dù nó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

Trả lời câu hỏi về thách thức lớn nhất của y tế cộng đồng hiện nay là gì, ông Eric cho biết đó là các hệ thống bệnh còn đơn lẻ nên dữ liệu không đầy đủ.

PGS.TS. Lê Minh Giang - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng

PGS.TS. Lê Minh Giang - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng

Để khắc phục vấn đề này, theo ông Eric cần phối hợp các hệ thống phòng chống bệnh đơn lẻ hiện nay như HIV, lao và thay vì giám sát một bệnh, nay cần giám sát nhiều bệnh để biết được nó sẽ xảy ra mà ngăn chặn; hoặc xây dựng, xử lý các dữ liệu thông tin về nhiều bệnh, nhiều vấn đề khác nhau để có thể ứng phó trong những tình huống khẩn cấp.

“Tôi không thích hút thuốc và tôi không muốn khói thuốc của người khác phả vào mặt mình. Và tôi tin rằng các chính sách cấm hút thuốc là lựa chọn đúng đắn cho cộng đồng của chúng ta vì tránh được rất nhiều tác hại. Nhưng tôi cũng có thể thực hiện điều này hiệu quả nếu đồng cảm với một số người có niềm vui trong cuộc sống từ việc có các nhà hàng và quán bar cho phép mọi người có thể hút thuốc” - Ông Eric chia sẻ các biện pháp để y tế công cộng đạt hiệu quả hơn.

Các đại biểu dự hội thảo.

Các đại biểu dự hội thảo.

Tại hội thảo, PGS.TS. Kim Bảo Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - thông tin: Nhiều người dân và cả nhân viên y tế ở Việt Nam chưa hiểu rõ y tế công cộng và y tế dự phòng, bởi tiếp xúc với hệ thống y tế ở Việt Nam thường xuyên nhất là thông qua hệ thống lâm sàng.

Do đó, việc các chuyên gia chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm về y tế công cộng vô cùng quý giá, để mọi người có thể nắm bắt được những giá trị của y tế dự phòng, y tế công cộng trong cuộc sống.

PGS. Giang cho rằng, việc hiểu được những đánh đổi mà chúng ta phải đối mặt là điều quan trọng để đưa ra những quyết định sáng suốt mang lại lợi ích lớn hơn.

PGS.TS. Lê Minh Giang - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng - cho rằng, hoạt động trong lĩnh vực y tế dự phòng có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ông tin rằng những người đã chọn ngành này hãy duy trì ngọn lửa, niềm đam mê mong muốn giúp đỡ người khác, quyết tâm làm tốt nhất những gì có thể những vấn đề của cộng đồng, của người bệnh trước khi nó bắt đầu; cam kết làm tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ sức khỏe của cộng đồng và quần thể.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/y-te-cong-cong-dung-doi-den-luc-dich-benh-bung-phat-i741356/