Giám đốc HCDC TP HCM: 100% ca mắc đậu mùa khỉ là nam giới

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho biết trong các ca đậu mùa khỉ ở TP HCM thống kê được thì 100% là nam giới; 84% là ca bệnh tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP HCM chiều 22-8, ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), đã thông tin về các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn được người dân quan tâm, gồm COVID-19, đậu mùa khỉ và sởi.

Về COVID-19, một số quốc gia trên thế giới thắt chặt, kiểm soát tình hình dịch bệnh khi có số ca tăng như Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn; Ảnh: NGUYỄN PHAN

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn; Ảnh: NGUYỄN PHAN

Tuy nhiên, tình hình COVID-19 trên địa bàn TP HCM, qua giám sát của HCDC vẫn ổn định. Tuy nhiên HCDC vẫn giám sát thường xuyên đối với số lượng ca bệnh và biến chủng. Tại TP HCM, có 3 ca/tuần, không nhiều, chưa có biến chủng mới mà các nước đang có.

"Qua giám sát, đến thời điểm hiện tại, bệnh COVID-19 tại TP HCM vẫn được kiểm soát"- ông Tâm khẳng định. Tuy nhiên, ông Tâm khuyến cáo người dân khi vào cơ sở y tế, bến xe, nơi công cộng vẫn nên đeo khẩu trang.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn; Clip: NGỌC QUÝ

Về bệnh đậu mùa khỉ, ông Tâm cho biết vừa rồi trên thế giới có công bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 2, do tăng nhanh về số người bệnh và số người chết ở một số quốc gia ở châu Phi.

Theo ông Tâm, bệnh đậu mùa khỉ có tính chất lây nhiễm chuyên biệt hơn COVID-19 nhưng không dễ lây.

Tại TP HCM, năm 2023 có 107 ca, năm 2024 đến nay có 49 ca. Bệnh này lây khi tiếp xúc trực tiếp với các mụn nước, các mụn nước này nổi nhiều ở bộ phận sinh dục. Bệnh này lây qua quan hệ tình dục.

Trong các ca bệnh ở TP HCM mà HCDC thống kê được thì 100% là nam giới; 84% là ca bệnh tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. "Bệnh này tập trung ở nhóm nguy cơ và hành vi nguy cơ, chứ không dễ lây"- ông Tâm cho biết.

Hiện nay, ngành y tế và HCDC thường xuyên giám sát bệnh này qua cửa khẩu và cộng đồng.

Đại diện HCDC khuyến cáo thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục…

Đối với bệnh sởi, ông Tâm cho hay có một số giai đoạn bị gián đoạn tiêm chủng mở rộng. Từ đầu năm tới nay, TP HCM có 353 ca sốt phát ban nghi sở. trong đó có 188 ca xác định phòng thí nghiệm, 165 ca lâm sàng. Đối tượng bị nhiều nhất là trẻ chưa tiêm đủ vắc-xin sởi.

Khuyến cáo phòng chống được ông Tâm đưa ra là tiếp tục giám sát bệnh này trong cộng đồng để khoanh vùng, không để dịch lây lan.

Đồng thời vận động tiêm chủng đối với những trẻ chưa đủ mũi hoặc chưa tiêm, nâng tỷ lệ bao phủ vắc-xin sởi cho trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi đạt trên 95%.

Cùng với đó bảo vệ các trẻ em thuộc nhóm nguy cơ mắc sởi nặng gồm các hoạt động như rà soát và tổ chức tiêm chủng tại bệnh viện cho các trẻ này; tập huấn chỉ định dự phòng sau phơi nhiễm cho trẻ; tăng cường công tác phân luồng, kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện.

NGUYỄN PHAN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giam-doc-hcdc-tp-hcm-100-ca-mac-dau-mua-khi-la-nam-gioi-19624082220281263.htm