Bí thư chi bộ làm kinh tế giỏi

Gương mẫu, trách nhiệm trong công việc, đi đầu trong mọi phong trào thi đua, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các hộ dân trong bản cùng làm giàu - đó là nhận xét của bà con dân tộc H'Mông ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) khi nói về Bí thư chi bộ Thào A Phổng. Anh còn là tấm gương làm kinh tế giỏi nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.

Gương mẫu, trách nhiệm trong công việc, đi đầu trong mọi phong trào thi đua, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các hộ dân trong bản cùng làm giàu - đó là nhận xét của bà con dân tộc H’Mông ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) khi nói về Bí thư chi bộ Thào A Phổng. Anh còn là tấm gương làm kinh tế giỏi nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.

Anh Thào A Phổng chia sẻ: "Năm 2009, sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật tôi quyết định trồng thử nghiệm giống hồng giòn không hạt trên 4.000 m2 đất nương bạc màu. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, sau sáu năm, hồng đã cho thu hoạch và thu được cả trăm triệu đồng từ tiền bán hồng". Anh Phổng cũng đăng ký và tham gia cuộc thi "Ðiểm sáng CIG vươn lên thoát nghèo" do tỉnh Yên Bái tổ chức, với mô hình nuôi lợn rừng (giống lợn Thái-lan) đoạt giải nhì kèm số tiền thưởng 120 triệu đồng. Anh dành toàn bộ số tiền này mua 11 con lợn rừng giống, quây lưới thép nuôi dưới tán hồng giòn. Ðến nay, đàn lợn rừng của gia đình có hơn 80 con. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, mỗi năm anh thu lãi hơn 100 triệu đồng. Ðể mở rộng sản xuất, anh nuôi thêm hơn 200 con gà đen, cải tạo thêm 4.000 m2 đất vườn trồng cây ăn quả, trồng 2 ha lúa, 1 ha cây sơn tra, 1 ha ngô. Lợi nhuận trung bình hằng năm từ mô hình trồng trọt và chăn nuôi của gia đình đạt 300 triệu đồng. Không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân, anh còn chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp giống không lấy lãi để giúp bà con phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Là Bí thư chi bộ, anh Thào A Phổng đã vận động, tuyên truyền người dân trong bản chấp hành các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thực hiện "ba bỏ" (bỏ trồng, bỏ hút, bỏ buôn bán, vận chuyển các chất ma túy). Anh bàn bạc với Chi ủy xây dựng hương ước, quy ước tập trung vào xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng… Ðặc biệt, trong quy ước của bản thống nhất chủ trương trồng sơn tra thành rừng và cử người tuần tra bảo vệ đã được người dân tích cực tham gia. Với diện tích hàng trăm héc-ta sơn tra đã trồng thành rừng, giá bán quả trung bình khoảng 25 nghìn đồng/kg, nhiều hộ dân trong bản đã thoát nghèo.

Phó Bí thư Ðảng ủy xã Nậm Khắt Thào A Phềnh cho biết: Mấy năm gần đây, huyện đặc biệt khó khăn Mù Cang Chải đã từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện du lịch. Nhờ đó các sản phẩm nông nghiệp như: gà đen, lợn rừng, hoa quả, rau sạch, sơn tra… của địa phương sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Việc Bí thư chi bộ bản Hua Khắt Thào A Phổng đi đầu trong phát triển kinh tế, vận động đồng bào H’Mông trong bản bài trừ hủ tục lạc hậu, phòng, chống cháy rừng đi đôi với trồng cây sơn tra để làm giàu… là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Bài và ảnh: Thanh Sơn

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/bi-thu-chi-bo-lam-kinh-te-gioi-613425/