Bí thư Hà Nội chỉ ra nguồn lực bị lãng phí từ 712 dự án bất động sản 'đắp chiếu' ở Thủ đô
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, hàng loạt dự án bất động sản 'đắp chiếu' trên khắp cả nước, trong đó Hà Nội có 712 dự án, đang gây lãng phí nguồn lực rất lớn; cần có cơ chế, chính sách khơi thông.
Sáng 24/10, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV bước sang ngày làm việc thứ hai.
Buổi sáng, các đại biểu Quốc hội tiến hành họp tổ để đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu thảo luận tại tổ Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đề cập tới những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay, đặc biệt là giải pháp tháo gỡ cho các dự án chậm tiến độ nhiều năm.
Ông Dũng băn khoăn, không rõ cả nước có bao nhiêu dự án bất động sản đang chịu cảnh "đắp chiếu", đồng thời khẳng định ở Hà Nội thì vô cùng nhiều.
"Vừa qua Hà Nội lập đề án xử lý, qua thống kê có 712 dự án chậm triển khai, chúng tôi đã hủy hơn 100 dự án, thu hồi lại đất để làm quy trình đấu thầu, đấu giá hàng nghìn hecta", ông Dũng nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, những dự án này thực chất chỉ được giao chủ trương qua một tờ giấy rồi cứ thế nằm 15-20 năm, không triển khai được, khiến dân bức xúc, thậm chí trở thành cái "ổ" của mất an ninh trật tự buộc cơ quan chức năng phải xử lý.
Bởi vì trước đây, Thành phố cứ kêu gọi đầu tư rồi mời doanh nghiệp đến ký giấy giao đất thực hiện dự án mà không qua đấu thầu. Doanh nghiệp nhận đất nhưng không thực hiện dự án gây lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực Nhà nước.
"Không riêng gì Hà Nội mà các địa phương khác cũng vậy", ông nói.
Từ đó, Bí thư Hà Nội nêu vấn đề, nếu chúng ta xử lý triệt để được những dự án này thì sẽ kích thích được thị trường bất động sản và nhiều vấn đề chạy theo như nguyên nhiên vật liệu, điện nước tiêu hao, công ăn việc làm..., rồi từ đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, sẽ "thông" được vấn đề tín dụng ngân hàng, trái phiếu riêng lẻ...
Ông Dũng cho biết, vừa qua chúng ta có nhiều quyết sách, chủ trương cho vấn đề này nhưng hiệu quả thực chất vẫn còn hạn chế, co cụm, cứ cấp nọ hỏi lên hỏi xuống cấp kia rồi được trả lời là "đúng quy định" thì cũng hết ngày.
"Phải nhìn vào thực tế này trên cả nước rồi lấy tư duy bây giờ, pháp luật bây giờ thì mới giải quyết được", Bí thư Hà Nội nêu quan điểm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 24/10
Nêu giải pháp, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho hay, để làm tiếp các dự án như trên, nhiều địa phương vẫn thấy lo lắng vì không biết tháo gỡ những vướng mắc về mặt cơ chế bằng cách nào.
Kết luận lại, theo Bí thư Hà Nội, Chính phủ hiện nay đã rất quyết tâm quyết liệt xử lý những vướng mắc này nhưng cần có pháp luật để tiến hành.
"Quốc hội nên có chủ trương và chỉ đạo rà soát tổng thể. Ở đây vướng chủ yếu là Luật Đất đai, sau đó là Luật Đầu tư. Nên chăng Quốc hội cho cơ chế giám sát rồi ra nghị quyết tháo gỡ vấn đề này", ông Dũng đề xuất.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn TP. Hà Nội) cho hay, theo báo cáo của Chính phủ, hiện nợ đọng thuế phí về đất đang gia tăng, nhất là nợ đọng trong các dự án bất động sản.
Theo bà Mai, hiện nay chúng ta chưa chú trọng thu nợ đọng từ các dự án bất động sản và đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn nội dung này đặc biệt là giải pháp để thu hồi nợ đọng ở các dự án bất động sản chậm triển khai.
“Nguồn lực phát triển kinh tế của đất nước không chỉ được tính ở các dự án đã triển khai, vận hành, mà nguồn lực đó còn nằm ở các dự án chậm triển khai. Nguồn lực bị tồn đọng ở đây rất lớn và đang đang bị lãng phí, cần có giải pháp để khơi thông”, bà Mai nhấn mạnh.
Trước đó, tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 3/8/2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, cho biết, thời gian qua Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã làm việc trực tiếp với nhiều địa phương.
Trong đó, tại Hà Nội, Tổ công tác đã làm việc để giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 712 dự án nhà ở, khu đô thị.
Hiện Hà Nội đã chỉ đạo, giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu), và đang tiếp tục giải quyết 293 dự án còn lại.