Bí thư Hòa Bình: 'Về địa phương chỉ để nhả tơ, không vướng quan hệ'
Là cán bộ từ Trung ương về địa phương, Bí thư Hòa Bình khẳng định không vướng bận bởi quan hệ, lợi ích nhóm. Trăn trở lớn nhất của ông là Hòa Bình vẫn nghèo dù có nhiều tiềm năng.
Trăn trở ấy được ông Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, nhiều lần nhắc đến trong cuộc trò chuyện với Zing để chia sẻ về chương trình hành động sau Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII của tỉnh.
“Từ khi lên Hòa Bình, tôi luôn đau đáu khi các huyện có tiềm năng lại thuộc top nghèo nhất tỉnh. Tôi cũng rất suy nghĩ khi thấy vùng thủ đô xung quanh không nơi nào còn nghèo như Hòa Bình”, ông Tuấn chia sẻ.
Đà Bắc, Lạc Sơn và Kim Bôi là 3 huyện nghèo nhất của tỉnh, cũng là bài toán lớn nhất với vị Bí thư 7X. Điều đáng nói, đây là những huyện có tiềm năng lớn về du lịch, như Đà Bắc có khu du lịch lòng hồ sông Đà, Lạc Sơn có khí hậu mát mẻ như Tam Đảo, Kim Bôi nổi tiếng với suối nước nóng.
- Là một trong 28 lãnh đạo trẻ được tin tưởng bầu giữ cương vị người đứng đầu cấp ủy, ông có giải pháp, kế hoạch gì để đem sức trẻ của mình cống hiến cho sự phát triển của địa phương?
- Tuổi của tôi vẫn được coi là trẻ à? Tôi nghĩ mình không còn trẻ nữa. Ngay khi lên Hòa Bình tôi xác định đây là quê hương thứ hai nên đã nhanh chóng đi nắm tình hình, trăn trở xây dựng chiến lược phát triển cho tỉnh. Nhận được sự tin tưởng của Thường trực Tỉnh ủy, tôi được giao phụ trách xây dựng nghị quyết về chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030.
Khi tôi về Hòa Bình, văn kiện đã được chuẩn bị rất sớm, đề cương đã được xây dựng. Nhưng sau khi đi khảo sát và về báo cáo lại, toàn bộ đề cương về chiến lược phát triển đã được thay đổi. Tôi trực tiếp khảo sát, nghiên cứu và chấp bút xây dựng đề cương này. Như ở Đà Bắc, Kim Bôi, trong 4 tháng đầu tôi trực tiếp đi hết các xã khó khăn để nắm bắt tình hình.
- Trong số những bí thư cấp ủy vừa được bầu, ông cũng là một trong 27 bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương. Ông nhận thấy mình có thuận lợi, khó khăn gì?
- Thuận lợi nhất là từ nơi khác về, mình không bị vương vấn bởi quan hệ hay bất cứ vấn đề gì, mà chỉ có một tâm nguyện là làm thật tốt nhiệm vụ được giao.
Chúng tôi thường đùa nhau “đến đây chỉ để nhả tơ, làm tốt cho địa phương”, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm. Tỉnh cũng quán triệt phải chống tham nhũng mạnh mẽ ngay từ đầu nhiệm kỳ, và chống tham nhũng là để phát triển chứ không làm chậm sự phát triển.
Nhưng cái khó là mình quen công tác Trung ương, giờ xuống làm công tác Đảng, công tác địa phương cũng cần tìm hiểu, làm quen phong tục tập quán, nắm kỹ tình hình để đóng góp vào chủ trương, chính sách của cả tỉnh.
Tôi cũng may mắn khi về đây vì Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đoàn kết thống nhất, luôn vì cái chung, tạo điều kiện cho mình hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tôi nghĩ luân chuyển bí thư cấp ủy không phải người địa phương là một chủ trương đúng đắn. Đây là một quyết sách quan trọng, và chúng tôi cũng áp dụng xuống các cơ sở. Trong vài tháng tới, các huyện của Hòa Bình sẽ có 100% bí thư huyện ủy không phải người địa phương.
- Ông là cán bộ nơi khác luân chuyển về, tuy nhiên, để địa phương phát triển thì vẫn phải dựa vào đội ngũ cán bộ địa phương. Trong chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, Đảng bộ tỉnh tính toán thế nào để cán bộ trẻ, cán bộ người địa phương phát huy tốt năng lực, có những đột phá trong công tác?
- Với phương châm “xây dựng Đảng là then chốt, và công tác cán bộ là then chốt của then chốt”, Hòa Bình tập trung vào đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực. Chúng tôi phải xây dựng đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm thực tiễn, có tâm và có tầm.
Đặc biệt, chúng tôi rất quan tâm đến cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc có năng lực, năng động, sáng tạo, được đào tạo bài bản. Chúng tôi sẵn sàng bố trí họ vào những vị trí quan trọng.
Hiện nay, hầu hết bí thư cấp huyện đều là cán bộ trẻ. Ví dụ tỉnh ủy mới điều động, bổ nhiệm Bí thư Huyện ủy Tân Lạc thế hệ 8X, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch và Bí thư TP Hòa Bình và nhiều bí thư huyện ủy đều thuộc thế hệ 7X.
- Trung tâm Hòa Bình cách Hà Nội chỉ hơn một giờ ôtô, có nhiều điều kiện để phát triển nhưng bao năm nay vẫn “nghèo bền vững”. Bắt tay vào nhiệm kỳ mới, ông cùng Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đề ra chiến lược, kế hoạch hành động như thế nào để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương?
- Chúng tôi đã đề ra 4 đột phá chiến lược.
Một là xây dựng quy hoạch tỉnh, nâng cao chất lượng để quy hoạch có tầm nhìn dài hơn, và đặc biệt, phải quản lý theo quy hoạch. Trước đây, chất lượng quy hoạch rất thấp, tầm nhìn ngắn, và hầu như chạy theo nhà đầu tư nên dễ chồng lấn, vụn vặt. Từ kinh nghiệm nghiên cứu của các địa phương năm qua phát triển tốt, chúng tôi đặt mục tiêu đột phá chiến lược đầu tiên chính là quy hoạch có tầm nhìn và quản lý theo quy hoạch.
Đột phá thứ hai là về thể chế, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư. Hiện, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh còn thấp - đứng thứ 48. Chúng tôi đặt mục tiêu mỗi năm phấn đấu cải thiện tối thiểu 3 bậc để lọt top 30.
Đột phá thứ ba là hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với Hòa Bình. Tôi lấy ví dụ: Huyện Đà Bắc của chúng tôi tại sao nghèo như vậy? Vì tôi nghĩ chúng ta nợ bà con Đà Bắc một con đường. Toàn huyện chỉ có một con đường độc đạo nối thành phố Hòa Bình với chiều dài khoảng 12 km, khởi công xây dựng từ 2012, qua hơn 9 năm rồi vẫn chưa xong, suất đầu tư lên tới trên 53 tỷ/km.
Tôi nói chúng ta nợ Đà Bắc vì toàn bộ phần đất đẹp nhất của Đà Bắc ngập dưới lòng hồ. Khi làm thủy điện Hòa Bình, hồi ấy không có dự án di dân tái định cư, chỉ “vén dân”, tức là nước hồ ngập đến đâu thì dân lên đến đấy.
Bởi vậy, chúng tôi tha thiết muốn làm được con đường cao tốc kết nối Hòa Bình - Mộc Châu đi qua địa phận huyện Đà Bắc. Với ý nghĩa là một trong ba con đường huyết mạch, tuyến giao thông này sẽ giúp Đà Bắc khởi sắc.
Con đường thứ hai là nối đầu thành phố Hòa Bình, từ phía trạm thu phí trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình đi Kim Bôi, dài khoảng 25 km. Chúng tôi đang khảo sát, lập dự án làm đường 4 làn xe. Khi đó, đi từ Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình ở Hà Nội lên Kim Bôi chỉ mất khoảng một giờ. Dự án này sẽ mang lại động lực lớn cho tăng trưởng ở Kim Bôi.
Con đường thứ ba, là phải biến đường Hòa Lạc - Hòa Bình thực sự trở thành đường cao tốc. Trước mắt phấn đấu 4 làn nhưng quy hoạch với tầm nhìn là 16 làn xe, kể cả đường sắt đô thị kết nối với thủ đô Hà nội. Dự kiến dự án này sẽ được làm theo hình thức PPP. Một đơn vị đã khảo sát và dự kiến đầu tư khoảng 9.700 tỷ, thu phí trong 27 năm là khả thi.
Đó là 3 trục giao thông rất quan trọng. Hai dự án đầu là để tạo đột phá cho hai huyện nghèo, dự án còn lại giúp thúc đẩy sự phát triển của cả vùng.
Đột phá thứ tư là phát triển nguồn nhân lực. Đi theo nhu cầu phát triển, chất lượng nguồn nhân lực đòi hỏi rất cao. Chúng tôi đã có chương trình riêng cho giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo, cùng với đó là quan tâm đào tạo nghề, đào tạo hướng nghiệp, tập trung vào những ngành nghề Hòa Bình sẽ phát triển, ví dụ như du lịch, như công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao...
- Trong nghị quyết đại hội của đảng bộ các địa phương đều có những điểm riêng biệt, đột phá để “tạo lối đi riêng” phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, xã hội. Vậy lối đi riêng mà Hòa Bình lựa chọn là gì, thưa ông?
- Phương châm phát triển của Hòa Bình là hướng tới một cuộc sống xanh hơn. Xanh ở đây không chỉ có xanh về môi trường, mà đó còn chính là màu xanh của hạnh phúc, màu xanh của hy vọng. Dù có phát triển theo hướng nào thì cuộc sống của người dân cũng phải được nâng lên về cả vật chất và tinh thần. Điều quan trọng nhất là người dân địa phương phải được thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
Xác định như vậy nên Hòa Bình chọn nông nghiệp là nền tảng, công nghiệp là đột phá và du lịch là mũi nhọn.
Về nông nghiệp, tỉnh đi theo phương châm “không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển”. Tỉnh xác định phải xanh, xanh hơn và xanh hơn nữa bằng cách phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ, cụ thể là thị trường Hà Nội, vùng thủ đô với khoảng gần 20 triệu dân. Sản phẩm của Hòa Bình sạch, chất lượng cao, chi phí vận chuyển thấp nên Hòa Bình xác định là “bếp ăn” của Hà Nội.
Hòa Bình hiện có nhiều mô hình trồng nông sản sạch xuất khẩu và nuôi cá lồng ở lòng hồ, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Song, nếu phát triển nông nghiệp và du lịch thì chỉ giải quyết nguồn thu cho người dân, còn thu ngân sách không nhiều. Vì thế, tỉnh xác định phải phát triển công nghiệp, tập trung vào các khu như Lạc Thủy, Yên Thủy; thu hút công nghiệp chế biến chế tạo công nghệ cao, đảm bảo sạch, thân thiện với môi trường.
Cuối cùng là du lịch - ngành mũi nhọn. Hiện nay, khu du lịch lòng hồ Hòa Bình được Thủ tướng quy hoạch là khu du lịch quốc gia. Đã có quyết định rồi nhưng chúng tôi phải chuẩn bị về công tác quy hoạch; về xây dựng hạ tầng… Chúng tôi có kế hoạch vay 2.600 tỷ để xây dựng đường bao quanh hồ và một số hạ tầng xung quanh, biến khu vực này thành khu du lịch cao cấp, tối thiểu từ 4 sao trở lên.
Khu Mai Châu sẽ được quy hoạch là khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Ở Kim Bôi cũng đang thu hút nhà đầu tư, sau khi có thông tin về dự án đường 4 làn xe vào huyện này, cũng đã có một số nhà đầu tư lớn khảo sát địa điểm, quy hoạch làm khu resort khoảng 700 ha.
Đặc biệt, tới đây Hòa Bình sẽ có quy chế lựa chọn nhà đầu tư dựa trên năng lực triển khai, quản lý và vận hành dự án, dựa trên năng lực tài chính… Rút kinh nghiệm trước đây có nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đến giữ đất, ôm dự án nhưng không làm. Cùng với đó, phải có quy chế giải phóng mặt bằng cho từng loại đất, quy định rõ trách nhiệm của các ban ngành, cấp chính quyền, cả MTTQ, người dân và doanh nghiệp trong công tác này.
- Hồ Hòa Bình được quy hoạch là khu du lịch quốc gia, vậy tỉnh có chính sách gì để phát triển, khai thác tốt tiềm năng của vùng hồ trên núi tuyệt đẹp này?
- Việc phát triển vùng lòng hồ đã có chủ trương rồi, chúng tôi đang bắt đầu quy hoạch lòng hồ, phối hợp với các doanh nghiệp triển khai xã hội hóa, mời gọi đầu tư. Chúng tôi đang thuê một đơn vị quy hoạch nổi tiếng của Pháp để làm quy hoạch, rồi mới đầu tư hạ tầng.
Tỉnh sẽ có một dự án riêng để phát triển cơ sở hạ tầng sau khi có quy hoạch lòng hồ. Nhưng trước mắt sẽ tiến hành rà soát việc cấp phép các dự án đầu tư trên địa bàn để chọn nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm, hướng tới mục tiêu để lòng hồ Hòa Bình cung cấp sản phẩm dịch vụ cao cấp, ví dụ có cả du thuyền, hoặc những người có điều kiện có thể đi trực thăng, thủy phi cơ đến đây, giống như Hạ Long.
Việc thực hiện những mục tiêu đó cố gắng hoàn thành vào 2030.
- Trong câu chuyện phát triển du lịch, bảo tồn và gìn giữ những nét văn hóa truyền thống luôn là một bài toán khó. Theo ông, phải làm sao để giải quyết hài hòa vấn đề giữa phát triển và bảo tồn?
- Để bảo tồn văn hóa thì văn hóa phải làm ra tiền, như vậy mới bền vững được.
Có một bài học đau xót tôi thấy, đó là ở bản Lác (Mai Châu). Khi lên tôi rất buồn vì không còn thấy văn hóa người Thái nữa, mà nơi đây giống như Hàng Ngang, Hàng Đào ở thủ đô Hà Nội.
Ngày xưa, ở bản Lác, trước nhà sàn bao giờ cũng có dòng suối chảy, trong mỗi nhà đều có ao cá, có vườn, có chuồng trại chăn nuôi. Nhưng bây giờ nhiều nhà đã lấp hết ao hồ để bên dưới bán hàng, bên trên cho khách ngủ, tối mở karaoke …
Tôi đã chỉ đạo chính quyền địa phương rút kinh nghiệm, để bản Lác phát triển homestay phải gắn với giữ gìn văn hóa. Có thể nghiên cứu xây khu mới riêng biệt, có không gian về đêm phục vụ giới trẻ như chợ đêm, karaoke, nhưng bên trong vẫn phải duy trì nếp cũ, để cho du khách thực sự trải nghiệm văn hóa người Thái.
Như vậy vừa phát triển vừa giữ được văn hóa.
Một trong những trọng tâm phát triển du lịch của Hòa Bình là phát triển du lịch cộng đồng gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa của người dân tộc, nhưng văn hóa phải đẻ ra tiền. Ví dụ có thể thành lập các đội chiêng Mường, mo Mường, những nghệ nhân biểu diễn sống được với nghề sẽ giữ được văn hóa. Phải giúp người dân được hưởng lợi thì mới phát triển bền vững được.
- Xin cảm ơn ông!